Tài chính quốc tế

Venezuela đối mặt tương lai rối ren khi Mỹ ủng hộ tổng thống tự phong

Việc Mỹ và một loạt quốc gia vội vã công nhận tổng thống tự phong Juan Guaido của Venezuela khi chính quyền tổng thống đương nhiệm vẫn đang nắm quyền được cho là sẽ dẫn tới những hệ quả khó lường với quốc gia Nam Mỹ.

Venezuela đối mặt tương lai rối ren khi Mỹ ủng hộ tổng thống tự phong

Ông Guaido vẫy tay chào đám đông ủng hộ khi tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của Venezuela. (Ảnh: AFP)

Theo Guardian, cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela đã leo thang mạnh mẽ vào ngày 23/1 khi một loạt nước lớn tuyên bố công nhận nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido làm tổng thống lâm thời của quốc gia Nam Mỹ này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên công nhận Juan Guaido, 35 tuổi, là lãnh đạo “hợp pháp” của Venezuela. Ngay sau đó, Canada, Brazil, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Argentina, Paraguay và Costa Rica cho biết họ cũng ủng hộ “tổng thống lâm thời” của Venezuela.

Guardian dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết quyết định tự phong tổng thống lâm thời của Juan Guaido đồng nghĩa với việc đương kim Tổng thống Nicolas Maduro và các cộng sự của mình không còn “tương lai” và cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận “chuyển giao quyền lực hòa bình” và “tìm phương án rời khỏi” Venezuela.

 Trong bối cảnh rối ren như hiện nay, các chuyên gia về Venezuela cho biết họ không chắc chắn về tác động ngay lập tức từ quyết định tự phong tổng thống của Juan Guaido cũng như cách ông Maduro phản ứng như thế nào.

Eric Fansworth, người từng là nhà ngoại giao Mỹ và hiện giữ chức phó chủ tịch Hội đồng các quốc gia châu Mỹ, nhận định động thái của ông Guaido và sự công nhận nhanh chóng của Tổng thống Trump trong bối cảnh các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra tại Venezuela là “bước ngoặt rõ ràng” và có thể tạo thành “giọt nước tràn ly” cho sự tồn tại của chính quyền Maduro.

Tổng thống Nicolas Maduro phát biểu trước những người ủng hộ tại thủ đô Caracas hôm 23/1 sau khi lãnh đạo đối lập tự phong là tổng thống lâm thời. (Ảnh: Getty)

“Tôi không nghĩ chúng ta có thể mặc định thừa nhận rằng ông ấy (Maduro) sắp phải rời đi. Những tôi cho rằng ngày hôm nay đúng là mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà ông ấy phải đối mặt. Maduro không thể khoanh tay chứng kiến sự chuyển biến này. Ông ấy sẽ có phản ứng bằng cách nào đó”, Farnsworth dự đoán.

Thực tế, Tổng thống Maduro ngay lập tức tung ra đòn “phản công”. Từ phủ tổng thống, ông Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và cho các nhà ngoại giao Mỹ 72 giờ đồng hồ để rời khỏi Venezuela.

Tổng thống Maduro tuyên bố một âm mưu đảo chính do “các đế chế nước ngoài” hậu thuẫn đang diễn ra tại Venezuela. Ông Maduro kêu gọi những người ủng hộ, đặc biệt là lực lượng vũ trang, ngăn chặn âm mưu này “bằng mọi giá”.

“Chúng tôi đang bảo vệ quyền tồn tại của Venezuela. Họ đang có ý định kiểm soát Venezuela từ Washington. Các bạn có muốn một chính phủ con rối bị giật dây bởi Washington không?”, ông Maduro nói, cáo buộc các đối thủ của ông đang tìm cách đánh cắp dầu, khí đốt và vàng của Venezuela.

Tương lai bất định

Ngoài việc cắt đứt quan hệ với Mỹ, nhiều người dự đoán Tổng thống Maduro sẽ ra lệnh bắt giữ Juan Guaido hoặc các lãnh đạo đối lập khác. Theo Fansworth, ông Maduro có thể sẽ sử dụng vũ lực, chĩa vũ khí vào phía người biểu tình nhằm khiến họ sợ hãi và trở về nhà.

