Tài chính

VFS: VN-Index sẽ hồi phục vào đầu tháng 8, có thể kết thúc năm ở vùng 1.500-1.550 điểm

(VNF) - Xét trong trung và dài hạn, VFS đánh giá cao triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ các yếu tố tích cực về dòng tiền, sự phục hồi kinh tế cũng như định giá của VN-Index đang ở mức hấp dẫn.

VFS: VN-Index sẽ hồi phục vào đầu tháng 8, có thể kết thúc năm ở vùng 1.500-1.550 điểm

VFS: VN-Index sẽ hồi phục vào đầu tháng 8, có thể kết thúc năm ở vùng 1.500-1.550 điểm

Nhận định trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2021 công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (UPCoM: VFS) nhấn mạnh xu hướng của dòng tiền vẫn là tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, trở thành động lực lớn duy trì đà tăng trưởng cho thị trường.

Đầu tiên là dòng tiền mới từ nhà đầu tư cá nhân.

Thống kê cho thấy trong tháng 6/2021, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân đạt 140.054 tài khoản. Lũy kế đến hết tháng 6/2021, con số này là 622.390 tài khoản, tăng 273% so với số tài khoản mở mới của cùng kỳ năm 2020, đưa số tài khoản chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt đến con số gần 3,4 triệu tài khoản, chiếm đến 3,5% tổng dân số.

VFS dự báo số tài khoản mở mới tham gia thị trường trong cả năm 2021 có thể tăng đến 500% so với 2020 ,tương ứng với khoảng hơn 1,2 triệu tài khoản mở mới. Lũy kế đến hết năm 2021, số tài khoản mở mới dự kiến sẽ là 4 triệu tài khoản, đạt đến 80% con số mục tiêu 5 triệu nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán vào năm 2025 Chính Phủ đặt ra.

Với số tài khoản như trên, VFS giả định nếu mỗi nhà đầu tư mới đầu tư 10 triệu đồng thì dòng tiền mới trong 6 tháng cuối năm có thể đạt đến 6.000 tỷ đồng.

"Với công cụ đòn bẩy margin 1:1 thì dòng tiền mới có thể lên đến 12.000 tỷ đồng. Chưa kể, lượng tiền mặt chờ sẵn giải ngân tại tài khoản chứng khoán hiện nay đạt đến hơn 80.000 tỷ đồng", chuyên gia của VFS tính toán.

Bên cạnh đó, dòng tiền vào thị trường còn có thể gia tăng nhờ các công ty chứng khoán tăng vốn thêm khoảng gần 10.000 tỷ đồng, nhờ đó giải tỏa nút thắt margin cho thị trường. Điều này sẽ tác động tích cực vào yếu tố thanh khoản giúp thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm.

Cùng với đó, cũng cần lưu ý đến sự trở lại của dòng tiền nước ngoài.

Trong nửa đầu năm, khối ngoại đã bán ròng liên tục gần 30.000 tỷ đồng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh VN-Index đã liên tục tăng trưởng trong thời gian dài và Việt nam đang hứng chịu nhiều rủi ro từ làn sóng Covid thứ tư. Tuy vậy, từ đầu tháng 7, khối ngoại đã đảo chiều mua ròng trở lại. Quỹ mới như Fubon FTSE Vietnam (ETF) vẫn tiếp tục giải ngân.

VFS cho rằng dòng vốn ngoại sẽ diễn biến tích cực hơn với kỳ vọng về việc Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. "Nếu thành công thăng hạng thì sẽ có dòng tiền lớn khoảng 20.000 tỷ đồng đổ vào thị trường Việt Nam thông qua các quỹ ETF chỉ số trong dài hạn", chuyên gia ước tính.

Song song với các yếu tố tích cực về dòng tiền, VFS cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 quay trở lại lần thứ 4 gây ra, thông qua sự hỗ trợ của các ngân hàng, việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như tăng cường các biện pháp hỗ trợ xuất nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dần hồi phục.

Cộng hưởng với các yếu tố trên là việc định giá của VN-Index khá hấp dẫn, theo quan điểm của VFS.

Gần đây, VN-Index đã giảm về quanh mốc 1.270 điểm, tương đương với định giá P/E là khoảng 17 lần. "Đây là mức định giá khá hấp dẫn nếu so sánh với mức định giá 29 – 30 lần của các thị trường chứng khoán trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippines", chuyên gia của VFS cho hay.

So với các đỉnh lịch sử, nếu so sánh với mức định giá P/E tháng 4/2008 lên tới 31,4 lần hay tháng 4/2018 là 22,6 lần thì mức định giá P/E 17 lần ở thời điểm hiện tại, theo VFS, cũng đang ở mức thấp.

Định giá rẻ của VN-Index dựa trên nền dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp quý II/2021 khả quan, tức là định giá P/E thực tế còn rẻ hơn nữa.

Dự báo trong ngắn hạn, VFS cho biết mặc dù VN-Index đã có mức chiết khấu khá mạnh hơn 10% từ vùng 1.420 điểm về quanh mức 1.270 điểm nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 lần 4, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn. 

Theo đó, VN-Index sẽ biến động đi ngang trong khoảng từ 1.200 điểm đến 1.300 điểm cho đến hết tháng 7 và hồi phục dần trở lại vào đầu tháng 8. Thời điểm hồi phục cũng là lúc kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp đã công bố hoàn toàn và dịch Covid 19 được khống chế trở lại.

Tuy vậy, dài hạn hơn, VFS dự báo VN-Index sẽ duy trì đà tăng trên cơ sở sự hồi phục của nền kinh tế và có thể cán mốc 1.500-1.550 điểm vào cuối năm 2021. Theo đó, định giá P/E sẽ ở mức khoảng 19 lần.

Tin mới lên