Tiêu điểm

Vì sao doanh nghiệp nhà nước vẫn được 'bao bọc' sau cổ phần hoá?

Trong nhiều thông điệp của mình, Chính phủ đã nhấn mạnh quan điểm, doanh nghiệp nhà nước phải theo nguyên tắc thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp làm được điều này.

Vì sao doanh nghiệp nhà nước vẫn được 'bao bọc' sau cổ phần hoá?

Nhà máy phân bón DAP số 2 tại tỉnh Lào Cai của Vinachem

Nặng nề cơ chế xin - cho

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã có đề xuất xin áp thuế cao hơn đối với phân đạm nhập khẩu, mục đích nhằm giúp giá thành phân đạm do Vinachem sản xuất cạnh tranh được trên thị trường.

Trước đó, Vinachem cũng đã liên tục có nhiều kiến nghị Chính phủ xem xét đề nghị các ngân hàng cho giãn nợ, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay vốn lưu động để tạo điều kiện “cứu” 4 dự án thua lỗ thuộc doanh nghiệp này gồm Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty Cổ phần DAP – Vinachem; Công ty CP DAP số 2 – Vinachem.

Cụ thể, Vinachem đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn vay thành 20 năm với các khoản vay của các dự án đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình và phân bón DAP Lào Cai. Đồng thời, cân đối lại việc trả nợ gốc, nợ lãi, điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay của dự án về mức 3%/năm đến 2021.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc kiến nghị hàng loạt các chính sách ưu đãi của Vinachem đang đặt ra câu hỏi về tính thị trường trong nền kinh tế và sự đảm bảo cạnh tranh minh bạch giữa các doanh nghiệp. 

Đáng chú ý, Vinachem không phải doanh nghiệp nhà nước duy nhất có những kiến nghị ưu đãi cho mình. Trước đó, để xử lý 12 dự án yếu kém, các doanh nghiệp ngành công thương cũng đã có những đề xuất tương tự.

Nhận định về thực trạng này, tại toạ đàm "Nâng hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn thừa nhận, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, hoạt động theo kinh tế thị trường, song vẫn xin cơ chế ưu đãi, nhà nước vẫn còn bao bọc, tạo những cạnh tranh không bình đẳng trong xã hội.

Theo ông Hùng, đối với các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà nước cần nghiên cứu, xem xét trên cơ sở luật pháp và định hướng phát triển của nền kinh tế và chỉ giải quyết các kiến nghị phù hợp.Trong 6 năm, doanh nghiệp nhà nước sai phạm hơn 345 nghìn tỷ đồng
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước đã tồn tại quá lâu trong thể chế được ưu tiên ưu đãi, bao cấp, tư duy và thói quen của các doanh nghiệp này chưa thay đổi triệt để. 

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa thực sự bình đẳng, trên thực tế nhà nước vẫn dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước về một số mặt như đất đai, vốn.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn trong tình trạng hoạt động không hiệu quả hoặc hiệu quả kém, sức cạnh tranh yếu, làm ăn thua lỗ nên vẫn trông chờ vào nhà nước hỗ trợ.

Một lý do khác được vị chuyên gia này đưa ra là do doanh nghiệp nhà nước là sân sau của các bộ, ngành chủ quản, dễ xảy ra lợi ích nhóm. Đó là thực tế đã kéo dài nhiều năm, dù đã tích cực đổi mới nhưng kết quả đạt được vẫn chưa thực sự như mong muốn, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần đề cao tính thị trường, kiên quyết thực hiện theo cơ chế thị trường, tự chủ tự chịu trách nghiệm, tôn trọng sự hội nhập kinh tế và cạnh tranh bình đẳng đối với các doanh nghiệp tư nhân.

Mặt khác, không chỉ phía doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý cũng phải nghiêm túc chấm dứt mọi cơ chế xin cho không hợp lý, không bình đẳng, minh bạch, sinh ra tiêu cực tham nhũng, ông Hồ nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp cho việc xử lý các khó khăn của Vinachem, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, thuế là giải pháp hỗ chợ chung, bình đẳng đối với các thành phần kinh tế, còn đã là luật quy định thì các thành phần kinh tế phải theo luật. 

Do đó, trước tình hình thực tế hoạt động kém hiệu quả như hiện nay, Vinachem phải tự soi vào mình, còn gì chưa đúng với cơ chế thị trường cần bỏ ngay. Đối với 4 dự án đang kinh doanh thua lỗ cần xắp xếp lại các dự án này theo cơ chế thị trường, nhà nước không bỏ vốn, cắt giảm chi phí, đổi mới quản trị, sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo tính cạnh tranh, bán được trên thị trường. Đó mới là giải pháp phát triển bền vững của doanh nghiệp chứ không phải chỉ dựa vào ưu đãi từ phía nhà nước, ông Tiến cho hay. 

Vẫn 'bình mới, rượu cũ'

Không chỉ dựa vào sự ưu đãi của nhà nước, nhiều chuyên gia còn cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước hiện nay dù đã cổ phần hoá nhưng vẫn còn mập mờ thông tin, không minh bạch trên thị trường. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động của các doanh nghiệp này không hiệu quả, gây lợi ích nhóm.

Theo đó, sau cổ phần hoá mục đích chính các doanh nghiệp cần đạt được là đổi mới quản trị, hoạt động công khai minh bạch để năng cao hiệu quả kinh doanh vẫn chưa thực hiện được. Hiện còn 700 doanh nghiệp đã cổ phần hóa song chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thông tin từ Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho thấy, trong hơn 20 năm qua, có khoảng 92% tổng số doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá nhưng thực tế mới có khoảng 10% lượng vốn nhà nước được thay thế bởi vốn của tư nhân.Theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, trong bối cảnh hội nhập cùng với việc tuân thủ các luật lệ quốc tế, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nếu không công khai minh bạch và quản trị hiệu quả là không đúng yêu cầu đặt ra. Vị chuyên gia kinh tế này đề nghị các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và cung cách làm việc, có như vậy mới tạo ra các hoạt động kinh doanh lành mạnh, công ty phát triển hiệu quả và bền vững.

Cùng quan điểm, ông Phùng Văn Hùng cho rằng, sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp không muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán, không muốn công khai tình hình sản xuất, kinh doanh mà muốn các hoạt động diễn này chỉ ra trong một nhóm là điều không bình thường.

Để giải quyết bất cập này, theo ông Hùng, Chính phủ cần phải xem xét từng doanh nghiệp cụ thể để có những giải pháp kịp thời yêu cầu các công ty này tuân thủ theo đúng các chủ trương và quy định của Nhà nước.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp
Trước thực trạng còn khá nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, ông Tiến cũng thừa nhận, sau cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt hoạt động quản trị, còn duy trì tình trạng “bình mới, rượu cũ.” Do đó, việc công khai minh bạch các thông tin về tài chính và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ hàng đầu. Sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp không làm tốt sẽ phải thúc đẩy lên thị trường chứng khoán. Sự giám sát quyết liệt của nhà đầu tư sẽ khiến doanh nghiệp đó phải thay đổi về quản trị và đảm bảo tính công khai minh bạch theo đúng thông lệ thị trường. 

Các doanh nghiệp đăng ký giao dịch hoặc niêm yết sẽ được các sở giao dịch chứng khoán hỗ trợ về quản trị, doanh nghiệp có cơ hội huy động vốn từ thị trường với mức chi phí thấp hơn so với vay thương mại. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể phát triển một cách minh bạch và bền vững, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh.

Tin mới lên