Tài chính

VICEM lãi đậm gần nghìn tỷ trước thềm cổ phần hóa

(VNF) – Nửa đầu năm 2017, "ông lớn" xi măng VICEM lãi trước thuế tới 907 tỷ đồng, chủ yếu do lãi được chia từ các công ty liên doanh, liên kết tăng vọt gấp 3 lần cùng kỳ, đồng thời chi phí trích lập dự phòng giảm đi gần một nửa.

VICEM lãi đậm gần nghìn tỷ trước thềm cổ phần hóa

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý II/2017, theo đó, "ông lớn" nhà nước này lãi trước thuế tới 907 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, khác xa mức lỗ 226 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.

Sự khởi sắc đột biến này chủ yếu đến từ việc doanh thu hoạt động tài chính của VICEM tăng vọt lên 1.035 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, gấp 3 lần cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm non một nửa, từ 646 tỷ đồng kỳ trước xuống còn 333 tỷ đồng kỳ này.

Đi sâu hơn, doanh thu hoạt động tài chính gia tăng là do lãi được chia từ các công ty liên doanh, liên kết của VICEM tăng gấp 3 lần, lên mức 995 tỷ đồng. Song song, chi phí tài chính giảm mạnh do chi phí trích lập dự phòng của tổng công ty này giảm gần 300 tỷ, xuống còn 347 tỷ đồng.

Trong kỳ, VICEM cũng bất ngờ ghi nhận lợi nhuận khác lên đến 179 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, mức lợi nhuận khác chỉ là 154 triệu đồng. Khoản lợi nhuận này phát sinh là do VICEM nhận được khoản bồi hoàn trị giá 178 tỷ đồng của Holcim Việt Nam.

Tính đến hết ngày 30/6/2017, tổng tài sản của VICEM đạt 15.442 tỷ đồng, tăng 5,7% so với hồi đầu năm, trong đó chủ yếu là các khoản đầu tư vào công ty con trị giá 10.307 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã nhận được Văn bản số 902/VICEM-HĐTV ngày 21/4/2017 của Hội đồng thành viên Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) về việc triển khai thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa.

Về việc triển khai thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa, Bộ Xây dựng chấp thuận đề xuất của VICEM về việc tiếp tục lựa chọn Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC là đơn vị thực hiện dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp; Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt là đơn vị tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa, tổ chức bán đấu giá lần đầu, Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Công ty mẹ - VICEM.

Về giá trị hợp đồng tăng thêm, Bộ Xây dựng đề nghị VICEM rà soát, căn cứ đơn giá, định mức và khối lượng công việc thực tế phát sinh bổ sung vào dự toán chi phí cổ phần hóa theo quy định của pháp luật.

Hồi tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chốt lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại Vicem, theo đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ tại tổng công ty này đến hết năm 2019. Năm 2020, điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Vicem xuống dưới 50% theo đúng quy định.

Đối với Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long và Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao, hoàn thiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước 65,76% tại Xi măng Hạ Long từ Tổng công ty Sông Đà về Vicem; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước 80,79% tại Xi măng Sông Thao từ HUD về Vicem.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng Vicem thực hiện tái cơ cấu toàn diện các Công ty cổ phần Xi măng: Hạ Long, Sông Thao, bảo đảm các công ty ổn định và phát triển, cân nhắc, tính toán về nguồn vốn cho phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, trách nhiệm trả nợ vay của công ty này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo Vicem phải tiến hành cổ phần hóa ngay trong năm 2017.

Tin mới lên