Nếu chuyện đó xảy ra, Mỹ và cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ phản ứng. Quan chức Mỹ cho biết Washington có “hàng loạt phương án” nếu kịch bản xung đột xảy ra tại Venezuela.

“Mọi phương án đều đang được xem xét”, quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Theo giới phân tích, việc siết chặt các biện pháp trừng phạt dầu mỏ nhằm bóp nghẹt chính quyền Maduro về kinh tế có thể là phương án khả thi nhất mà Mỹ có thể áp dụng. Quan chức Mỹ từng cảnh báo các lệnh trừng phạt hiện nay “chưa thấm vào đâu” đối với Venezuela.

Việc Mỹ ủng hộ ông Guaido làm tổng thống lâm thời của Venezuela có thể kéo theo những tác động về kinh tế, chẳng hạn Washington có thể tịch thu các tài sản thuộc sở hữu của nhà nước Venezuela và chuyển giao chúng cho các lực lượng trung thành với ông Guaido.

“Nếu chính phủ Mỹ công nhận Juan Guaido là tổng thống, các tòa án ở Mỹ sẽ coi chính quyền (Guaido) là chính quyền duy nhất được quản lý các tài sản”, Francisco Rodriguez, nhà kinh tế học tại hãng đầu tư Torino Capital ở New York, nhận định với Washington Post.

Tuy nhiên David Smilde, một chuyên gia về Venezuela, cho rằng Mỹ thực tế có rất ít lựa chọn khả thi trong trường hợp Tổng thống Maduro đáp trả phe đối lập bằng vũ lực hoặc sức ép chính trị.

Việc tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế có thể làm trầm trọng thêm tình trạng báo động về nhân quyền vốn đã rất tồi tệ tại Venezuela khi Liên Hợp Quốc từng cảnh báo về cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử quốc gia châu Mỹ này. Hàng triệu người Venezuela đã rời bỏ nhà cửa để bỏ trốn ra nước ngoài trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, tỷ lê lạm phát và thất nghiệp tăng cao.

Trong khi đó, kịch bản can thiệp quân sự có thể dẫn tới việc đất nước Venezuela bị phá hủy, thương vong hàng loạt và kéo Mỹ vào một chiến dịch hỗn loạn không mong muốn khi phải đưa quân tới kiểm soát và tái thiết sau chiến tranh.

“Hãy nhìn vào Somalia, Afghanistan hay Iraq: tất cả những trường hợp này ban đầu (Mỹ) chỉ dự định tiến hành các chiến dịch quân sự chóng vánh, song rốt cuộc những gì họ làm lại phải trả bằng cái giá quá lớn về sinh mạng và cơ sở hạ tầng”, chuyên gia Smilde nhận định.

Theo lời quan chức Mỹ, Tổng thống Trump hy vọng ông Maduro và các cộng sự xung quanh ông hiểu rằng họ không còn tương lai trước mắt và phải tìm một lối thoát trong hòa bình. Mỹ cho rằng điều này sẽ giúp nền dân chủ được khôi phục tại Venezuela.

David Bosco, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế và Toàn cầu thuộc Đại học Indiana, cho rằng quyết định của Mỹ khi công nhận ông Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela là hành động bất thường. Một số học giả còn xem đây là động thái “nguy hiểm” của Washington.

“Các chính phủ phần lớn đều tránh làm điều này. Các nước thường chỉ công nhận những chính phủ thực sự hay những nhóm nắm quyền kiểm soát đất nước thực sự”, ông Bosco cho biết.

Những gì xảy ra tại Venezuela không phải là câu chuyện mới với Mỹ. Năm 2011, Mỹ từng công nhận Hội đồng Chuyển giao Quốc gia tại Libya là chính phủ hợp pháp của nước này ngay cả khi các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Momamar Gaddafi vẫn đang nắm quyền điều hành đất nước. Kịch bản tương tự diễn ra vào năm 2014 khi các nhóm đối lập tại Syria được thiết lập đại diện ngoại giao tại Mỹ.

Chuyên gia Farnsworth cho biết ông đã nhìn thấy tương lai bất ổn phía trước của Venezuela và cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của chính quyền dân sự cũng như sự hỗn loạn tại quốc gia Nam Mỹ này.

Xem thêm >> Venezuela: Biểu tình bùng phát gây bạo loạn, 16 người thiệt mạng

Tin mới lên