Tài chính

Vì sao khối ngoại liên tục bán ròng?

(VNF) - Lo ngại về tỷ giá, về triển vọng tăng trưởng kinh tế so với các quốc gia khác, về rủi ro khi thị trường đã lên mặt bằng định giá cao, cùng với làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ quỹ truyền thống sang quỹ ETF... là những lý do chính được cho là dẫn đến động thái bán ròng liên tục của khối ngoại.

Vì sao khối ngoại liên tục bán ròng?

Vì sao khối ngoại liên tục bán ròng?

Một trong những câu hỏi được giới đầu tư quan tâm nhất hiện nay là vì sao khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đã được nhiều chuyên gia lý giải tại buổi tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 31/3.

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, nền kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy chậm chạp hơn rất nhiều so với nền kinh tế thế giới và điều này sẽ tác động rất mạnh đến thị trường chứng khoán. "Thị trường chứng khoán cũng sẽ bật dậy chậm chạp như vậy trong năm 2021", ông nói.

"Chúng ta chưa có sức bật nào lớn cả, chưa có thế năng nào cho nền kinh tế trong năm nay. Chúng tôi đã 4 lần phân tích mô hình dự báo và kết luận: tăng trưởng kinh tế năm 2021 không thể vượt quá 5,5%, trong khi Chính phủ kỳ vọng là 7%", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Đây là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài tạm thời rút vốn để đưa tiền về các thị trường có sức bật cao hơn Việt Nam.

"Xu hướng bán ròng này sẽ kéo dài bao lâu? Có thể chỉ diễn ra đến hết quý II, sau đó nước ngoài sẽ nhìn thấy kinh tế Việt Nam bắt đầu ấm dần, mạnh lên, quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc được cải thiện và họ có thể quay lại từ từ, về cuối năm sẽ mạnh dần lên", chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nêu nhận định.

Còn theo quan điểm của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS), đầu năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán và đợt bán gần đây nhất được kích hoạt bởi lợi suất trái phiếu tăng lên.

"Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên đã làm cho đồng tiền ở tất cả các thị trường mới nổi mất giá nhanh, USD có xu hướng tăng cao trở lại. Chính vì rủi ro tỷ giá, nhất là thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Brazil… ghi nhận tỷ giá thay đổi hơn 3%, khiến cho các nhà đầu tư quốc tế ngay lập tức nghĩ đến bảo toàn vốn và nhanh chóng rút ra", ông Trần Hoàng Sơn cho hay.

Dẫn chứng tại Hàn Quốc, vị chuyên gia này cho biết đồng tiền nước này mất giá khoảng 4% so với USD, chính vì vậy, quỹ KIM đã ngay lập tức rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô lên đến hơn 60 triệu USD từ đầu năm đến nay.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán quốc tế đang tăng nhờ cung tiền, nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng. Còn tại Việt Nam, lãi suất mặc dù ở mức thấp nhất trong 10 năm qua nhưng các yếu tố hỗ trợ còn chưa rõ nét, nên các thị trường như Mỹ, Nhật tăng tốt và có phần hấp dẫn hơn Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang có xu hướng hạ đòn bẩy tài chính, cung tiền có xu hướng suy giảm nhanh. Gần đây, vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc gia tăng rất nhanh. Những điều này báo hiệu rủi ro tín dụng, phần nào ảnh hưởng đến cả thị trường chứng khoán châu Á, qua đó tạo áp lực bán ròng lên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhiều quỹ đầu tư cũng lo ngại nếu cung tiền chững lại thì sẽ xuất hiện xu hướng bán ra mạnh mẽ.

Tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững"

Trong khi đó, theo phân tích của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá Nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, xét theo chiều hướng giá trị bán ròng, xu hướng hiện giờ là dòng tiền tìm đến thị trường có sức bật tốt hơn, tăng trưởng tốt hơn.

Nguyên nhân thứ hai có thể dẫn đến xu hướng khối ngoại bán ròng là các quỹ đầu tư truyền thống đang hoạt động kém hiệu quả.

"Năm 2020, đa phần các quỹ rút ròng ra khỏi thị trường cổ phiếu, đó là thời điểm đáy của thị trường toàn cầu. Trong khi đó, vốn bơm thêm vào các quỹ ETF tăng rất mạnh trong năm vừa qua. Đây là làn sóng dịch chuyển từ quỹ truyền thống sang quỹ ETF có chi phí quản lý thấp hơn. Vì thế mà dòng tiền rút ra khỏi các quỹ truyền thống trong thời gian qua khá mạnh, Việt Nam cũng không loại trừ", ông Nguyễn Thế Minh nhìn nhận.

Ở chiều mua, giải thích vì sao nhà đầu tư nước ngoài không mạnh tay giải ngân, ông Minh cho rằng ngoài chuyện họ tìm kiếm thị trường khác hấp dẫn hơn, vấn đề của họ là xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam phần lớn là ở mức rủi ro cao, vì thế mà thông thường họ không thể tin tưởng vào báo cáo tài chính để đưa ra quyết định đầu tư mà phải đến gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp. Tuy nhiên do Covid-19, hoạt động này không thể diễn ra. Điều này ảnh hưởng đến việc giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cung cấp thêm thông tin, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trước đây, khối ngoại sở hữu khoảng 21-22% tổng số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ này còn khoảng 18,5%.

Ông Sơn cho hay qua trao đổi với một vài nhà đầu tư nước ngoài thân thiết, nguyên nhân đầu tiên mà họ đề cập là lo lắng việc Việt Nam bị liệt kê vào nhóm quốc gia thao túng tiền tệ có thể ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của tỷ giá, vì thế họ phải hành động sớm.

Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá quy mô "bơm tiền" của Việt Nam không lớn, hỗ trợ thời kỳ Covid-19 chủ yếu đến từ hoãn, giãn thuế, cũng tức là họ sẽ phải đóng thuế trở lại từ năm 2021 và điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tiến hành cơ cấu lại danh mục đầu tư sau thời gian thị trường tăng "nóng".

Ông Sơn lưu ý rằng khối ngoại chỉ đảo danh mục hoặc tạm thời rút ra nhưng vẫn ở trạng thái tiền mặt chứ không hoàn toàn rút tiền khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó, không phải lúc nào khối ngoại cũng quyết định đúng, vì vậy mà việc rút ròng của họ là không quá đáng ngại.

Tin mới lên