Tài chính

Vì sao cổ phiếu HDBank tăng gấp ba chỉ sau một năm?

(VNF) - Dù vẫn đang giao dịch trên sàn OTC, nhưng cổ phiếu Ngân hàng HDBank đang được giới đầu tư săn đón với giá cao gấp hơn 3 lần so với thời điểm đầu năm 2017 nhờ sự kỳ vọng vào kế hoạch niêm yết trong thời gian tới.

Vì sao cổ phiếu HDBank tăng gấp ba chỉ sau một năm?

Hiện trên thị trường giao dịch tự do (OTC), cổ phiếu HDBank được chào mua với giá 32.000 đồng/ cổ phiếu, tăng 220% so với thời điểm đầu năm 2017 khi mã cổ phiếu này chỉ giao dịch quanh vùng giá 9.000 - 10.000 đồng/ cổ phiếu.

Lớn nhanh như "thổi"

Quan sát đà tăng giá của cổ phiếu HDBank trên thị trường tự do (OTC) sẽ thấy được đà lớn nhanh như "thổi" của mã cổ phiếu này thời gian gần đây. Cụ thể, nếu thời điểm đầu năm 2017, giá của cổ phiếu HDBank chỉ dao động quanh vùng 9.000 - 10.000 đồng/cổ phiếu, sau đó ổn định ở vùng giá 11.000 đồng/ cổ phiếu trong suốt một thời gian dài.

Đến khoảng đầu tháng 8/2017, cổ phiếu HDBank bắt đầu tăng lên vùng 15.000 - 16.000 đồng/cổ phiếu sau khi lãnh đạo nhà băng này úp mở về việc tiến hành IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ lệ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua đợt IPO này vẫn được bảo mật khá kín tiếng.

Bước vào đầu tháng 11/2017, kế hoạch bán 20% cổ phần trong đợt IPO cho các nhà đầu tư nước ngoài mới được HDBank tiết lộ, với kỳ vọng thu về 300 triệu USD. Đặc biệt, kế hoạch sẽ niêm yết HDBank trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP

HCM (HOSE) vào đầu năm 2018 khiến cổ phiếu HDBank trở thành "hàng nóng" trên sàn OTC. Từ vùng giá 16.000 - 17.000 đồng/ cổ phiếu, chỉ trong vòng hơn 1 tháng ngắn ngủi, cổ phiếu HDBank đã tăng lên tới vùng giá 30.000 - 32.000 đồng/ cổ phiếu, cao hơn một số cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán như MBB, EIB, STB...

Như vậy, với giá trị ước tính 300 triệu USD, đây sẽ là vụ IPO lớn thứ hai trong ngành ngân hàng tại Việt Nam, sau vụ IPO "khủng" của Vietcombank trị giá 463 triệu USD cách đây 10 năm (2007). Vì vậy, đây cũng là thông tin khiến cổ phiếu HDBank được giới đầu tư săn lùng trong thời gian gần đây với kỳ vọng kiếm lời sau khi ngân hàng này niêm yết.

Theo tính toán của Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ), tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ vốn cấp 1 của HDBank là 10,8%, cao hơn so với một loạt các ngân hàng khác như MBB (9,8%), VPBank (8,8%), ACB (8,3%), Techcombank (8,2), BIDV (5,9%)... Nếu đợt IPO này thành công, tỷ lệ vốn cấp 1 của HDBank có thể nâng thêm gần 4 điểm phần trăm, lên 14,8% và HDBank sẽ trở thành một trong những nhà băng có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất trong số các nhà băng được Moody’s xếp hạng.

Các chỉ số tài chính của HDBank trong quý III/2017

"Sức khỏe" của HDBank thế nào?

Trước đà tăng mạnh của cổ phiếu HDBank trên thị trường OTC, thậm chí trên nhiều diễn đàn chứng khoán, giới phân tích đến từ các công ty chứng khoán đưa ra giá mục tiêu của cổ phiếu HDBank lên tới 36.000 đồng/ cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề, liệu cổ phiếu HDBank có "tiềm năng" như thế hay đây chỉ là chiêu trò của "đội lái"?

Bóc tách báo cáo tài chính quý III/2017 của HDBank, có thể thấy được những triển vọng khá tốt về "sức khỏe" của nhà băng này. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, HDBank có lãi trước thuế hơn 1.912 tỷ đồng (riêng ngân hàng mẹ HDBank đạt 1.713 tỷ), cao gấp 3,5 lần cùng kỳ 2016 và cao gấp rưỡi so với con số đạt được của cả năm 2016. Sự tăng trưởng đột biến này được đánh giá là từ hoạt động kinh doanh thuần của doanh nghiệp.

Đặc biệt, chỉ số ROE của HDBank đang ở mức 18,01, cao hơn rất nhiều so với trung bình ngành là 10,5%. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động vốn của nhà băng này đang rất cao. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ đang có xu hướng giảm, đang ở mức an toàn và thấp hơn so với trung bình ngành.

Tính đến hết 30/9/2017, HDBank có tổng tài sản 174.594 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và đạt 98% kế hoạch năm 2017. Tổng vốn huy động đạt 156.419 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, HDBank dự kiến sẽ đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 2.400 tỷ trong cả năm nay, gấp gần 2 lần so với kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua.

Về phát triển hệ thống mạng lưới, HDBank đã phát triển thêm hơn 22% khách hàng cá nhân, 14% khách hàng doanh nghiệp và mở rộng thêm 19 chi nhánh/ phòng giao dịch lên 240 điểm giao dịch trên toàn quốc. 

Đặc biệt, Công ty Tài chính Tiêu dùng HD SAISON trực thuộc HDBank hiện đang phục vụ được 3,4 triệu khách hàng với gần 10.000 điểm bán hàng và giới thiệu dịch vụ, là công ty tài chính tiêu dùng có số lượng khách hàng và mạng lưới lớn nhất hiện nay.

"HDBank là ngân hàng có điều kiện hoạt động ổn định, tính thanh khoản cao, mảng bán lẻ, tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng tốt, tính tuân thủ và hệ thống quản trị rủi ro an toàn, hiệu quả nên rất có tiềm năng phát triển dài hạn. Khuyến nghị các nhà đầu tư đầu tư dài hạn và giá mục tiêu 36.000 đồng/cổ phiếu", ông Lê Vương, chuyên viên tư vấn đầu tư tài chính tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội thông tin.

Tin mới lên