Tài chính

VFCA: Giảm lãi suất làm thay đổi 'áp suất' giữa các kênh đầu tư, VN-Index có thể tiệm cận mốc 960 điểm

(VNF) - VFCA nhận đinh việc giảm lãi suất đã làm thay đổi “áp suất” giữa các kênh đầu tư, khiến một lượng tiền đáng kể chảy từ kênh gửi tiền ngân hàng sang kênh cổ phiếu. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến thị trường đảo chiều tăng mạnh trong thời gian qua. VFCA dự báo VN-Index trong nửa cuối năm 2020 có thể tiệm cận mốc 960 điểm nếu dịch Covid-19 không tái bùng phát tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiệp hội này cũng lưu ý đến rủi ro lạm phát.

VFCA: Giảm lãi suất làm thay đổi 'áp suất' giữa các kênh đầu tư, VN-Index có thể tiệm cận mốc 960 điểm

VFCA: Giảm lãi suất làm thay đổi 'áp suất' giữa các kênh đầu tư, VN-Index có thể tiệm cận mốc 960 điểm

"Áp suất" thay đổi, dòng tiền dịch chuyển giữa các kênh đầu tư

Báo cáo TTCK Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020: Kỳ vọng và rủi ro vừa được Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) công bố mới đây đã đưa ra lý giải về việc vì sao thị trường chứng khoán đảo chiều tăng mạnh sau khi sụt sâu trong tháng 3.

Theo VFCA, sự kiện Covid-19 đã đẩy lòng tham và sự sợ hãi trên thị trường chứng khoán lên đến đỉnh điểm nhưng chính trong giai đoạn giới đầu tư phản ứng cực đoan lại làm lộ rõ những yếu tố chi phối mạnh mẽ nhất đến thị trường, trong đó phải kể đến yếu tố dòng tiền.

"Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều thành viên thị trường vẫn chưa đủ lòng tin vào “thế hệ F0”. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, “thế hệ F0” trước nay vẫn liên tục được tạo ra, riêng ở thời kỳ này, việc lãi suất giảm sâu đã kích hoạt sự bùng nổ của “thế hệ F0” ", VFCA cho hay.

Trước đó, giới đầu tư đã rộ lên khái niệm nhà đầu tư thế hệ F0 - như một cách để chỉ những cá nhân, tổ chức mới tham gia vào thị trường chứng khoán. Thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, lượng tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới trong 4 tháng liên tiếp gần đây kể từ tháng 3 - tháng thị trường chứng khoản lao dốc, đều trên 30.000 tài khoản/tháng, trong khi trước đó, mặt bằng chung chỉ khoảng 15.000 tài khoản/tháng.

VFCA cho rằng dù F0, F1 hay Fn thì bản chất là việc giảm lãi suất đã làm thay đổi “áp suất” giữa các kênh đầu tư và khiến một lượng tiền đáng kể chảy từ kênh gửi tiền ngân hàng sang kênh cổ phiếu. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến thị trường đảo chiều tăng mạnh trong thời gian qua.

Ngay chính việc thị trường lao dốc mạnh cũng khiến lợi suất của kênh đầu tư cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn, kích hoạt dòng tiền chảy về "chỗ trũng".

Dù vậy, VFCA cho rằng yếu tố cơ bản mà ở đây là sự thịnh vượng/suy thoái của nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp nói riêng vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Yếu tố này tác động trực tiếp lên kỳ vọng của giới đầu tư vào triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp, qua đó tác động đến định giá trên thị trường chứng khoán.

Định hình các yếu tố chi phối thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2020

Theo VFCA, tại Việt Nam hiện nay, có 4 kênh đầu tư chính: cổ phiếu, vàng, bất động sản và gửi tiền ngân hàng. Các kênh đầu tư này được ví như bình thông nhau. Dòng tiền chảy qua lại giữa các kênh đầu tư theo chênh lệch lợi suất, trong đó, kênh ngân hàng chứa đựng lượng tiền có quy mô và tính thanh khoản lớn nhất.

