Bất động sản

VEC 'phớt lờ' quyết định xử phạt, chây ì sửa chữa hư hỏng tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

(VNF) - Dù đã nhiều lần bị nhắc nhở bằng văn bản, thậm chí nhận các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đến nay Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn chưa chấp hành các quyết định xử phạt và khắc phục những hư hỏng trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

VEC 'phớt lờ' quyết định xử phạt, chây ì sửa chữa hư hỏng tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

VEC không sửa chữa, khắc phục những tồn tại trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo văn bản này, Bộ GTVT cho biết đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo VEC khẩn trương triển khai sửa chữa các hư hỏng mặt đường, công trình, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

“Các hư hỏng, tồn tại đã được Cục Quản lý đường bộ III nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở bằng văn bản, thậm chí đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đến nay VEC và các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên vẫn chưa chấp hành các quyết định xử phạt và những hư hỏng, tồn tại trên vẫn không được sửa chữa, khắc phục", văn bản của Bộ GTVT nhấn mạnh.

Bằng văn bản này, Bộ GTVT yêu cầu VEC chỉ đạo đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục ngay những hư hỏng; tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, tuần tra, phát hiện hư hỏng và kịp thời xử lý theo đúng quy định về bảo trì công trình.

Bộ GTVT cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC tập trung thời gian, nhân lực để khắc phục các hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông, giám sát công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thực hiện đúng quy định

Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu cơ quan này tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các tồn tại trong quản lý bảo trì và các hư hỏng nền, mặt đường, công trình, hệ thống an toàn giao thông, phát hiện các bất cập trong công tác quản lý, tổ chức giao thông để yêu cầu VEC sửa chữa.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ III, một số vấn đề còn tồn tại trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi như nhiều biển báo, màng phản quang trên tuyến bị hư hỏng, bong tróc không còn phát huy tác dụng; thiếu biển báo hạn chế tốc độ 100km/h tại vị trí phía trước các lối ra ở nút giao Chu Lai và nút giao Tam Kỳ khi đoạn từ Km65+00 - Km130+500 khai thác tốc độ tối đa 120km/h. 

Bên cạnh đó, mặt đường bê tông nhựa bị hằn lún vệt bánh xe 2,5cm tại 15 vị trí với khoảng hơn 10.570m2; mặt đường bị dồn tại 4 vị trí với khoảng 37m2; đường dẫn hai đầu cầu, cống bị lún võng tại 10 vị trí.

"Các hư hỏng, tồn tại diễn ra trong thời gian dài, nguy cơ mất an toàn giao thông cao, Cục Quản lý đường bộ III nhiều lần nhắc nhở nhưng VEC vẫn không thực hiện. Nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành nhưng hư hỏng vẫn không được khắc phục", lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ III cho hay.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139 km, từ TP. Đà Nẵng đến TP. Quảng Ngãi. Giai đoạn 1 của dự án dài 65km, từ Đà Nẵng đến TP. Tam Kỳ, Quảng Nam, có 8 gói thầu xây lắp. Giai đoạn 2 là hơn 74km, gồm 5 gói thầu xây lắp.

Dự án khởi công ngày 19/5/2013, đến ngày 1/8/2017, dự án đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 65km và ngày 2/9/2018 bắt đầu khai thác nốt giai đoạn 2 với 74,2km. Mặc dù mới sử dụng nhưng đoạn 65km đã xuất hiện nhiều điểm hỏng trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng đến khai thác.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư rất lớn, hơn 34.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không thực hiện đúng quy định về pháp luật xây dựng, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, xảy ra nhiều hư hỏng.

Kết quả giám định tư pháp của cơ quan có thẩm quyền xác định tại nhiều gói thầu của dự án, chất lượng vật liệu nguồn, chất lượng các hạng mục không đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật; yêu cầu thiết kế dự án như: chiều dày, hàm lượng nhựa, độ thấm. Mặt khác, nhiều chỉ số khác như độ dẻo, độ mài mòn không đạt yêu cầu; cường độ chịu tải không đảm bảo quy định…

Mặc dù vậy, lãnh đạo VEC và các bên tư vấn, giám sát vẫn đánh giá công trình đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng ý nghiệm thu đưa vào khai thác.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định giá trị các hạng mục thi công công trình xây dựng không đảm bảo nhưng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thanh toán, nghiệm thu số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án. 

Tin mới lên