Diễn đàn VNF

Vì sao giá cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh tốt tăng chậm hơn doanh nghiệp kinh doanh kém?

(VNF) - Tại Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) và ông Lê Anh Minh, Phó giám đốc đầu tư Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã lý giải nguyên nhân một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, thậm chí doanh thu nghìn tỷ đồng, nhưng giá cổ phiếu không tăng trưởng mạnh bằng những nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém hơn hoặc thua lỗ.

Vì sao giá cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh tốt tăng chậm hơn doanh nghiệp kinh doanh kém?

Ông Trần Thăng Long và ông Lê Anh Minh tại TalkShow Phố Tài chính

Kinh doanh tốt không phải là tất cả

Hiện nay trên thị trường chứng khoán, một số nhóm ngành có kết quả kinh doanh tốt hơn mặt bằng chung là ngân hàng, thép, hóa chất, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin nhưng giá của phiếu của doanh nghiệp thuộc các ngành này lại không tăng trưởng bằng những cổ phiếu nhỏ, thậm chí kinh doanh kém hoặc thua lỗ.  

Theo lý giải của ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Nguyên nhân thứ nhất là từ năm 2020 đến nay, cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn, những ngành đang có lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn so với thị trường đã có mức tăng giá vượt trội hơn so với mức chung của thị trường.

Hai là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang lan tỏa dòng tiền và tìm kiếm cơ hội mới từ những ngành hiện chưa có sự phục hồi nhưng kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh hơn vào năm 2022 sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ba là những cổ phiếu có quy mô vừa và nhỏ là midcap và penny có giao dịch hàng ngày nhưng thanh khoản không quá lớn, nên khi dòng tiền dịch chuyển dễ có sự biến động giá mạnh hơn.

“Tuy nhiên, chúng tối cũng lưu ý rằng thị trường cuối cùng cũng sẽ quay lại phản ánh những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, phản ánh nền kinh tế, do vậy nên cẩn trọng với những cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ”, ông Trần Thăng Long chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Lê Anh Minh, CFA, Phó giám đốc đầu tư Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng cho rằng các cổ phiếu vốn hóa lớn như nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã có một đà tăng rất dài từ năm 2020. Với việc ghi nhận mức tăng trưởng tốt, một lượng tiền lớn đã đổ vào những cổ phiếu này trong thời gian dài, đưa mức định giá lên tương đối hợp lý, thậm chí hơi cao.

Vì vậy, ông Lê Anh Minh cho rằng khi đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện bất ngờ, các doanh nghiệp này phải điều chỉnh lại kỳ vọng tăng trưởng và giá cổ phiếu cũng từ đó bị điều chỉnh theo.

Ngoài ra, theo Phó giám đốc đầu tư SHS, những ngành vốn hóa lớn thì quá trình tạo đáy, tích lũy và có đà tăng trưởng mới sẽ đòi hỏi vấn đề về thời gian.

Về các cổ phiếu vừa và nhỏ, không phải tất cả đều tăng trưởng dựa trên sự cải thiện cơ bản của doanh nghiệp mà có nhiều yếu tố đầu cơ, cổ phiếu tăng trưởng nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại chưa tương xứng.

“Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên chọn những ngành thực sự được hỗ trợ từ chinh sách hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19 cũng như những ngành đã có sự tăng trưởng tốt trước đó”, ông Lê Anh Minh chia sẻ.

Bức tranh lợi nhuận quý III và ngành hưởng lợi trong ngắn hạn

Cũng tại Talkshow, ông Trần Thăng Long tiết lộ tổng hợp mới nhất của BSC, với hơn 30% các doanh nghiệp trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý III, tổng lợi nhuận của các đơn vị này suy giảm khoảng 9,2% so với quý II nhưng tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên phương diện ngành, một số ngành tăng trưởng khá vượt trội có thể kể đến như chứng khoán, bảo hiểm, thép, hóa chất và công nghệ thông tin.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trên VN-Index, lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý III vừa qua theo đại diện BSC là có điều chỉnh nhẹ so với quý II, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái.  

Về phía SHS, đại diện của công ty chứng khoán này nhận định bức tranh lợi nhuận tổng thể quý III của doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản là không tích cực từ đợt dịch Covid 19 lần thứ 4, tuy nhiên thị trường vẫn ghi nhận những mức lợi nhuận cao lịch sử, đồng thời vẫn có những ngành được cho là điểm sáng như chứng khoán, vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón và công nghệ. 

Trong ngắn hạn, đại diện SHS cho rằng ba ngành sẽ phục hồi nhanh là năng lượng dầu khí, ngân hàng và chứng khoán.

Cụ thể, ngành năng lượng dầu khí theo đại diện SHS có thể hưởng lợi từ quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới khi sự thiết hụt năng lượng từ than, khí, dầu đang xảy ra cục bộ ở nhiều quốc gia có thể đẩy giá khí và giá dầu lên.

Về ngành ngân hàng, nhiều cổ phiếu của nhóm ngành này đã bị bán và chiết khấu rất nhiều trong quý III vừa qua, khiến mức định giá cổ phiếu hấp dẫn hơn nhiều. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trong kỳ vẫn tăng trưởng lợi nhuận dương, sức khỏe tài chính và tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức an toàn.

Ngành chứng khoán được phía SHS cho rằng mới chỉ đang ở mức ban đầu của một chu kỳ tăng trưởng trung và dài hạn tương đối lớn, khi tỷ lệ người dân Việt Nam đầu tư chứng khoán tương đối thấp so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, ngành bán lẻ và ngành liên quan đến đầu tư công cũng sẽ phục hồi nhanh, theo đại diện SHS.

TalkShow Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường Tài chính-chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính
Tin mới lên