Công nghệ

Việt Nam đã chính thức có đề án quản lý Bitcoin

(VNF) - Theo bản đề án vừa được duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện cho các Bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề về tiền ảo và tài sản ảo.

Việt Nam đã chính thức có đề án quản lý Bitcoin

Bitcoin bị biến tướng thành lừa đảo tại Việt Nam

Đề án được đưa ra xây dựng với mục tiêu nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ của tài sản ảo với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật. 

Bên cạnh đó, sẽ rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam, kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan Nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan.

Cụ thể, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì công tác rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam để tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan. Đồng thời, tổ chức các hội thảo, tọa đàm để nhận diện, làm rõ vai trò của tài sản ảo, tiền ảo và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2018.

Bộ này cũng là cơ quan chủ trì lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 vào tháng 12/2019.

Ngoài việc đưa tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử vào khuôn khổ, Chính phủ nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung luật quản lý với các phát sinh trong bối cảnh mới, trên cơ sở học tập kinh nghiệm quản lý ở Mỹ, EU, Nhật Bản...

Ở Việt Nam, hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, quy mô, phạm vi mở rộng từ các thành phố lớn lan rộng tới các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… Nhưng việc hiểu biết không đầy đủ về tiền ảo khiến những người tham gia chịu rủi ro lớn khi lao vào cuộc chơi này.

Bộ Tư pháp nhận định, dù Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận, nhưng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu của riêng Bitcoin là hơn 50 tỷ USD, kéo theo đó là những tranh chấp dân sự, thương mại, tội phạm... nên không thể nằm ngoài vùng quản lý, giám sát.

Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan chủ trì các nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp về về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử trình Chính phủ vào 8/2018. 

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9 năm 2019.

Trong khi đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo vào 6/2019. Trong đó, sẽ chú trọng đến việc nghiên cứu đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. 

Bộ Công an sẽ đưa các biện pháp đề xuất phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9/2019.

Ngoài ra, cho đến cuối năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Tin mới lên