Thị trường

VETC 3 lần nhận lỗi chỉ trong 8 tháng: Cần làm rõ trách nhiệm nhà cung cấp

Trong vòng 8 tháng, Công ty TNHH Thu phí tự động  VETC đã ít nhất 3 lần phải lên tiếng chính thức xin lỗi về sự cố do lỗi hệ thống của đơn vị gây ảnh hưởng tới khách hàng. Vấn đề đặt ra cho cơ quan chức năng là cần phải làm rõ trách nhiệm và có những chế tài xử lý cụ thể đối với nhà cung cấp dịch vụ. 

VETC 3 lần nhận lỗi chỉ trong 8 tháng: Cần làm rõ trách nhiệm nhà cung cấp

VETC 3 lần nhận lỗi chỉ trong 8 tháng: Cần làm rõ trách nhiệm nhà cung cấp

Liên tục gặp sự cố 

Ngay từ đầu tháng 1 năm nay đã xảy ra sự việc gây nhiều bức xúc trong giới tài xế. Hàng trăm xe ô tô dán thẻ không dừng (ETC) bị từ chối thanh toán trên nhiều tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội – Hải Phòng.

Sự cố dẫn đến hiện tượng ùn tắc cục bộ tại các làn thu phí tự động, gây bức xúc cho người tham gia giao thông và khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông đặc biệt là trong những ngày giáp Tết.

Trong ngày 26/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan và có kết luận nguyên nhân gây ra sự cố là do lỗi ổ cứng trên thiết bị lưu trữ tại hệ thống Back-End của VETC. 

Đại diện VETC, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc thời điểm đó, cho biết: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi hệ thống đã xảy ra sự cố kĩ thuật, dù là nhỏ nhưng cũng tạo nên sự bất tiện và khó khăn nhất định cho các chủ xe dán thẻ của VETC và ePass khi lưu thông trên các tuyến đường". 

Tiếp theo là sự việc một trường hợp tài xế dán thẻ của VETC lên tiếng bị trừ tiền 2 lần trong tài khoản nhưng thực tế chỉ đi qua trạm thu phí 1 lần. 

Bà Vũ Thị Thanh Huyền, phụ trách truyền thông của VETC, cho hay đây là sự cố hiếm gặp. Nguyên nhân ban đầu xác định nằm trong tình huống do hệ thống đọc chéo làn. Đơn vị đã liên hệ chủ phương tiện để xin lỗi về bất tiện do sự cố gây ra và đã được khách hàng chấp thuận.

Gần đây nhất là sự việc xe ôtô của Tạp chí Công dân và Khuyến học đã dán tem, nạp tiền nhưng không thể đi qua làn thu phí tự động. Điều đáng nói, vụ việc xảy ra suốt cả tháng trời nhưng những phản ánh tới VETC đều bất lực, không có được lời giải đáp thoả đáng. 

Trong công văn gửi tới Báo Lao Động, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết nguyên nhân của trường hợp trên là do chậm trễ hạch toán tài khoản giao thông.

"Đây là lỗi của VETC xuất phát từ việc kích hoạt tài khoản giao thông trễ" - phía đơn vị này cho hay. Đồng thời, VETC cũng cho biết những phản ánh của người dân không được trả lời suốt một tháng là do quá tải cuộc gọi tới tổng đài. 

Như vậy, chỉ trong 8 tháng, VETC đã 3 lần lên tiếng nhận lỗi đến từ hệ thống của mình dẫn đến việc khách hàng gặp khó khăn khi qua trạm thu phí không dừng. 

Trách nhiệm nhà cung cấp dịch vụ

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng rà soát, phối hợp để có giải pháp khắc phục ngay tồn tại bất cập trong việc đăng ký, dán thẻ tham gia dịch vụ. Có giải pháp hỗ trợ chủ phương tiện có nhu cầu kích hoạt hoặc chuyển đổi tài khoản thu phí giữa các nhà cung cấp dịch vụ thu phí bảo đảm khả thi, thuận tiện cho chủ phương tiện.

"Các nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống" - Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh. 

Trong khi đó, các quy định hiện hành cho thấy, xe không có thẻ ETC nhưng đi vào làn đường dành riêng cho thu phí điện tử tự động thì người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng và bị xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.

Nhưng một số ý kiến tài xế cũng bức xúc, nếu xảy ra những sự cố như hệ thống không đọc được thẻ, việc truyền dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ gặp trục trặc thì sẽ xem xét trách nhiệm như thế nào?

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Nghị định 100/CP mới quy định xử phạt đối với chủ phương tiện không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản đi vào cao tốc. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chưa được đề cập. Nội dung này cần phải được bổ sung, công khai, minh bạch.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay của thu phí ETC là Quyết định 19/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phía Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu sửa đổi theo hướng nângquyết định lên thành nghị định, nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ hơn các mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động thu phí ETC đồng thời là cơ sở để xử lý trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị vận hành trạm thu phí, lái xe.

Tin mới lên