Thị trường

Vàng thế giới giảm 3%, vàng trong nước giảm 0,7% trong tuần qua

(VNF) - Trong tuần qua, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 3%, nhưng niềm tin giá vàng sẽ lên nấc thang mới của các nhà đầu tư vẫn còn khá mạnh khi các bất ổn địa chính trị vẫn còn, giá dầu vẫn còn ở mức cao, lạm phát vẫn tác động đến kinh tế toàn cầu…

Vàng thế giới giảm 3%, vàng trong nước giảm 0,7% trong tuần qua

Khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng SJC được giữ ở mức 1,2 triệu đồng/lượng, giảm 1/3 so với mức trung bình của tuần trước.

Vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với giá niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 67,8- 68,9 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới ngày 19/3 đang ở mức 1.922,4 USD/ouce, giảm 69 USD/ounce so với 1 tuần trước.

Như vậy, so với đỉnh mức 74,4 triệu đồng/lượng vào ngày 8/3, giá vàng đã giảm 5,5 triệu đồng/lượng. Còn so với 1 tuần trước, giá vàng trong nước hôm nay đã tăng nhẹ 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra (tương đương 0,7%).

So với mức giá ở phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, giá vàng SJC giao dịch ở mức 61 triệu đồng/lượng, trừ chênh lệch giá mua - bán, đến thời điểm này nhà đầu tư vẫn còn lãi khoảng 6,8 triệu đồng/lượng trong vòng hơn 3 tháng.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng được điều chỉnh tăng mạnh, mua bán quanh mức 54,9 - 55,9 triệu đồng/lượng, so với 1 tuần trước thì giá vàng trang sức đã giảm khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng.

Trong tuần qua, giá vàng trong nước đã nhiều phiên biến động điều chỉnh giá. Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng SJC được giữ ở mức 1,2 triệu đồng/lượng, giảm 1/3 so với mức trung bình của tuần trước.

Tuy nhiên mức chênh lệch này cũng còn khá cao, cũng thể hiện mức độ biến động dữ dội của giá vàng nên các công ty phải kéo giãn khoảng cách mua vào - bán ra để đảm bảo an toàn cho người kinh doanh vàng.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và vàng trong nước cũng biến động theo giá vàng. Do giá thế giới giảm mạnh, trong nước giảm chậm hơn, quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC gần 16 triệu đồng/lượng.

Nhu cầu với vàng của người dân trong nước vẫn luôn ở mức cao, tăng trưởng đều đặn. Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng cả năm 2021 ở Việt Nam ở mức 43 tấn, tăng trưởng khoảng 8%.

Theo các chuyên gia của WGC, Việt Nam chủ yếu là thị trường tiêu dùng, bán lẻ vàng, do đó các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng sẽ có tác động lớn nhất. Trong đó, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng hiện nay, bao gồm: tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Nghiên cứu thị trường của WGC đã chỉ ra rằng, chống lạm phát là yếu tố chính để người Việt mua vàng.

Giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.922 USD/ounce. So với mức giá cao nhất được xác lập vào ngày 9/3 là 2.073 USD/ounce thì chỉ trong 10 ngày qua, giá vàng thế giới đã giảm 151 USD/ounce.

Các nhà đầu tư cho rằng quyết định tăng lãi suất của Fed là trở ngại đối với vàng trong ngắn hạn, khi lạm phát tại châu Âu và Mỹ tăng tiếp tục hỗ trợ nhu cầu với kim loại quý này.

Trên thực tế, tâm lý đối với vàng vẫn mạnh dù giảm gần 3% trong tuần này. Kết quả mới nhất của cuộc khảo sát thị trường vàng hàng tuần thuộc Kitco News cho thấy, tâm lý lạc quan trên diện rộng giữa các nhà phân tích Phố Wall và cả các nhà đầu tư Phố Main.

Tuần này, trong 16 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News, 9 người (chiếm khoảng 56%) dự đoán giá vàng tăng vào tuần tới; đồng thời, chỉ 4 người (25%) đã giảm giá vàng trong thời gian tới; 3 người còn lại (19%) trung lập về giá.

Trong khi đó, trong 822 phiếu được thực hiện trong các cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Chính, 560 người được hỏi (68%) vẫn tin tưởng giá vàng tăng trong tuần tới; 147 phiếu (18%) dự đoán giá vàng thấp hơn, trong khi 115 người còn lại (14%) cho ý kiến trung lập.

Từ khoá: vàng, giá vàng, vàng miếng, sjc,
Tin mới lên