Thị trường

Vật liệu xây dựng tăng giá 'sốc'

Mở cửa phục hồi kinh tế, các công trình xây dựng dồn dập khởi động lại, khiến giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng với mức rất mạnh. Nhiều dự án có nguy cơ chậm, thậm chí “vỡ trận” vì khó kham nổi mức tăng quá mạnh này.

Vật liệu xây dựng tăng giá 'sốc'

Giá vật liệu xây dựng tăng cao có nguy cơ làm tăng giá bất động sản 

Tăng sốc cho thị trường

Thông tin từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá than. Hiện giá than trong nước tăng bình quân từ 7 - 10%, dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò tăng giá trên 10% và hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi măng cũng tăng giá. Trong khi đó, giá than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng.

Chính vì vậy, từ ngày 25/10, giá xi măng đã tăng rất mạnh, trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn và đang gây sốc cho thị trường vật liệu xây dựng (VLXD). Cũng từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 - 192.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg. Công ty Thái Nguyên cũng tăng giá thép CB240 thêm 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg, thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg. Các công ty khác cũng tăng từ 200 - 400 đồng/kg.

Đây không phải là đợt tăng giá thép đầu tiên. Đầu năm 2021, thép tăng giá chóng mặt so với năm 2020 khiến các bộ ngành phải vào cuộc kiểm tra. Hay giá các loại kính hiện cũng tăng hơn 30% so với đầu năm 2021. Rồi hàng loạt VLXD khác cũng “bốc đầu” tăng theo.

Lãnh đạo một công ty thép tại TP. HCM lý giải, giá sắt thép tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng và giá sắt thép thế giới tăng mạnh cộng với nhu cầu xây dựng hồi phục sau dịch Covid-19. Cầu tăng thì cung tăng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các VLXD đầu vào như: giá thép xây dựng tăng 30 - 40% (mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường), giá nhựa đường tăng 9 - 10%, giá xi măng tăng 3 - 5%...

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới, trong khi một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất VLXD phải nhập khẩu dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, từ đó làm tăng giá VLXD… Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay dịch bùng phát ở hầu hết các quốc gia, việc hạn chế đi lại, thông quan hàng hóa chậm lại dẫn đến thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa xuất khẩu kéo dài, nhân công bốc xếp, vận tải hàng hóa bị đình trệ cũng làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của DN VLXD trong nước.

Nguy cơ làm tăng giá bất động sản

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group, hiện trong một dự án bất động sản (BĐS) thì chi phí sắt thép chiếm khoảng 15 - 20% (thuộc nhóm chi phí xây dựng). Tuy nhiên, với sản phẩm BĐS, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải gánh.

Do đó, giá sắt thép tăng lên 50%, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5 - 10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trần Anh, phân tích dịch bệnh kéo dài làm thị trường BĐS trầm lắng, giao dịch giảm mạnh nên khó tăng giá BĐS. Tuy nhiên, có một vấn đề phát sinh là do giá VLXD tăng mạnh mà trước đó nhà thầu đã ký hợp đồng “chốt” với chủ đầu tư nên họ tìm cách kéo dài tiến độ thi công, làm cho dự án bị chậm tiến độ, dẫn đến chủ đầu tư bị khách hàng phạt vì chậm giao nhà.

“Giá VLXD tăng theo nguyên tắc buộc chủ đầu tư phải tăng giá bán căn hộ. Tuy nhiên, hiện nay thị trường trầm lắng, lượng khách hàng ít nên chủ đầu tư buộc lòng phải cắt giảm lợi nhuận để giữ giá bán và kéo khách hàng”, ông Vinh cho hay.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, giá VLXD tăng phi mã thời gian qua đã kéo theo căn hộ chung cư đã tăng 4 - 6% trong thời gian gần đây. Dự báo giá sẽ còn tăng từ 10 - 15% trong thời gian tới. Tình trạng này không chỉ các chủ đầu tư điêu đứng.

Theo lãnh đạo một công ty xây dựng, hiện các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do trước đó đã ký với chủ đầu tư hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Do đó, giá VLXD có tăng đến bao nhiêu, họ vẫn phải “bấm bụng” thi công để đảm bảo đúng tiến độ trong hợp đồng, nếu không sẽ bị phạt nặng.

“Thực tế không chỉ chủ đầu tư, người dân mà ngay các nhà thầu xây dựng cũng đau đầu với bài toán VLXD tăng giá. Hiện đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư và nhà thầu vẫn phải gánh chịu phần tăng giá này với các hợp đồng đã ký trước đó”.

Lãnh đạo một công ty xây dựng

Tin mới lên