Thị trường

Vì sao doanh nghiệp không mạnh dạn bung vốn kinh doanh hàng Tết?

(VNF) - Bước vào tháng 12/2021, nhiều doanh nghiệp thận trọng đầu tư vốn vào làm hàng Tết vì không dự báo được sức mua sắp tới sẽ thế nào.

Vì sao doanh nghiệp không mạnh dạn bung vốn kinh doanh hàng Tết?

Doanh nghiệp lo lắng sức mua giảm nên chưa mạnh dạn bung vốn đầu tư hàng tết (ảnh minh họa)

"Sản lượng bán ra giảm 30- 40% so cùng kỳ"

Ông Phạm Văn Tam, chủ doanh nghiệp sản xuất tivi thương hiệu Asanzo than thở: “Dịch bệnh giảm, túi tiền của người dân càng giảm mạnh hơn, so với cùng kỳ năm ngoái (cũng là lúc cả nước chống dịch), thì sản lượng hàng bán ra giảm 30- 40% tùy từng mặt hàng”.

So với trước khi giãn cách, hiện doanh nghiệp này đã thu hẹp sản xuất, đồng thời phải chuyển sang đa ngành, như đầu tư sản xuất kinh doanh phân bón, chăn nuôi, xuất khẩu trái cây, kinh doanh thủy sản… để có nguồn doanh thu bù thêm cho phần hụt từ ngành hàng chủ lực là tivi và hàng gia dụng.

Tại Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, sau những ngày dài giãn cách vì dịch Covid-19, chuỗi 6 cửa hàng ở miền Tây hiện không có khách, mỗi cửa hàng chỉ bán được 1-2 triệu đồng/ngày trong khi cùng kỳ các năm trước phải đạt 10-15 triệu đồng/ngày. Mọi năm thời điểm này doanh thu nội địa đã đạt khoảng 75 tỷ đồng nhưng năm nay chỉ có 15 tỷ đồng. Doanh nghiệp này hy vọng từ nay đến Tết có thể kiếm thêm 10 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần TNHH Ba Huân, đơn vị sản xuất, kinh doanh thịt và trứng gia cầm, đến thời điểm này vẫn chưa dám bung ra sản xuất hết công suất. Qua khảo sát, sức mua của thị trường yếu, giảm khoảng 30% so với trước dịch bệnh nên hiện công ty triển khai các chương trình giảm giá sâu nhưng sức mua vẫn chậm. Trước đây, mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 1,5 triệu trứng gia cầm thì hiện nay bán được chưa đến 1 triệu trứng.

Theo bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TNHH Ba Huân, công ty tiếp tục thăm dò thị trưởng rồi mới chuẩn bị nguồn hàng tết.

Dự kiến người tiêu dùng sẽ giảm bớt chi tiêu và chỉ mua các mặt hàng thiết yếu (ảnh minh họa)

Bộ phận kinh doanh của công ty Vissan cũng dự báo, sức mua dịp Tết năm nay sẽ giảm từ 15- 20% tùy theo mặt hàng, doanh thu công ty dự kiến khó hoàn thành kế hoạch ban đầu.

Ông Phan Văn Dũng, phó tổng giám đốc công ty Vissan, cho rằng lo nhất là việc sức mua của người tiêu dùng đang giảm mạnh khi từng cá nhân, từng hộ gia đình không còn tiền. Giá xăng tăng, giá gas tăng, dè xẻn chi tiêu, các gia đình hiện chỉ mua thực phẩm chính cho bữa ăn hàng ngày. Vissan dự báo sức mua dịp Tết Nhâm Dần 2022 này sẽ giảm 10- 20% tùy theo nhóm mặt hàng. Doanh thu công ty dự kiến khó hoàn thành kế hoạch ban đầu.

Theo dự báo của một số công ty nghiên cứu thị trường, sức mua trong tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm 10% - 20% so với tết năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu. Người dân cũng lo ngại dịch bệnh, hạn chế tập trung mua sắm nên thị trường khó nhộn nhịp như mọi năm.

