Thị trường

Vì sao giá vàng trong nước khó rút ngắn khoảng cách với giá vàng thế giới?

(VNF) - Giá vàng trong nước tuần qua vẫn tiếp tục níu giữ ở mức cao, đắt hơn thế giới từ 11- 12,5 triệu đồng/lượng.

Vì sao giá vàng trong nước khó rút ngắn khoảng cách với giá vàng thế giới?

Từ tháng 12 đến rằm tháng Giêng luôn là cao điểm mua bán của thị trường suốt mấy chục năm qua.

Ngày 18/12, vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 60,9- 61,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này đang ở mức 1.799,2 USD/ounce.

So với cuối tuần trước, giá vàng trong nước hôm nay tăng nhẹ 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá vàng thế giới cuối tuần này tăng 16 USD/ounce.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay giao dịch quanh 52- 52,7 triệu đồng/lượng, tăng đến 350.000 đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước.

Ghi nhận tại các tiệm vàng khu vực TP. HCM, nhu cầu mua bán vàng lấy vốn buôn bán cuối năm, mua sắm trang sức dịp cưới hỏi và lễ Tết đã giúp các doanh nghiệp tư nhân mua bán tấp nập hơn.

Hiện các tiệm vàng đều có quà tặng cuối năm cho khách giao dịch, như lịch, bia, nước ngọt, bánh kẹo... Theo các đơn vị này, giá vàng khó có thể giảm trong khoảng thời gian từ nay đến Tết, vì giai đoạn từ tháng 12 đến rằm tháng Giêng luôn là cao điểm mua bán của thị trường suốt mấy chục năm qua.

Như vậy trong vòng 1 tuần qua, giá vàng trong nước sau nhiều phen biến động, vẫn tiếp tục níu ngưỡng 61 triệu đồng mỗi lượng, cụ thể giá mua vào xấp xỉ 61 triệu, còn bán ra trên ngưỡng 61 triệu đồng/lượng; còn giá vàng thế giới vẫn đang nỗ lực vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce.

Khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng SJC hôm nay giữ mức 700.000 đồng/lượng, giảm đến 150.000 đồng/lượng so với mức 850.000 đồng/lượng của các tuần trước.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và vàng trong nước hôm nay cũng biến động. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC khoảng 11,5 triệu đồng/lượng, vẫn ở khoảng cách cao kỷ lục từ trước đến nay.

Thị trường không có nguồn cung vàng mới, nhu cầu giao dịch vẫn cao, nên chêch lệch giá giữa vàng thế giới và trong nước khó có thể kéo xuống.

Giá vàng thế giới đêm qua có thời điểm tăng hàng chục USD/ounce. Nguyên nhân được cho là biến thể Omicron Covid-19 lan rộng ở một số thành phố tại Mỹ, nhà đầu tư tăng nhu cầu trú ẩn vốn vàng để bảo toàn vốn.

Nhiều người đã dịch chuyển vốn vào kim loại quý giúp giá vàng thế giới tăng 18 USD/ounce, từ 1.800 USD/ounce vọt lên 1.818 USD/ounce lúc 21 giờ ngày 17/12.

Sau vài giờ giao dịch, giá vàng lại giảm một mạch 23 USD/ounce, từ 1.818 USD/ounce xuống còn 1.795 USD/ounce lúc 5h ngày 18/12.

Sau đó, giá vàng ngày 18/12 tăng nhẹ rồi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.799,2 USD/ounce.

Giới phân tích thế giới nhận định sau khi một số ngân hàng trung ương của các quốc gia có nền kinh tế lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, giá vàng thế giới biến động rất khó lường.

Chuyên gia của Innes nhận định vàng có thể kết thúc năm nay với mức giá khoảng 1.750-1.800 USD/ounce. Giá vàng 18/12 đã có phiên chốt tuần tốt nhất trong 5 tuần qua, chạm mốc 1.800 USD.  

Tuần này, trong 16 nhà phân tích Phố Wall tham gia cuộc khảo sát biến động thị trường vàng của Kitco News, 11 nhà phân tích (chiếm 69%) dự báo giá vàng tăng vào tuần tới; chỉ có hai người (13%) dự báo giá giảm và ba người còn lại (19%) cho ý kiến trung lập.

Trong khi đó, với tổng số 1.027 phiếu khảo sát thu về trong cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Main, 593 người được hỏi (58%) kỳ vọng vàng tăng giá vào tuần tới; 263 người khác (26%) dự đoán giá sẽ giảm, trong khi 171 người khác (17%) cho ý kiến trung lập.

Tâm lý tăng giá mạnh mẽ trên thị trường vàng xuất hiện khi giá có vẻ như sẽ kết thúc tuần, tăng hơn 1% so với cùng ngày tuần trước.

Chuyên gia tại Ngân hàng Saxo lạc quan vào vàng, vì một làn sóng đại dịch Covid-19 mới trên toàn thế giới có thể hạn chế kỳ vọng tăng trưởng, thúc đẩy vàng trở thành tài sản trú ẩn an toàn.

Tin mới lên