Tài chính

Vì đâu lãi quý I của Petrolimex giảm mạnh trong khi đối thủ PV OIL tăng gấp rưỡi?

(VNF) - Khép lại quý I, lợi nhuận của Petrolimex giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Khả quan hơn đối thủ của mình, PV OIL báo cáo lợi nhuận tăng đột biến gần 50%, hoàn thành 70% kế hoạch cả năm 2022.

Vì đâu lãi quý I của Petrolimex giảm mạnh trong khi đối thủ PV OIL tăng gấp rưỡi?

Vì đâu lợi nhuận quý I của Petrolimex giảm mạnh, trong khi đối thủ PV OIL báo lãi tăng gấp rưỡi?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) ghi nhận doanh thu 67.020 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên mức tăng của chi phí giá vốn rất cao với 84%, khiến lợi nhuận gộp giảm 18% so với quý I/2021, chỉ còn 2.777 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng vì đó thu hẹp hơn một nửa, từ 8,8% còn 4,1%.

Thêm vào đó, ba tháng đầu năm, chi phí tài chính của Petrolimex tăng mạnh từ 186,4 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Vì thế, trong điều kiện các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giữ nguyên, dù doanh thu tài chính và phần lãi từ công ty liên doanh liên kết tăng tương đối khả quan, song lợi nhuận sau thuế của Petrolimex vẫn giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 442 tỷ đồng.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm đến 63%, chỉ đạt 243 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng sụt từ 602 đồng xuống 208 đồng trong quý I/2022.

Giải trình về kết quả kém tích cực, "ông lớn" nắm giữ hơn 50% thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước cho biết trong quý I, các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia đã phát huy hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương trong nước và thế giới từng bước trở lại nhịp độ bình thường đã làm cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng đáng kể.

Mặt khác, cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra đã làm nảy sinh các vấn đề về nguồn cung năng lượng, kéo giá dầu WTI từ 75,88 USD/thùng lên 102,07 USD/thùng sau ba tháng đầu năm, có thời điểm lên đến 128 USD/thùng.

Tuy nhiên trong quý I, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã cắt giảm sản lượng sản xuất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng sản xuất, không đáp ứng được sản lượng cam kết theo các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Chính vì vậy, vào các thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng liên tục và duy trì ở mức cao, áp lực về nhu cầu xăng dầu đổ dồn sang Petrolimex, doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong khâu phân phối tại thị trường trong nước.

Để đảm bảo không bị gián đoan nguồn cung và đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, Petrolimex phải thay đổi kế hoạch nhập mua, tìm kiếm nguồn cung tức thời với mặt bằng giá cao từ các nhà cung cấp khác làm cho biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý 1/2022 giảm so cùng kỳ 2021, phía Petrolimex cho biết.

Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Petrolimex đạt 83.212 tỷ đồng, tăng 28,4% so với con số đầu năm. Ở hạng mục tồn kho, Petrolimex đã tăng giá trị hàng tồn kho thêm 10.090 tỷ đồng, từ 13.163 tỷ đồng lên 24.253 tỷ đồng, chiếm gần 30% tài sản.

Trong số nợ phải trả 54.535 tỷ đồng, nhóm nợ ngắn hạn đạt 53.294 tỷ đồng, tăng 51% so với đầu năm, chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn (khoảng 31.880 tỷ đồng), vay nợ thuê tài chính ngắn hạn (16.521 tỷ đồng).

Trái ngược với tình cảnh của Petrolimex, nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai Việt Nam là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, UPCoM: OIL) vừa chứng kiến một quý thăng hoa. Theo đó, PV OIL ghi nhận doanh thu quý I tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái lên 23.288 tỷ đồng, cùng với đó lợi nhuận sau thuế tăng gấp rưỡi lên 283 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch giao cho cả năm.

PV OIL cũng cho biết, toàn bộ thành viên trong toàn hệ thống đều đạt kết quả kinh doanh khả quan, không có đơn vị nào bị thua lỗ.

PV OIL cho biết, những kết quả khả quan có được trong bối cảnh tình hinh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thị trường xăng dầu trong và ngoài nước có nhiều biến động. Giống như Petrolimex, hoạt động kinh doanh của PV OIL bị tác động bởi cuộc chiến sự Nga-Ukraine, cùng các lệnh trừng phạt đã khiến nguồn cung dầu bị thiếu hụt dẫn đến giá dầu leo thang.

Tương tự như Petrolimex, nguồn hàng của PV OIL cũng bị thiếu hụt do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động, trong khi nguồn hàng nhập khẩu chỉ về cuối tháng 2 dẫn đến các đầu mối hạn chế bán hàng, chiết khấu thị trường giảm xuống rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kênh bán lẻ của PV OIL.

Trong cơ cấu tài sản của PV OIL, doanh nghiệp giữ 5.158 tỷ đồng hàng tồn kho, mặc dù đã tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm, song chỉ chiếm khoảng 14,3% tài sản, tỷ trọng thấp hơn một nửa so với Petrolimex.

Tin mới lên