Bộ Công Thương dự báo sức mua trong các tháng cuối năm 2021 sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thận trọng đầu tư vốn kinh doanh hàng Tết

Theo ông Phạm Văn Tam, doanh nghiệp đang bị ép giữa 2 bức tường, 1 bên là giá nguyên liệu và chi phí đầu vào sản xuất liên tục tăng lên đỉnh từ trước đến nay. Đơn cử là cước nhập hàng, giá đã tăng hơn gấp đôi, mà còn không có tàu chuyên chở nguyên vật liệu về Việt Nam. 1 bên khác là sức mua chậm, người dân không có tiền, thì nhà sản xuất không thể tăng giá bán được.

2 bên cùng ép lại, doanh nghiệp muốn tồn tại, muốn duy trì sản xuất của nhà máy thì phải chấp nhận bán từ huề đến lỗ, càng bán nhiều càng lỗ. Đó là lý do buộc công ty vào thế hoạt động “cầm chừng”.

Ông Nguyễn Phan Bảo Anh, tổng giám đốc công ty Thiên Bảo, chia sẻ: “Cách làm hữu hiệu nhất hiện nay là nương theo thị trường”. Tức là hầu hết các công ty sẽ chọn kiểu đầu tư “thận trọng”, không dự trữ hàng quá nhiều, sức mua tăng đến đâu thì mới nhập hàng đến đó. Với cách này thì doanh nghiệp chấp nhận rủi ro ở chỗ giá có thể bị tăng lên cao khi càng sát tết, nhưng an toàn hơn. Vì nếu đi vay vốn để trữ hàng Tết, nếu lỡ dịch bùng lại, toàn xã hội giãn cách thì bị tồn kho hoặc lỡ sức mua quá thấp thì doanh nghiệp sẽ bán chậm, sẽ lỗ nặng. Mà hàng tiêu thụ mạnh dịp Tết, đa phần là thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ đều có hạn dùng nên không thể chất đầy kho như các năm trước.”

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tết cũng đang khó khăn sau dịch và chưa dự báo được thị trường nên sẽ không dự trữ hàng hóa nhiều như mọi năm. Tết là mùa làm ăn lớn nhất trong năm của các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, năm nay, sau dịch bệnh, các chi phí sản xuất tăng, sức mua yếu, thị trường khó dự báo... khiến doanh nghiệp khó khăn trong tính toán lượng hàng, giá bán lẻ...

Doanh nghiệp tăng giá hàng hóa theo đúng mức tăng chi phí và nguyên liệu thì rất khó tiêu thụ, nhưng nếu giữ giá bán cũ thì doanh nghiệp không có lợi nhuận. Điều đó đang làm cho nhiều doanh nghiệp rất dè dặt trong việc tăng sản lượng hàng hóa, không dám bung ra sản xuất cho dịp tết như các năm trước.

Hành vi mua sắm tết sẽ có thay đổi lớn

Theo Kantar Việt Nam, sau đợt dịch vừa rồi, thói quen sinh hoạt, giải trí, kết nối đã thay đổi rất nhiều. Điều này sẽ dẫn đến thay đổi hành vi, ảnh hưởng thị trường Tết 2022.

4 hoạt động chính của người tiêu dùng trong dịp tết là: chơi Tết, mua sắm Tết, ăn Tết và quà Tết, sẽ có hai điểm thay đổi lớn.

Một là số hóa, mọi hoạt động của người tiêu dùng chuyển sang digital nhiều hơn, từ ăn, chơi, đi lại, kết nối, giải trí…Ngay cả việc mua quà Tết cũng thay đổi. Trong một nghiên cứu của Kantar Việt Nam, 40% người dân ở TP. HCM nói sẽ đặt hàng giỏ quà Tết và giao tới tận nhà người nhận, họ không đi gặp để tặng quà.

Hai là người tiêu dùng ngày càng lo lắng về công việc, thu nhập, sẽ ảnh hưởng đến mức độ mua sắm và chi trả… Người dân sẽ mua hàng giá trị thật, hữu ích thực sự với họ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng nhanh, hàng thực phẩm, nên sẽ ảnh hưởng đến việc ăn Tết.

Theo các chuyên gia, thời gian mua sắm Tết giảm lại và ngày càng ngắn đi, chỉ còn đâu đó khoảng hai tuần “vàng” (trước là sáu tuần) – tùy theo ngành hàng.

Việc mua sắm Tết trong 4 tuần trước ngày mùng 1 luôn rất cao, chiếm 70 – 80%, nhưng 2 tuần cuối cùng lại chiếm hơn một nửa số này, do đó 2 tuần cuối này là cực kỳ quan trọng.

Tin mới lên