Tài chính quốc tế

Vì sao ông Trump trì hoãn trừng phạt quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương?

(VNF) - Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tiết lộ ông đã trì hoãn lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc liên quan đến các vấn đề ở Tân Cương vì lo ngại điều này sẽ gây cản trở cho các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.

Vì sao ông Trump trì hoãn trừng phạt quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương?

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Chúng tôi đang thương thảo một thỏa thuận thương mại lớn. Và tôi đã có được một thỏa thuận lớn, có khả năng bán được lượng hàng hóa trị giá tới 250 tỷ USD”, ông Trump trả lời hãng tin Axios khi được hỏi vì sao không ban hành các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các quan chức Trung Quốc có liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc.

Hãng tin Reuters cũng dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết kể từ cuối năm 2018, họ đã cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương nhưng đã kiềm chế vì cân nhắc các vấn đề về thương mại và ngoại giao.

Theo văn kiện được ký kết hồi giữa tháng 1, Trung Quốc đã nhất trí mở rộng đáng kể danh mục hàng hóa nước này mua của Mỹ, lên tới trên 200 tỷ USD trong giai đoạn 2 năm (2020 và 2021). Cụ thể, Bắc Kinh đã đồng ý mua thêm 50 tỷ USD nông sản, 75 tỷ USD các sản phẩm chế tạo và 50 tỷ USD năng lượng.

Đổi lại, Washington cam kết sẽ không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nhưng sẽ không vội dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đã áp.

Từ năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các hạn chế nhập khẩu đối với một số công ty Trung Quốc và cấm thị thực đối với một vài quan chức Trung Quốc vì có liên quan đến vấn đề Tân Cương, nhưng không áp dụng các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/6 đã chính thức ký thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, cho phép Washington có phản ứng cứng rắn hơn trước hành động của Bắc Kinh với người Hồi giáo thiểu số ở Khu tự trị Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc.

Dự luật Duy Ngô Nhĩ kêu gọi trừng phạt các cá nhân có liên quan tới việc "giam giữ, tra tấn và quấy rối" người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương. Trong các cá nhân này có Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.

Dự luật yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 180 ngày từ khi ban hành luật, đệ trình lên quốc hội danh sách quan chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những quan chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Dự luật cũng kêu gọi các công ty và công dân Mỹ đang hoạt động tại khu vực Tân Cương thực hiện các biện pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không bị ảnh hưởng bởi lực lượng lao động “bị cưỡng ép” tại đây.

Phía Trung Quốc đã lên án dự luật này và đe dọa trả đũa. Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh rằng ông có toàn quyền quyết định áp dụng bất kỳ biện pháp nào.

Xem thêm >> Phòng ngừa Covid-19, Trung Quốc cấm nhập khẩu gia cầm từ một công ty Mỹ

Tin mới lên