Bất động sản

Vì sao 'ông trùm' cao tốc VEC chỉ đặt lợi nhuận lãi 2,2 tỷ đồng?

(VNF) - Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa được phê duyệt mức lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 2,2 tỷ đồng. Trong khi đó, "ông trùm" cao tốc này đang quản lý 5 dự án cao tốc lớn (trong đó, có 4 dự án đang thu phí), tổng tài sài lên tới 90.000 tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân VEC chỉ lãi 2,2 tỷ đồng?

Vì sao 'ông trùm' cao tốc VEC chỉ đặt lợi nhuận lãi 2,2 tỷ đồng?

Theo kế hoạch phê duyệt kế hoạch năm 2020, dự kiến doanh thu của VEC đạt 4.251 tỷ đồng, nhưng mức lợi nhuận chỉ đưa ra là 2,2 tỷ đồng. 

Lý giải về vấn đề này, VEC cho rằng: lợi nhuận thấp là do mỗi năm phần doanh thu từ các dự án cao tốc đang khai thác sẽ được dành để trả nợ vốn vay.

Đồng thời, do các dự án vay vốn bằng đồng yên Nhật và đô la Mỹ nên khi biến động tỷ giá, số tiền VEC phải trả do chênh lệch tỷ giá khá lớn.

Vì vậy, năm 2020, dù kế hoạch tổng doanh thu của VEC là 4.251 tỷ đồng nhưng tổng chi phí đã lên đến 4.248 tỷ đồng nên nhuận sau thuế dự kiến chỉ vỏn vẹn ở mức 2,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, VEC đang gặp một số khó khăn như Chính phủ không chuyển vốn vay về cho VEC vay lại; đồng thời không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp này; việc tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án đường cao tốc của VEC cũng đang gặp vướng mắc.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, VEC từng là đơn vị hàng đầu của ngành giao thông vận tải, có tổng giá trị tài sản lên tới 90.000 tỷ đồng mà chỉ dự tính lãi 2 tỷ đồng thì đó thực sự là điều khó chấp nhận.

Ông Thịnh ví von: "nếu mang 90.000 tỷ đồng đi gửi vào ngân hàng thì lãi nhận được đã gấp nhiều lần số tiền 2 tỷ đồng lợi nhuận mà VEC hướng tới trong năm 2020. Như vậy, rõ ràng cái tính hiệu suất kinh doanh của VEC đang không ổn khi mà chỉ đề ra 2 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020. Cơ quan chức năng cần xem xét lại cách vận hành và người điều hành doanh nghiệp này".

Ngoài ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đặt vấn đề, "liệu có bất thường trong kinh doanh mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều gặp phải khi phải đi vay nợ để kinh doanh sản xuất. Từ đó cho thấy, việc tính toán kinh doanh của một doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư".

"Trước khi thành lập doanh nghiệp, người đó đã phải tính toán trên lý thuyết về nguồn vốn đầu tư, rủi ro có thể gặp phải và tỷ suất lợi nhuận dự trù đạt được khi doanh nghiệp đi vào hoạt động... Chứ không phải là đi làm không công, cứ vay rồi mới tính xem kinh doanh cái gì, hoạt động như nào" - ông Thịnh cho biết.

Ông Thịnh cũng chỉ rõ: "VEC không thể lấy lý do gặp khó khăn trong việc Chính phủ không chuyển vốn vay về cho vay lại, hay Chính phủ không cho sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp để lý giải cho việc dự định lãi suất sau thuế năm 2020".

 "VEC là doanh nghiệp kinh doanh thì phải chấp nhận theo giá thị trường. Chứ đừng chăm chăm vào việc "vắt sữa bò" từ ngân sách nhà nước là không ổn. Nếu các doanh nghiệp cảm thấy kinh doanh không hiệu quả thì nên cổ phần hóa, hoặc để cho người khác quản lý", ông Thịnh đề xuất.

 

Tin mới lên