Tiêu điểm

Việt Nam có cần một gói kích cầu kinh tế để đối phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán?

(VNF) – Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (do virus corona chủng mới gây ra) đang tạo ra thách thức lớn cho Chính phủ trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020.

Việt Nam có cần một gói kích cầu kinh tế để đối phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán?

Việt Nam có cần một gói kích cầu kinh tế để đối phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán?

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch viêm phổi Vũ Hán được khống chế kịp thời trong quí I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).

Trường hợp dịch bệnh kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quí II là 5,81%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).

Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.

Trước câu hỏi “Việt Nam có cần đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế như một nước ứng phó với dịch bệnh?”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương nói đây là một trong những chính sách để khắc phục tác động của dịch cúm đến tăng trưởng.

Trong kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 gói giải pháp rõ ràng. Thứ nhất trong bối cảnh dịch đang diễn ra thì tập trung ưu tiên vào các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm soát dịch vì đây là thời điểm chúng ta cần dành sức lực, nguồn lực kiểm soát dịch. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị gói giải pháp thứ 2 là giải pháp khắc phục thiệt hại cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Các gói hỗ trợ cũng là những phương án cần phải tính đến, tuy nhiên còn tùy thuộc vào một số yếu tố như nguồn lực chúng ta có bao nhiêu và hỗ trợ đối tượng nào, đây là giải pháp cũng cần tính toán.

"Trước mắt, chúng ta thấy rằng ngay bây giờ, có một số đối tượng đang chịu thiệt hại như người nông dân trồng thanh long, dưa hấu… Do vậy cũng giống như hỗ trợ đối với dịch lợn, đối tượng hỗ trợ như thế nào, mức độ hỗ trợ bao nhiêu và phương thức hỗ trợ như thế nào đều cần có những tính toán cụ thể. Đây là những cái mà chúng tôi dự kiến trong gói giải pháp sau khi dịch bệnh đi qua và khẩn trương phục hồi sản xuất kinh doanh", ông Phương nói.

Ngoài ra, ông Phương cũng cho hay Chính phủ còn một số giải pháp khác, trong đó có một số giải pháp như Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

"Năm nay có nhiều đổi mới về mặt thủ tục, quy định, do vậy khả năng giải ngân có tốt hay không phụ thuộc vào việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục đưa các dự án chuẩn bị cấp phép, các dự án mới sớm đi vào hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng", ông Phương thông tin.

Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng, cho rằng cần phải có cái nhìn tổng thể nền kinh tế và tình hình dịch bệnh.

“Đến thời điểm này, ta chưa đặt vấn đề như vậy. Nếu như dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn, Chính phủ mới phải bàn đến, vì ta phải đảm bảo các chỉ tiêu vĩ mô, lạm phát, đó là những vấn đề ta phải cân nhắc. Các nước như thế nhưng ta chưa đến mức đặt vấn đề (kích cầu – PV)”, ông Dũng nói.

Tin mới lên