Tài chính quốc tế

Vì sao xe máy nội địa hoá 80%, còn ô tô chỉ khoảng 20%?

(VNF) - Công nghiệp ô tô xe máy thành lập gần như cùng thời điểm nhưng xe máy nội địa hoá 80% còn ô tô chỉ khoảng 20%.

Vì sao xe máy nội địa hoá 80%, còn ô tô chỉ khoảng 20%?

Tại toạ đàm "30 năm lan tỏa vốn FDI" tổ chức chiều 6/10, một vấn đề được đặt ra là công nghiệp ô tô xe máy thành lập gần như cùng thời điểm nhưng tỷ lệ nội địa hóa của xe máy là 80% còn ô tô chỉ khoảng 20%.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Tổng trưởng ban Kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam (TMV), nguyên nhân không chỉ ở vấn đề công nghệ mà còn là sản lượng. "Tăng trưởng sản lượng ô tô rất thấp, thấp hơn nhiều xe máy nên rất khó phát triển. Hồi Toyota mới thành lập, sản lượng chỉ là vài chiếc xe một ngày và thời điểm đó thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp liên doanh sản xuất ô tô khác", ông Tuấn nói.

Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng trưởng Ban Kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam (TMV). Ảnh: Bizlive.vn

Đến nay, lãnh đạo Toyota cho biết, tổng sản lượng ô tô ở Việt Nam đạt 300 nghìn chiếc mỗi năm, trong đó Toyota có khoảng 50 nghìn chiếc và 4 mẫu xe. 

"Sản lượng thấp nên rất khó nội địa hoá. Nội địa hoá không phải là thành tích mà để giảm giá thành", ông Tuấn cho hay.

Theo ông, tăng tỷ lệ nội địa hoá để giảm giá thành. Trong ngành ô tô, nếu sản lượng nhỏ thì dù nội địa hoá, giá vẫn sẽ rất cao. Do đó quan trọng nhất là sản lượng cao thì nội địa hoá mới hiệu quả.

Toyota khi chọn nhà cung cấp không phân biệt đó là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, chỉ cần họ đáp ứng chất lượng là sẽ được chọn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp của Toyota chủ yếu là những doanh nghiệp FDI vốn cung cấp cho Toyota ở nước khác và theo vào Việt Nam.

Lãnh đạo Toyota cũng cho biết, có những doanh nghiệp Việt Nam làm nhà cung cấp cho Honda như một doanh nghiệp nhựa ở Hà Nội phát triển lên từ việc hỗ trợ công nghiệp cho Honda, sau đó chuyển dần sang làm ô tô. Nhưng rào cản khi làm với doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên là chi phí. "Vì sản lượng thấp nên họ rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan xuất khẩu sang đây".

Toyota Việt Nam khi phát triển nhà cung cấp phải chọn lọc rất kỹ lưỡng, đồng thời, phải cử người xuống hỗ trợ doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn, đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, phát triển bền vững. 

"Các doanh nghiệp tham gia, hợp tác với Toyota được nâng cao năng lực, nhận được nhiều lời mời hợp tác của các đối tác hơn", lãnh đạo Toyota chia sẻ.

Tin mới lên