Diễn đàn VNF

Viện trưởng CIEM: ‘Nếu không cải cách thể chế triệt để sẽ khó tạo sức bật cho doanh nghiệp’

(VNF) - TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện CIEM, nhấn mạnh thời gian tới nếu không thực hiện cải cách thể chế triệt để và căn cơ sẽ khó để tạo ra sức bật cho doanh nghiệp, cũng như thay đổi về cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh.

Viện trưởng CIEM: ‘Nếu không cải cách thể chế triệt để sẽ khó tạo sức bật cho doanh nghiệp’

TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện CIEM.

Cũng đề cập đến khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, tại diễn đàn "Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp vượt sóng”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI, đánh giá doanh nghiệp Việt Nam đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

“Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân một tháng, cứ có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước”, ông Phòng nói.

Ở góc độ chuyên gia, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhìn nhận, trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh đất nước không ngừng cải cách. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều thách thức phải đối mặt trong năm 2023 trong khi bình diện vĩ mô chưa có thêm ý tưởng và động lực mới cho quá trình cải cách.

“Mặc dù, trong thời gian qua, nhà nước đã có chủ trương và luôn nhấn mạnh mở rộng không gian cho các hoạt động kinh tế mới, nhưng nếu không thực hiện cải cách thể chế triệt để và căn cơ sẽ khó để tạo ra sức bật cho doanh nghiệp, cũng như thay đổi về cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương, còn bản thân các doanh nghiệp cần sự chủ động vượt khó vươn lên”, bà Minh nhấn mạnh.

Cũng theo bà Minh, Chính phủ đã ban hành cơ sở ban đầu để thực thi các mô hình kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

“Đây là điểm quan trọng để tạo ra cơ chế về thể chế, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp có cơ chế để thực thi. Nhưng để đưa vào thực tế vẫn sẽ còn nhiều khó khăn”, bà Minh nói.

Ngoài ra, bà Minh cũng nhấn mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan trong tiến trình cải cách vẫn là nội dung cần tập trung nhấn mạnh và nghiên cứu giải quyết nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng giúp đỡ doanh nghiệp.

Theo bà Minh trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì cải cách gắn liền phục hồi, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô.

“Quá trình cải cách phải thực hiện liên tục trong suốt quá trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, trong quá trình phục hồi, cần xem xét lại vai trò của nhà nước và không gian cho khu vực tư nhân phát triển nhằm huy động toàn bộ các nguồn lực cho phát triển”, bà Minh nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Minh cho rằng phải có cơ chế để người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh; phải hoàn thiện nhiều chính sách, trong đó chính sách cạnh tranh là chính sách quan trọng để nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh mới.

Trong khi đó, đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Phó chủ tịch VCCI cho biết, trong văn bản góp ý nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.

Mục tiêu của VCCI mong muốn là doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, và tỷ lệ này tăng lên 20% vào năm 2030. Đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn. VCCI cũng đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất.

Tin mới lên