Với đông đảo nhà đầu tư, cổ phiếu là kênh đầu tư ngắn hạn. Mỗi giao dịch mua – bán thường hoàn tất trong thời gian dưới 6 tháng (thậm chí tính bằng ngày). Xét theo kỳ hạn, trong số các kênh đầu tư hiện nay, kênh đầu tư cổ phiếu khá tương đồng với kênh gửi tiền ngân hàng kỳ hạn dưới 6 tháng.

Kết thúc phiên 9/7, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 876,46 điểm với P/E khoảng 14,5 lần. Mức P/E này tương đương lợi suất (Earning Yields – tính bằng cách đảo ngược P/E) ở mức 6,9%.

Tạm bỏ qua kỳ vọng lợi nhuận, VFCA cho hay mức lợi suất của kênh đầu tư cổ phiếu rõ ràng đang cao hơn nhiều kênh gửi tiền ngân hàng kỳ hạn dưới 6 tháng (mức trần lợi suất chỉ 4,5%/năm), cho thấy kênh cổ phiếu đang tỏ ra hấp dẫn hơn.

Thậm chí, mức lợi suất 6,9% còn cao hơn cả tiền gửi có kỳ hạn trên 6 tháng, thậm chí trên 1 năm ở nhiều ngân hàng thương mại lớn. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của kênh đầu tư cổ phiếu

Tuy nhiên, nếu xét tiếp đến kỳ vọng lợi nhuận, kênh đầu tư cổ phiếu sẽ bớt hấp dẫn hơn.

Lý giải thêm, VFCA cho biết P/E – chỉ tiêu định giá phổ biến hiện nay – vốn hình thành từ thị giá (P) và lợi nhuận (thể hiện qua E, viết tắt của EPS – lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu). Vì vậy, sự thay đổi về lợi nhuận doanh nghiệp sẽ ngay lập tức tác động đến P/E và làm thay đổi lợi suất cổ phiếu. Chẳng hạn, lợi nhuận giảm thì P/E tăng và lợi suất cổ phiếu giảm.

"Như vậy, lợi nhuận giảm sẽ làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu. Cũng nghĩa là nếu mức giảm lợi nhuận đủ lớn thì lợi suất của kênh đầu tư cổ phiếu có thể giảm xuống mức thấp hơn so với lợi suất của kênh gửi tiền ngân hàng kỳ hạn dưới 6 tháng, khi đó, dòng tiền sẽ chảy từ kênh cổ phiếu sang kênh gửi tiền ngân hàng kỳ hạn dưới 6 tháng", VFCA nêu lý thuyết.

Theo tính toán của hiệp hội này, nếu VN-Index giữ nguyên ở mức 876,46 điểm như thời điểm kết thúc phiên 9/7 thì EPS phải giảm trên 35% mới khiến lợi suất của kênh đầu tư cổ phiếu xuống thấp hơn mức trần lợi suất của kênh gửi tiền kỳ hạn dưới 6 tháng.

Nhận định việc dự đoán mức suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2020 là vô cùng khó khăn nên VFCA khuyến nghị, nhà đầu tư có thể đưa ra dự đoán cá nhân về mức suy giảm lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết và căn cứ vào chênh lệch giữa lợi suất kỳ vọng của kênh đầu tư cổ phiếu và lợi suất kênh gửi tiền kỳ hạn dưới 6 tháng, cùng với mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân, để ra quyết định đầu tư.

Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư cho rằng lợi nhuận lũy kế của các doanh nghiệp niêm yết 4 quý tiếp theo (từ quý II/2020 đến quý I/2021) sẽ giảm trên 35% so với cùng kỳ năm trước đó, đồng nghĩa lợi suất của kênh đầu tư cổ phiếu thấp hơn lợi suất của kênh gửi tiền kỳ hạn dưới 6 tháng, thì nên đứng ngoài quan sát thị trường.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến tương quan lợi suất với các kênh đầu tư khác như gửi tiền ngân hàng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, vàng, bất động sản… để gia giảm mức định giá.

