Ngân hàng

Vì sao tỷ giá USD/VND chỉ 'sốt' trong ngắn hạn?

(VNF) - Các yếu tố gây sức ép lên tỷ giá trong nước được dự báo chỉ tồn tại trong ngắn hạn.

Vì sao tỷ giá USD/VND chỉ 'sốt' trong ngắn hạn?

Vì sao tỷ giá USD/VND chỉ 'sốt' trong ngắn hạn?

Diễn biến tỷ giá USD/VND từ đầu năm 2020 cho đến giữa tháng 3 khá ổn định và trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Dao động tỷ giá USD/VND trong các tháng đầu năm chỉ ở mức 0,2 – 0,3% và đạt mục tiêu điều hành.

Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa tháng 3/2020, tỷ giá USD/VND đã có xu hướng tăng khá mạnh tại tất cả các kênh với mức tăng 1,7 – 2% so với thời điểm đầu tháng 3/2020.

Nhận định trong báo cáo chuyên đề công bố mới đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng có 4 yếu tố chính tác động đến tỷ giá trong thời gian vừa qua.

Đầu tiên là diễn biến tăng giá sốc của USD trên thị trường tài chính toàn cầu. Điều này gây áp lực lên các đồng nội tệ của các quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam.

Dịch Covid-19 đang diễn ra tại Âu Châu và Mỹ đã và đang đe dọa gây ra một đợt suy thoái kinh tế trên toàn cầu và do đó các nhà đầu tư đang tìm đến USD như là một kênh trú ẩn an toàn nhất. Các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và kể cả vàng đều có xu hướng giảm giá rất mạnh đang xác nhận xu hướng chủ đạo này.

Trước áp lực từ giá USD thế giới, NHNN đã phải có động thái giảm áp lực bằng cách điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm cũng như bán USD giá rẻ.

MBS đánh giá áp lực tăng giá USD trên thị trường tài chính toàn cầu có thể duy trì trong 1 tháng tới song sẽ giảm trong các tháng cuối năm 2020 khi FED duy trì một chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế và các nhà đầu tư sẽ tích cực mua vào các tài sản tài chính, giảm nắm giữ USD khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.

Yếu tố thứ hai tác động đến tỷ giá là động thái hạ lãi suất của NHNN.

Trong bối cảnh nền kinh tế có nguy cơ suy giảm tăng trưởng do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, NHNN đã có động thái giảm mạnh các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.

"Việc các NHTM hạ mặt bằng lãi suất huy động đã góp phần làm giảm mức hấp dẫn của việc nắm giữ VND do đó làm tăng kỳ vọng hạ giá của VND trong thời gian tới mặc dù mức độ hạ lãi suất huy động không cao", chuyên gia của MBS cho hay.

Nói rõ thêm, chuyên gia cho hay trong thời gian trước, mặt bằng lãi suất huy động tại Việt Nam luôn ở mức cao hơn nhiều so với Mỹ do Việt Nam là quốc gia đang phát triển có nhu cầu vốn đầu tư cao hơn Mỹ (xét trên phương diện tỷ lệ vốn đầu tư/GDP). Mức độ chênh lệch thường từ 5 - 6% trong các năm trở lại đây cũng góp phần làm VND trở nên hấp dẫn hơn và hỗ trợ ổn định tỷ giá USD/VND.

"Với việc thị trường kỳ vọng mặt bằng lãi suất của Việt Nam hạ trong thời gian tới thì sức ép lên tỷ giá USD/VND vẫn còn. Sức ép lên VND từ khía cạnh này sẽ giảm trong thời gian tới khi FED áp dụng biện pháp bơm tiền mạnh tay với các gói mua trái phiếu với khối lượng không giới hạn đẩy mặt bằng lãi suất tham chiếu của Mỹ xuống mức gần không và sẽ khiến lãi suất huy động tại Mỹ giảm mạnh", chuyên gia của MBS nhận định.

Yếu tố thứ ba là lạm phát của Việt Nam hiện đang cao gây áp lực giảm giá VND.

Theo MBS, lạm phát của Việt Nam và Mỹ luôn có chênh lệch trong các năm qua và phần lớn thời điểm lạm phát của Việt Nam cao hơn lạm phát tại Mỹ.

Chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ trong các năm trước giao động trong khoảng từ 0,6% đến 2,9%. Chênh lệch lạm phát thấp khiến áp lực mất giá của VND so với USD đã giảm đi đáng kể và từ năm 2014 đến đầu năm 2020.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát của Việt Nam đã tăng lên kể từ các tháng cuối năm 2019 đến các tháng đầu năm 2020. CPI bình quân hai tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ 2019. Trong đó CPI tháng 2 tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước - tốc độ tăng của cả hai chỉ số CPI vẫn tiếp tục cao nhất trong 7 năm qua.

Chênh lệch lạm phát của Mỹ và Việt Nam thời điểm hiện tại đã tăng lên khá cao (2,3% so với 5,4%) với mức chênh lệch là 3,1%.

"Mức chênh lệch cao này đang tạo nên kỳ vọng giảm giá của VND mạnh hơn so với bình thường, khiến áp lực lên tỷ giá USD/VND tăng lên", chuyên gia của MBS nêu quan điểm.

Theo công ty chứng khoán này, trong tháng 3 và tháng 4 tới, dự kiến lạm phát tại Việt Nam sẽ suy giảm khi nhiều nhóm hàng hóa sẽ giảm giá bao gồm xăng dầu (giảm do giá thế giới giảm), thực phẩm giảm giá (do nguồn cung thịt lợn phục hồi trở lại), dịch vụ vui chơi ăn uống ngoài gia đình (do sức cầu thấp) do đó mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ thu hẹp qua đó làm giảm áp lực lên VND.

Dựa trên lý thuyết ngang giá sức mua, MBS dự đoán cuối năm 2020, VND sẽ chỉ mất giá khoảng 2%/năm so với đầu năm.

Yếu tố lớn cuối cùng chi phối diễn biến tỷ giá là cung cầu USD trong nước.

Theo MBS, trong các năm trở lại đây, nhờ kiên trì điều hành nền kinh tế theo trọng tâm hướng tới xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, dòng kiều hối dồi dào nên cán cân thanh toán của Việt Nam đa phần đạt trạng thái thặng dư.

Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm, cung cầu USD không còn được thuận lợi như các năm trước do ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19.

Cụ thể, xuất nhập khẩu có dấu hiệu suy yếu; đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng chậm, thậm chí giải ngân FDI giảm trong 2 tháng đầu năm; nguồn vốn FII cũng suy giảm do các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường bán tài sản tài chính để rút tiền về khi nguy cơ suy thoái kinh tế tương đối rõ ràng.

Mặc dù gặp các bất lợi như trên tuy nhiên MBS vẫn đánh giá Việt Nam đủ nguồn cung USD để điều phối tỷ giá USD/VND trong thời gian tới có diễn biến hài hòa, bởi cán cân thanh toán thặng dư trong quá khứ đã tạo điều kiện cho NHNN tiếp tục bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và qua đó gia tăng dư địa điều chỉnh tỷ giá USD/VND phù hợp với mục tiêu đặt ra.

"Nhìn chung chúng tôi đánh giá nguồn cung USD của Việt Nam trong năm 2020 vẫn sẽ khá dồi dào đảm bảo đủ nhu cầu của nền kinh tế, do đó tỷ giá USD/VND sẽ không sức ép dài hạn từ yếu tố này", chuyên gia của MBS phân tích.

Tựu trung, quan điểm của MBS là trong các tháng tới cho đến hết năm 2020, tỷ giá USD/VND có thể giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi. Xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể trên 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm với mức độ điều chỉnh sẽ chỉ khoảng 2%/năm do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh của USD sẽ suy giảm.

Quan điểm của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC):

Việc USD Index tăng mạnh trên thị trường thế giới và NHNN điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành đã khiến VND yếu đi. Áp lực rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu kể từ sau Tết Nguyên Đán đến nay ước tính khoảng 500 triệu USD cũng gây áp lực lên tỷ giá.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, Việt Nam vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu 2,7 tỷ USD tính đến ngày 15/3 và vốn FDI thực hiện 2 tháng đầu năm đạt trên 2 tỷ USD. Do vậy, cán cân cung-cầu USD thực tế hiện vẫn đang nghiêng về phía cung nên có cơ sở để kỳ vọng VND sẽ không giảm giá quá mạnh trong thời gian tới.

BVSC dự báo mức mức mất giá của VND trong năm 2020 sẽ khoảng 2-3%. Trong những phiên tăng đột biến, NHNN có thể sẽ tăng cường bán ngoại tệ ra can thiệp. Điều này cũng tạo thế can thiệp hai chiều, giúp Việt Nam có thêm giải trình với Mỹ trong kỳ đánh giá danh sách các nước thao túng tiền tệ tiếp theo.

Tin mới lên