Tài chính quốc tế

Vì sao Mỹ chưa trừng phạt ngành năng lượng Nga?

(VNF) - Nhà Trắng cho biết Mỹ sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dòng chảy dầu và khí đốt của Nga nhưng phải sau khi lượng xuất khẩu của nước này có thể thay thế phần nào cho nguồn năng lượng từ Nga.

Vì sao Mỹ chưa trừng phạt ngành năng lượng Nga?

Mỏ dầu Vankorskoye thuộc sở hữu của công ty Rosneft ở phía bắc thành phố Krasnoyarsk thuộc Siberia của Nga.

Tuyên bố trên được đưa ra vào ngày 2/3, sau khi giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 11 năm và sự gián đoạn nguồn cung gia tăng.

Sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, Nhà Trắng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu công nghệ sang các nhà máy lọc dầu của Nga và đường ống dẫn khí dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, chính quyền Biden đã ngừng nhắm mục tiêu vào xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga khi cân nhắc các tác động đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu và giá năng lượng của Mỹ.

Người phát ngôn Karine Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi không có lợi ích chiến lược trong việc giảm nguồn cung năng lượng toàn cầu. Điều đó sẽ làm tăng giá xăng cho người Mỹ”.

Mặc dù vậy, chính quyền cũng cảnh báo có thể “chặn” dầu của Nga nếu Moscow tăng cường gây hấn với Ukraine. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói với MSNBC: "Còn nhiều điều phải bàn, nhưng chúng ta cần cân nhắc tất cả các tác động".

Theo phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Bharat Ramamurti, Nhà Trắng chưa muốn thực hiện động thái trừng phạt nào với dòng chảy năng lượng của Nga.

Ông nói: “Việc trừng phạt dầu khí của Nga vào thời điểm này sẽ có ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ và thực sự có thể phản tác dụng về việc tăng giá dầu và khí đốt trên thế giới, đồng nghĩa với việc tăng thêm lợi nhuận cho ngành dầu khí Nga. Vì vậy, chúng tôi không muốn làm việc đó vào thời điểm hiện tại".

Trong khi đó, phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Daleep Singh cho biết chính quyền Biden đang xem xét việc cắt giảm lượng dầu tiêu thụ từ Nga trong khi vẫn duy trì nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Tuần trước, chính quyền Biden cho biết chưa nhắm ngành dầu khí và năng lượng Nga thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt kinh tế áp dụng đối với Moscow. Mặc dù vậy, các thương nhân và ngân hàng đã tránh xa các chuyến hàng dầu của Nga qua đường ống và tàu chở dầu, để không bị coi là tài trợ cho cuộc xâm lược, khiến thị trường năng lượng rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, Mỹ nhập khẩu trung bình hơn 20,4 triệu thùng sản phẩm thô và tinh chế mỗi tháng trong năm 2021 từ Nga, chiếm khoảng 8% lượng nhiên liệu lỏng nhập khẩu của Mỹ.

Gần một tuần sau khi Moscow tấn công Ukraine, giá dầu thô của Mỹ trong phiên 2/3 đạt mức 110,60 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 5/2011, trong khi giá dầu Brent chuẩn toàn cầu ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014 là mức 112,93 USD.

Ngày 1/3, Mỹ và các đồng minh đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ để giúp bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung, trong khi các quốc gia OPEC+ vẫn thống nhất giữ nguyên sản lượng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Chúng tôi muốn giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu và tác động của giá năng lượng đối với người dân Mỹ. Chúng tôi không cố gắng làm tổn thương chính mình, chúng tôi đang cố gắng làm tổn thương Tổng thống Putin và nền kinh tế Nga".

Xem thêm >> Đe doạ trừng phạt mọi mặt, Mỹ vẫn nhập khẩu uranium từ Nga

Tin mới lên