Tài chính quốc tế

Vì sao lạm phát trở thành mối lo toàn cầu?

Ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng tình trạng giá cả hàng hóa tăng vọt chỉ là nhất thời. Tuy nhiên, lạm phát đã kéo dài hơn mọi dự báo trước đó.

Vì sao lạm phát trở thành mối lo toàn cầu?

Ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng tình trạng giá cả hàng hóa tăng vọt chỉ là nhất thời.

Ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng tình trạng giá cả hàng hóa tăng vọt chỉ là nhất thời. Tuy nhiên, lạm phát đã kéo dài hơn mọi dự báo trước đó.

Theo Bloomberg, tỷ lệ lạm phát đã tăng vọt ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại Mỹ, giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1990. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ số giá sản xuất vượt xa dự báo của giới quan sát. Đức - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới - cũng không nằm ngoài xu hướng.

Điều đó có nghĩa là giá của mọi thứ từ thức ăn, xăng đến hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng đều tăng lên. Lạm phát sẽ ảnh hưởng ngày càng nặng nề tới túi tiền của người tiêu dùng trong những tháng tới, khi các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.

Câu hỏi đặt ra là liệu việc chi phí tăng vọt có phải chỉ trong ngắn hạn hay không, hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ phải hành động.

Tại Mỹ, giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1990. Chỉ số giá sản xuất của Nhật Bản và Trung Quốc cũng vượt xa dự báo. Ảnh: Reuters.

Chi phí leo thang

Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 6,2% trong tháng 10 so với năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1990.

CPI lõi - loại trừ giá thực phẩm và nhiên liệu - tăng 4,6% so với năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 8/1991. Chỉ riêng giá xăng đã tăng 12,3% trong tháng trước, đóng góp vào hơn 50% mức tăng chung. Giá xe và thực phẩm cũng vọt lên mạnh.

Lạm phát tăng mạnh có thể khiến FED thắt chặt các chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến. Cơ quan này đã ám chỉ sẽ giảm quy mô chương trình mua trái phiếu trong vòng vài tuần tới.

Còn ở Nhật, chỉ số giá sản xuất ghi nhận mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm. Hôm 10/11, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mùa mua sắm cao điểm cuối năm ở Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát kéo dài. Do sức mua và niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm. Ảnh: Reuters.

Như vậy, mức tăng giá sản xuất đã vượt kỷ lục hồi tháng 9, đánh dấu ngưỡng cao nhất kể từ khi Trung Quốc thu thập dữ liệu vào tháng 10/1996. Tương tự tháng 9, chi phí sản xuất tăng cao được ghi nhận ở 36 trên 40 lĩnh vực công nghiệp. Khai thác than, dầu khí và luyện kim đều chịu ảnh hưởng.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc giảm từ 49,6 trong tháng 9 xuống 49,2 vào tháng 10. Chỉ số này đã ghi nhận mức giảm trong 2 tháng liên tiếp.

Theo giới chuyên gia, sự tham gia của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, đẩy giá hàng hóa trên thế giới tăng mạnh hơn nữa.

Không sớm kết thúc

Theo quan điểm của FED, phần lớn lạm phát được thúc đẩy bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do các hạn chế liên quan đến dịch Covid-19. Theo các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khi đại dịch dịu đi, những vấn đề này sẽ tự được giải quyết, mà không cần đến các biện pháp can thiệp mạnh tay như nâng lãi suất.

Nhưng tính đến thời điểm này, "lạm phát nhất thời" đã tồn tại lâu hơn rất nhiều dự báo của FED. Dường như áp lực lạm phát sẽ kéo dài ít nhất vài tháng nữa.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang chao đảo vì chi phí tăng cao. Tình trạng khan hiếm chất bán dẫn đã cản trở hoạt động sản xuất và thu hẹp biên lợi nhuận. Các tập đoàn như Apple Inc. và Amazon.com Inc. gặp khó vì chi phí lao động tăng cao và sản xuất trì trệ. Họ có thể phải đối mặt với mùa mua sắm cuối năm u ám.

Theo Bloomberg, tình trạng này càng kéo dài, sức mua của người tiêu dùng càng bị ảnh hưởng. Bởi lạm phát tăng nhanh hơn tốc độ tăng lương.

Tồi tệ hơn nữa, lạm phát trong năm nay có thể chỉ là khởi đầu. Nếu lĩnh vực dịch vụ bùng nổ vào năm 2022, chúng ta sẽ chứng kiến cú sốc lớn hơn nữa bởi chi phí lao động tăng cao

Chuyên gia Paul O’Connor tại Janus Henderson Investors

Đối với giới đầu tư, cả cổ phiếu và trái phiếu đều có thể bị ảnh hưởng nếu rủi ro lạm phát ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Nhiều nhà đầu tư đổ xô vào các loại tài sản có thể phòng ngừa rủi ro lạm phát, chẳng hạn vàng và tiền mã hóa.

"Tồi tệ hơn nữa, lạm phát (được thúc đẩy bởi nhu cầu) trong năm nay có thể chỉ là khởi đầu. Nếu lĩnh vực dịch vụ bùng nổ vào năm 2022, chúng ta sẽ chứng kiến cú sốc lớn hơn nữa bởi chi phí lao động tăng cao", chuyên gia Paul O’Connor tại Janus Henderson Investors bình luận.

"Ở kịch bản tồi tệ nhất, tất cả yếu tố này có thể dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu", nhà báo Eric Lam của Bloomberg cảnh báo.

"Nhưng trong môi trường lạm phát tăng cao, vấn đề không chỉ nằm ở việc nâng lãi suất hay không. Các ngân hàng trung ương cũng cần duy trì sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nếu không, họ có thể đẩy thế giới vào suy thoái", ông nói thêm.

Tin mới lên