Ngân hàng

VIB tăng vốn, lên sàn: Đã đến lúc phất cờ?

(VNF) – VIB tăng vốn và lên sàn, hướng đến một đợt tăng trưởng mới mạnh mẽ và quyết liệt sau quãng thời gian dài tăng trưởng thận trọng.

VIB tăng vốn, lên sàn: Đã đến lúc phất cờ?

VIB tăng vốn và lên sàn UPCoM vào đầu năm 2017

VIB tăng vốn lên 5.644 tỷ, sẽ giao dịch trên UpCOM

Theo đúng cam kết trong Đại hội đồng cổ đông năm 2016, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ lên 5.644 tỷ đồng theo chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà Nước. Đồng thời, VIB cũng cho biết, ngân hàng này đang thực hiện việc đăng ký, lưu ký chứng khoán để sẵn sàng giao dịch trên sàn UPCoM vào đầu năm 2017.

Mặc dù kế hoạch đã có từ trước, nhưng việc VIB hoàn tất tăng vốn và sắp sửa lên sàn vẫn có thể coi là một tin nóng trong ngành ngân hàng, trong bối cảnh một loạt ngân hàng từ lớn đến nhỏ gặp khó khăn trong vấn đề tăng vốn và chần chừ mãi vẫn chưa lên sàn.

Quyết định lên sàn, nghĩa là ngân hàng này khá tự tin với tình hình tài chính của mình. Và sự tự tin này là có cơ sở.

VIB từ xưa đã có truyền thống thận trọng và đi trước một bước trong xử lý các vấn đề liên quan đến rủi ro, đặc biệt là nợ xấu.

Giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011, VIB tăng trưởng rất nhanh và mạnh khi thu nhập lãi thuần tăng bình quân 62%/năm, lợi nhuận thuần tăng bình quân 112%/năm. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 119%/năm, tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần trung bình khoảng 20,5%/năm.

Tuy nhiên, sang năm 2011, VIB đột nhiên tăng mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro lên mức 53,4% dù lợi nhuận thuần vẫn tăng khá nhanh 35,6% so với năm 2010, kéo lợi nhuận trước thuế của VIB giảm 19,3%, đạt mức 848 tỷ đồng.

VIB tăng vốn, lên sàn: Đã đến lúc phất cờ?

VIB tăng vốn sau khi đã có một thời gian dài tăng trưởng thận trọng

Cùng với việc tăng mạnh trích lập dự phòng, VIB hồi đó cũng tuyên bố "bỏ cuộc" đối với các hoạt động rủi ro trên thị trường liên ngân hàng. Năm 2012, tổng tài sản của VIB giảm tới 33%, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm 17,5% so với năm 2011, đạt mức 770 tỷ đồng.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm 2013, ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT thời đó của VIB chia sẻ, năm 2012 là năm thứ hai mà ngân hàng này thực hiện chiến lược kinh doanh thận trọng, chủ động giảm tốc để đối phó với bất ổn ngành và bất ổn vĩ mô.

VIB tăng vốn sau ba năm "nếm mật nằm gai"

Kết thúc năm 2013, VIB đánh dấu một dấu mốc kém vui khi lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này thấp kỷ lục, chỉ ở mức 50,2 tỷ đồng. Đây là hệ quả từ việc giảm tốc kinh doanh khiến lợi nhuận thuần giảm tới 34%, trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tăng vọt lên mức 91,5%.

Đồng thời, ngân hàng này cũng dồn một lượng lớn tiền mua vào chứng khoán đầu tư (chủ yếu là trái phiếu chính phủ) trong năm 2013, khiến lượng chứng khoán đầu tư của VIB tăng mạnh từ mức 13.795 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2012 lên mức 21.595 tỷ đồng.

