Tiêu điểm

VCCI: ‘Chỉ tiêu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số là quá nhỏ’

(VNF) - VCCI nhấn manh chỉ tiêu “30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số” trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững là quá nhỏ.

VCCI: ‘Chỉ tiêu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số là quá nhỏ’

VCCI nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế của đất nước.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý đối với dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Về mục tiêu chung của dự thảo, VCCI cho rằng nghị quyết cần hướng tới các mục tiêu lớn như hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững; đồng thời góp phần xây dựng nền tảng để hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước theo Nghị quyêt Đại hội Đảng lần thứ 13: đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

VCCI cũng cho rằng, nghị quyết cũng nên có thêm mục tiêu khơi dậy tinh thần và khí thế mới trong hoạt động kinh doanh, đồng thời xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh theo định hướng của Đảng, tương xứng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Về các mục tiêu cụ thể, VCCI nhận xét trong dự thảo hiện nay có nhiều điểm chưa rõ, nên cân nhắc hoàn thiện, bổ sung theo hướng đề ra các chỉ tiêu mang tính tiêu chí tương ứng với mục tiêu phát triển của đất nước vào năm 2025, hướng tới 2030 và 2045.

Ví dụ mục tiêu: “Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu” chưa làm rõ được tỷ trọng, vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước như thế nào so với các doanh nghiệp FDI.

Hay với mục tiêu “khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, “100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số”, VCCI cho rằng mục tiêu này rất khó định lượng và đánh giá kết quả đạt được.

Ngoài ra, dự thảo đặt ra chỉ tiêu “đạt 1,5 triệu doanh nghiệp”, VCCI đặt câu hỏi chưa rõ số doanh nghiệp này là “đăng ký thành lập” hay là “đang hoạt động”.

“Xác định số doanh nghiệp đang hoạt động có thể phản ánh sát hơn về sức khỏe của nền kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy và tạo điều kiện để các chủ thể kinh doanh có thể hoạt động. Hơn nữa, Nghị quyết 10 cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động”, VCCI nhấn mạnh và đề nghị quy định rõ về mục tiêu này theo hướng: đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động.

Với chỉ tiêu “30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số”, VCCI cho rằng số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ theo dự thảo là quá nhỏ.

“Nếu con số mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động đạt được, cộng với số hợp tác xã và hộ kinh doanh, thì chỉ tiêu này chiếm một tỷ lệ rất thấp. Mặt khác, dự thảo cũng không nêu rõ mức độ chuyển đổi số như thế nào, do vậy, đề nghị nâng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số và làm rõ mức độ chuyển đổi số”, VCCI đặt vấn đề.

Về xây dựng thể chế, dự thảo đưa ra quan điểm “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý”, VVCI cho là phù hợp, tạo ra cơ chế quản lý vừa đảm bảo mục tiêu quản lý của nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với nội dung này, VCCI cho rằng thời gian qua, “nguyên tắc quản lý rủi ro” được áp dụng trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan… đã góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đồng thời giảm bớt gáng nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc này trong cơ chế quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực thời gian tới, cụ thể như sau: “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý”.

Tin mới lên