Tài chính

VCCI đề xuất cho doanh nghiệp khấu trừ lỗ năm 2020 vào lợi nhuận 2019

VCCI đề xuất nhiều giải pháp cấp bách giúp doanh nghiệp tránh phá sản sau đại dịch, cho phép doanh nghiệp khấu trừ khoản lỗ năm 2020 vào lợi nhuận năm 2019 hay chuyển lỗ vào thu nhập cho 5 năm sau.

VCCI đề xuất cho doanh nghiệp khấu trừ lỗ năm 2020 vào lợi nhuận 2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

“Đại dịch COVID-19 đã có những tác động hết sức nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài,” ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp “Cùng nỗ lực-Vượt thách thức-Đón thời cơ-Phục hồi nền kinh tế,” ngày 9/5.

Trước mắt là tránh phá sản

Theo đó, VCCI đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp cấp bách nhằm giúp doanh nghiệp tránh phá sản ngay sau đại dịch, trong đó cho phép doanh nghiệp khấu trừ các khoản lỗ của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vào năm lợi nhuận của năm 2019 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được chuyển lỗ vào thu nhập cho 5 năm tiếp theo.

“Điều này cho phép doanh nghiệp chi trả nộp thuế trong vòng hai năm 2019-2020, quan trọng hơn là có thể giúp doanh nghiệp có lợi nhuận trong năm 2019 nhưng bị thua lỗ lớn trong năm 2020 có thể tránh phá sản do ảnh hưởng của đại dịch,” ông Lộc nói.

Kết quả khảo sát của VCCI về tác động của đại dịch COVID-19 đến các doanh nghiệp cho thấy 92% số doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu so với năm 2019, khi 85% doanh nghiệp đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, gần 60% doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng thiếu vốn cũng như dòng tiền kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trước thực trạng trên, việc giãn các thời hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp vì khi ngừng hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân. Do đó, VCCI kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm 50% tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức giảm trừ gia cảnh thế thu nhập cá nhân và giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm (2020, 202) đồng thời kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế lên 12 tháng.

VCCI cho rằng cơ quan chức năng cần sớm ban hành Nghị định cho thực hiện ngay việc hồi tố với chi phí lãi vay khi tính thuế trong hai năm 2017, 2018 và cho phép chuyển tiếp chi phí trong thời hạn 5 năm.

“Việc hồi tố và cho phép chuyển tiếp có đủ cơ sở pháp lý, bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Đây là việc làm hợp lý, hợp tình; góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào sự đồng hành chia sẻ của các cơ quan Chính phủ với những khó khăn của doanh nghiệp để họ có thể duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước,” ông Lộc nói.

Ngoài ra, đại diện VCCI cho biết việc sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP-hướng tới mức khống chế trần lãi vay là 30% vẫn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị chỉ áp trần mức lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và các giao dịch này không đúng bản chất thị trường, làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách Nhà nước.

Tồn tại quá nhiều loại phí, lệ phí

Theo ông Lộc, hiện nay đang tồn tại rất nhiều loại phí, lệ phí, giá liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp do đó các cấp quản lý cần sớm ban hành chính sách giảm phí, lệ phí (như giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay, phí giao thông đường bộ thu trên đầu phương tiện, giá dịch vụ hàng không, các loại phí trong đầu tư, xây dựng cơ bản…) theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 11/CT-TTg với mức giảm từ 30-50%.

Đối với các doanh nghiệp đã có khoản đóng góp, ủng hộ Chính phủ trong các hoạt động chống dịch COVID-19, các chi phí này nên xem xét được hạch toán vào chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đồng thời các chi phí phát sinh trong phòng chống dịch cũng cần được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về chính sách tín dụng, VCCI cho rằng các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, do đó việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu dựa trên cơ sở cắt giảm lợi nhuận và chi phí đồng thời phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng thương mại.

“Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định. Hơn thế, các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn với các thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà. Đặc biệt, đối tượng áp dụng hưởng ưu đãi còn chưa công khai, minh bạch, khiến doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi… Cụ thể, các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu được thực hiện ngay ở các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Agribank, Viettinbank… cũng rất khác nhau,” ông Lộc chỉ ra.

Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã đề ra, VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin-cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

“Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại nên chủ động giải quyết các ưu đãi, như việc giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, giãn nợ hoàn toàn có thể thực hiện tự động khi xác định đối tượng rõ ràng chứ không nhất thiết phải chờ doanh nghiệp đề nghị, trong đó chú trọng tới các đối tượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, đây đối tượng bị tổn thương nhiều bởi dịch bệnh chứ không chỉ là các doanh nghiệp lớn, khách hàng thân thiết của mình,” ông Lộc nhấn mạnh.

Để làm được điều này, theo VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh giảm các tỷ lệ trích lập dự phòng tại các ngân hàng thương mại ở mức hợp lý hơn. Bởi, việc “giải phóng” một phần trích lập dự phòng chuyển thành vốn lưu chuyển cho hoạt động kinh doanh, hỗ trợ khách hàng sẽ giúp tăng khối lượng khách hàng được hỗ trợ, giúp doanh nghiệp ngân hàng nhanh chóng phục hồi sau dịch.

Tin mới lên