Đây là một lựa chọn mang đầy tính thận trọng, khi thay vì dồn tiền vào hoạt động tín dụng, ngân hàng này lại dồn tiền mua trái phiếu với tỷ suất sinh lời thấp nhưng rủi ro cũng ở mức thấp. Đây cũng là lý do khiến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này trong năm 2013 chỉ vỏn vẹn có 3%, tương đương tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với năm 2012.

Bởi "chịu đau" sớm trong việc xử lý rủi ro nên năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của VIB chỉ khoảng 2,82% và sớm giảm xuống mức 2,51% một năm sau đó. Trong khi ở cùng thời kỳ đó, rất nhiều ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn, gánh tỷ lệ nợ xấu trên 3%, thậm chí có những trường hợp trên 5%.

Năm 2014 cũng là năm mà VIB tiếp tục tăng trưởng thận trọng khi tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này dù cao hơn năm 2013, nhưng chỉ ở mức 8,3%. Cũng bởi tăng trưởng tín dụng năm 2013 và năm 2014 của VIB không quá đáng kể nên lợi nhuận trước thuế của VIB cũng theo đó mà "dậm chân tại chỗ" trong hai năm 2014 và 2015, đều quanh mức 650 tỷ đồng (lưu ý rằng, thu nhập từ tín dụng có độ trễ thời gian).

Tuy nhiên, bước sang năm 2015, VIB có nhiều điểm rất đáng chú ý, cho thấy ngân hàng này đang chuẩn bị cho một đợt tăng trưởng mới.

VIB tăng vốn, lên sàn: Đã đến lúc phất cờ?

Nhiều dấu hiệu cho thấy VIB đang chuẩn bị cho một đợt tăng trưởng mới mạnh mẽ và quyết liệt

Đầu tiên là dấu hiệu về tăng trưởng tín dụng. Sau hai năm tăng trưởng tín dụng ở mức ảm đạm, dư nợ tín dụng năm 2015 của VIB bất ngờ tăng tới 25% so với một năm trước đó, đạt mức 47.777 tỷ đồng. Chắc chắn mức tăng trưởng tín dụng này sẽ kéo theo sự tăng thêm về thu nhập của VIB trong tương lai gần. Và thực tế, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2016 của VIB đã tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2015, đạt mức 408 tỷ đồng.

Dấu hiệu thứ hai là ở cơ cấu tín dụng. Năm 2015, VIB đã gia tăng đáng kể tỷ lệ cho vay trung và dài hạn từ mức 56,3% của năm 2014 lên mức 64,3%. Thông thường, lãi suất cho vay trung và dài hạn thường cao hơn lãi suất cho vay ngắn hạn vì rủi ro tiềm ẩn lớn hơn. Việc VIB gia tăng tỷ lệ cho vay trung và dài hạn cho thấy, một trong những mục tiêu chính của ngân hàng này thời gian sắp tới chính là tăng trưởng mạnh lợi nhuận.

Sang đến năm 2016, mọi thứ lại càng rõ ràng hơn khi tính đến hết ngày 30/09/2016, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn của VIB đã chiếm tới 69,3% dư nợ tín dụng. Đồng thời, trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của VIB cũng đã tăng 11,7%.

Thêm vào đó, việc VIB tuyên bố đã hoàn thành tăng vốn điều lệ và sẽ lên sàn UPCoM vào đầu năm 2017 càng cho thấy ngân hàng này đang hướng đến một đợt tăng trưởng mới. Bởi tăng vốn điều lệ đồng nghĩa với việc VIB sẽ được Ngân hàng Nhà nước gia tăng trần tăng trưởng tín dụng, còn lên sàn cũng là một cách thức để tăng thêm vốn, tạo thêm nguồn lực tài chính lớn để phát triển.

Thời gian gần đây, không ít hiện tượng ngân hàng đang nổi lên với lợi nhuận tăng chóng mặt và một số trường hợp thậm chí còn vượt qua nhiều ngân hàng tên tuổi.

Trong bối cảnh đó, phải chăng VIB cũng đã đến lúc phất cờ?

Tin mới lên