Ngân hàng

VCCI: ‘Cần nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%’

(VNF) - Một trong số 10 đề xuất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, cụ thể là nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

VCCI: ‘Cần nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%’

(Ảnh minh họa)

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2022, VCCI đã nêu lên 10 kiến nghị để góp phần hiện thực hóa mục tiêu và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ nhất là tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp. Theo VCCI, các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận thông tin. Các hướng dẫn thực hiện cần rõ ràng hơn với những tiêu chí đánh giá cụ thể giúp đánh giá mức độ hoàn thành của mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện. Trong quá trình này, các cơ quan chức năng cũng cần vận hành hiệu quả đường dây nóng và hòm thư điện tử để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách.

Thứ hai là hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể là việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết.

Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng cần nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ.

Thứ ba là đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia. Trong đó, đối với chuyên gia nước ngoài, VCCI đề nghị bộ, ngành rà soát quy trình đối với thủ tục nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài theo hướng: áp dụng giải quyết thủ tục trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục…

Về giải pháp thứ tư theo VCCI là nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó, một số hành động cụ thể được liệt kê là triển khai như các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động; thực hiện có hiệu quả các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động; nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hoạt động sàn giao dịch việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm, giải quyết kịp thời các tranh chấp do lao động làm nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động.

VCCI cho rằng Việt Nam cần có các chương trình đào tạo kỹ năng cụ thể, cho từng ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cụ thể thuộc các chuỗi giá trị trọng điểm, và nằm trong chiến lược cụ thể thu hút các chuỗi FDI chuyển dịch. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động việc làm trong 5-10 năm tới.

Kiến nghị thứ tư là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Trong 2 năm Covid-19 hoành hành, việc áp dụng các quy định giãn cách gây khó khăn trong tiếp cận khách hàng, đối tác để thực hiện các giao dịch kinh doanh, đặc biệt là các dịch vụ có liên quan đến cấp, xác nhận giấy tờ.

Một số bất cập vẫn tồn tại như chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến hay sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong quá trình đăng ký và phê duyệt hay một số thủ tục nộp hồ sơ đăng ký và xin phê duyệt vẫn đòi hỏi phải nộp bản gốc bằng văn bản…

Thứ sáu là nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền. Thứ bảy là nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA.

Việt Nam hiện có 15 FTA đang có hiệu lực trong đó có nhiều thị trường mà Việt Nam hiện có lợi thế do các đối thủ cạnh tranh chính chưa có FTA. Lợi thế thuế qua theo các FTA là công cụ quan trọng để hấp dẫn các khách hàng quay trở lại đặt hàng với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ tám là xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử (sàn giao dịch điện tử, vận tải công nghệ, chợ đầu mối trực tuyến….); hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số;…

Kiến nghị thứ chin là thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành. “Cần có sự liên kết giữa các bộ, địa phương, hiệp hội để xây dựng những tuần lễ kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo ngành hoặc đa ngành, kết hợp online và tập trung”, VCCI nêu rõ.

Kiến nghị cuối cùng của VCCI là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tin mới lên