Đồng thời, trong trường hợp lợi suất của kênh đầu tư cổ phiếu tỏ ra kém hấp dẫn nhưng thị trường vẫn tăng giá mạnh thì nhà đầu tư cần lưu ý đến hiệu ứng FOMO (hội chứng lo sợ bị bỏ lỡ), nếu không phải nhà đầu tư ưa rủi ro thì không nên tham gia.

Tựu trung, VFCA dự báo VN-Index trong nửa cuối năm 2020 hoàn toàn có khả năng tiệm cận mốc 960 điểm hồi đầu năm, trong trường hợp dịch Covid-19 không tái bùng phát tại Việt Nam.

Yếu tố rủi ro hàng đầu: Lạm phát

Thống kê cho thấy, có 3 loại khủng hoảng kinh tế chính: khủng hoảng theo sự kiện, khủng hoảng do đổ vỡ cấu trúc kinh tế và khủng hoảng theo chu kỳ.

VFCA cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại đã bắt đầu với hình hài của một cuộc khủng hoảng theo sự kiện (dịch Covid-19) khiến thị trường chứng khoán giảm sâu trong tháng 3 trước khi phục hồi trở lại nhờ chính sách giảm lãi suất, bơm tiền rẻ ở đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ở kịch bản tồi tệ, tiếp nối cuộc khủng hoảng theo sự kiện sẽ là cuộc khủng hoảng do đổ vỡ cấu trúc kinh tế và cuối cùng là khủng khoảng theo chu kỳ (do lạm phát – hệ quả của chính sách bơm tiền).

"Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, cấu trúc kinh tế hiện tại, đặc biệt là cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng ở cả Việt Nam và các nước lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ, vẫn khá lành mạnh, cùng với đó, bong bóng tài sản chưa phải ở mức cao. Do đó, khả năng xảy ra đổ vỡ cấu trúc kinh tế là thấp", báo cáo của VFCA nêu.

Dựa trên quan điểm như vậy, VFCA cho rằng nhiều khả năng tiếp nối cuộc khủng hoảng theo sự kiện sẽ là cuộc khủng hoảng theo chu kỳ, với tác nhân quan trọng nhất là lạm phát.

Hiệp hội này gọi lạm phát là “kẻ thù” của thị trường chứng khoán.

"Có thể thấy rất rõ điều này khi nhìn vào “cú đổ đèo” kinh điển năm 2007 - 2009, khi VN-Index giảm “một mạnh” từ mức trên 1.100 điểm hồi tháng 10/2007 xuống dưới 250 điểm trong quý I/2009, nghĩa là mất tới hơn 850 điểm, trong đó, riêng năm 2008 đã mất khoảng 600 điểm điểm.

Cùng thời kỳ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2008 tăng tới gần 23%, các ngân hàng đồng loạt tăng vọt lãi suất để giữ chân người gửi tiền, cũng là thực hiện nhiệm vụ hút tiền về nhằm kiềm chế lạm phát. Kênh gửi tiền ngân hàng tỏ ra vượt trội về lợi suất so với các kênh đầu tư khác, đặc biệt khi so với kênh cổ phiếu nên dòng tiền đã rút rất mạnh khỏi thị trường cổ phiếu, gây ra sự sụp đổ", VFCA gợi nhắc lại bài học quá khư.

Theo Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, chưa kể đến các yếu tố nội tại từ trước khi xảy ra dịch Covid-19, chỉ riêng việc liên tục bơm tiền rẻ ra thị trường nhằm kích thích kinh tế cũng đã và đang tạo ra áp lực lớn lên lạm phát. Đặc biệt, các yếu tố khủng hoảng, trong đó có lạm phát, thường đến rất bất ngờ nên việc đưa ra dự báo về thời điểm lạm phát leo cao là điều khó khăn.

Tuy nhiên, VFCA cho rằng xác suất lạm phát đe dọa đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 là thấp.

Tin mới lên