Tiêu điểm

Vì sao mãi không tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác?

(VNF) - Vì sao hơn 10 năm xem xét mà Việt Nam vẫn chưa tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI)? TS Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình Hỗ trợ Liên minh Vận động chính sách (Oxfam) cho rằng "chúng ta đã quá lo sợ".

Vì sao mãi không tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác?

Ngành khai khoáng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề

10 năm vẫn còn xem xét

Là một nước có lịch sử khai khoáng hơn trăm năm, nhưng hiện nay, ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều vấn đề như thu ngân sách không tương xứng với quy mô khai thác, tổ chức quản lý không phù hợp, thiếu quy hoạch tổng thể và cấp phép tràn lan dẫn đến khai thác bừa bãi, công nghệ lạc hậu khiến tài nguyên tổn thất và đặc biệt là mức độ minh bạch trong quản lý tài nguyên khoáng sản rất hạn chế.

Nhu cầu "bạch hóa" thông tin đã được đặt ra từ lâu và ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là từ khi có những vận động cho việc tham gia EITI – một sáng kiến công khai thông tin liên quan đến lĩnh vực khai thác gồm: cấp phép, dữ liệu sản xuất, doanh nghiệp nhà nước, các nguồn thu chính, nguồn thu địa phương, quản lý nguồn thu và tác động xã hội.

EITI được đánh giá là một trong những sáng kiến quản trị hiệu quả nhất, đặc biệt là giảm thất thu ngân sách. Kinh nghiệm từ Nigieria cho thấy, quốc gia này đã tránh thất thu 1 tỷ USD trong lĩnh vực khai khoáng nhờ thực thi EITI.

Tuy nhiên, dù đã bắt đầu tiếp cận từ năm 2005, song đến nay đã qua 10 năm, Việt Nam vẫn chưa đưa ra tuyên bố rõ ràng nào về việc tham gia EITI, mặc cho nhu cầu cải cách ngành công nghiệp khai thác là rất lớn.

Ông Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Oxfam cho rằng cách tiếp cận của EITI của Bộ Công thương hiện nay chưa có hệ thống, chính vì thế mà mới chỉ tiếp cận được cái vành ngoài của vấn đề.

"Chúng ta lại còn đang đặt giả định rằng EITI là một con ngáo ộp. Chúng ta bị một tư tưởng nếu minh bạch hết thì sẽ bị lợi dụng. Nếu như vậy, chúng ta không bao giờ tiếp cận EITI như một hệ thống để xem nó tốt xấu như thế nào.

Với EITI điều duy nhất nên xem xét là nó có mang lại lợi ích cho chúng ta không, còn nếu cứ lấy lí do này lí do nọ thì đó là chúng ta đang đi sai và tự ru ngủ mình", ông Tú nói.

Tham gia EITI chỉ có tốt hơn

Nhìn nhận nhu cầu minh bạch thông tin là cần thiết, tuy nhiên, ông Lê Hữu Phúc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Công thương – đơn vị đảm nhận việc xem xét tham gia EITI – cho rằng không nên đồng nhất minh bạch với EITI. Và càng không nên xem EITI là cây đũa thần có thể giải quyết mọi chuyện.

"EITI là một tổ chức hết sức lỏng lẻo. Nó chỉ là một hiệp hội của Na Uy, hoạt động theo luật pháp Na Uy, không thể có áp lực đối với các Chính phủ mà hoạt động hoàn toàn theo lĩnh vực tự nguyện. Do đó phải xuất phát từ chúng ta, chúng ta cần cái gì, chúng ta cải cách cái đấy", ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phúc, việc tham gia EITI không phải đơn giản. Khi đã tham gia vào thì phải đẻ ra cơ chế, đẻ ra bộ máy mà bộ máy là tiền. Chính phủ phải nuôi bộ máy hoạt động, nhưng lợi ích thực tế ngân sách có thu thêm được gì không thì chưa chắc chắn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đức, thành viên Ban pháp chế VCCI, cho rằng, việc tham gia EITI và công khai thông tin sẽ giúp ngăn chặn những lỗ hổng về luật pháp đồng thời tăng cường sự giám sát trong khai thác khoáng sản. Những điều đó không lập tức quy ra tiền được bao nhiêu nhưng lợi ích lâu dài thì hết sức lớn.

Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Tú dẫn trường hợp Myanmar cho biết, một ủy ban EITI tại đây chỉ có 5 người, nếu có phình to cũng chỉ lên đến 10 người là cùng. Theo tính toán của tổ chức Adam Smith International, chi phí để thực hiện EITI ở Việt Nam chỉ khoảng 420.000 USD (tương đương 9,2 tỷ đồng).

TS Nguyễn Thành Vạn, Trưởng ban tư vấn phản biện Tổng hội Địa chất Việt Nam, bổ sung thêm: "Tất cả mọi thứ, từ hệ thống chính sách, hệ thống thống kê đến năng lực thực thi hoàn toàn không phải là rào cản. Có nghĩa là ta đã đạt được hết, có thể sẵn sàng gật đầu tham gia. Tôi cho rằng nếu tham gia EITI, chúng ta chỉ có tốt lên, không mất gì cả. Cá nhân tôi 10 năm qua vẫn ủng hộ điều này".

Có lợi ích nhóm ngăn cản

Bình luận về sự chậm trễ trong 10 năm qua của Bộ Công thương, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói "EITI là một sáng kiến tuyệt vời. Nhiều nước như Mông cổ, Myanmar đã làm được mà ta lại chưa thì rõ ràng ở đây có một số nhóm lợi ích đang ngăn cản điều đó.

Vì nếu như chấp nhận EITI thì họ sẽ không còn thu được lợi lớn nữa, do đó họ viện lý do này, lý do nọ. Tôi đề nghị Chính phủ phải xem xét kĩ, nếu không quyết định được thì phải kiến nghị ra Quốc hội để can thiệp".

TS Doanh cũng cho rằng, Bộ Công thương nên chuyển việc xem xét EITI sang cho Bộ Tài nguyên Môi trường làm, vì cơ quan này đang quản lý phần lớn các thoogn tin, số liệu mà EITI yêu cầu đưa vào báo cáo.

Tin mới lên