Thị trường

Việt Nam đang mua điện từ Lào, Trung Quốc và bán điện cho Campuchia như thế nào?

(VNF) – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc lên 3,6 tỷ kWh/năm từ năm 2021với giá điện giữ nguyên như hợp đồng hiện nay.

Việt Nam đang mua điện từ Lào, Trung Quốc và bán điện cho Campuchia như thế nào?

Việt Nam đang mua điện từ Lào, Trung Quốc và bán điện cho Campuchia như thế nào?

Nhập khẩu điện từ Lào: Nhiều dự án ngưng trệ

Theo MOU giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào 2016 và Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện, công suất trao đổi tối thiểu giữa Việt Nam - Lào đến năm 2020 khoảng 1.000 MW, đến năm 2025 khoảng 3.000 MW và đến 2030 khoảng 5.000 MW.

Ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 1889/TTg-CN đồng ý chủ trương nhập khẩu điện từ cụm nhà máy thủy điện Nậm Sum (Lào) và bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện phục vụ đấu nối.

Cụ thể, Thủ tướng chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ cụm nhà máy thủy điện Nậm Sum với tổng công suất 265 MW, bao gồm các dự án nhà máy thủy điện Nậm Sum 1A (công suất 50 MW), Nậm Sum 1B (công suất 14 MW), Nậm Sum 3 (công suất 156 MW), Nậm Sum 3A (công suất 45 MW), dự kiến nhập khẩu năm 2021-2022;

Đồng thời bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh công trình đường dây 220 kV từ trạm cắt 220 kV Nậm Sum - Nông Cống (phần đường dây trên lãnh thổ Việt Nam, chiều dài khoảng 115 km), dây dẫn ACSR-2x330 mm2 để tiếp nhận công suất từ cụm nhà máy thủy điện Nậm Sum bán điện về Việt Nam, vận hành năm 2021-2022.

Ngày 23/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 241/TTg-QHQT đồng ý nguyên tắc xác định giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam và mức giá trần (giá tối đa) nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Cụ thể, đối với loại hình nhà máy thủy điện, giá là 6,95 USCent/kWh; đối với loại hình nhà máy nhiệt điện than, giá là 7,02 USCen/kWh.

Mức giá trần (giá tối đa) nhập khẩu điện từ Lào áp dụng đối với các nhà máy điện vận hành trước ngày 31/12/2025 và được áp dụng trong cả đời dự án là 25 năm.

Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1541/BCT-ĐL ngày 11/3/2019 và Văn bản số 4377/BCT-ĐL ngày 20/6/2019 hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam về giá điện và hợp đồng mua bán điện nhập khẩu từ nhà máy thủy điện Nậm Sum 3.

Về nghiên cứu liên kết hệ thống điện giữa Việt Nam và Lào, EVN đã hoàn thành đề án gửi Công ty Điện lực Lào (tháng 1/2017), đồng thời Bộ Công Thương đã có ý kiến với Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, tuy nhiên đến nay chưa có phản hồi từ phía Lào.

EVN đã đàm phán, ký biên bản ghi nhớ với một số nhà đầu tư các dự án nguồn điện tại Lào bán điện về Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên một số dự án nguồn điện tại Lào chưa thể triển khai nên việc đàm phán tạm dừng như: nhiệt điện Xê Kông 2 (900 MW), nhiệt điện than tại tỉnh Khăm Muộn (1.800 MW), các nhà máy thủy điện Xekong 3A, 3B, Xekong 5, cụm nhà máy thủy điện Nậm Mô... trong đó dự án nhiệt điện Xê Kông 1 (900 MW) đã được EVN nghiên cứu và báo cáo Bộ Công Thương chủ trương nhập khẩu và phương án liên kết.

Hiện nay, EVN đang tiếp tục phối hợp các nhà đầu tư để nghiên cứu phương án nhập khẩu điện từ Lào như sau:

Cụm nhà máy thủy điện Nậm Sum (256 MW) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương và bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện liên kết. EVN đang tiếp tục đàm phán với chủ đầu tư về giá điện (giá bán điện nhà đầu tư chào đang cao hơn so với khung giá mua điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Đối với cụm nhà máy thủy điện Nậm Kong (280 MW), Nậm E-Moun (129 MW), EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về chủ trương nhập khẩu điện và phương án liên kết đấu nối về Việt Nam. Tuy nhiên, chủ đầu tư các dự án nhà máy thủy điện Xekaman 1&3 không chấp thuận đấu nối chung vào các đường dây liên kết 220 kV hiện hữu nên EVN đã phối hợp chủ đầu tư đề xuất phương án đấu nối mới và  trình lại Bộ Công Thương trong tháng 6/2019.

Hiện nay Bộ Công Thương đang chờ ý kiến của bộ, ngành để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương nhập khẩu điện.

EVN cũng đang phối hợp với EDL và tiếp xúc chủ đầu tư cụm dự án nhà máy thủy điện Nậm Ou  (~950 MW) nghiên cứu phương án đấu nối về Việt Nam.

Hiện nay, EVN đang tiếp tục nghiên cứu, phối hợp và làm việc với các chủ đầu tư phía Lào để đề xuất bán điện cho Việt Nam, nhằm đáp ứng chủ trương giữa hai Chính phủ đã ký MOU và các chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Nhập khẩu điện từ Trung Quốc: Sẽ nhập tới 9 tỷ kWh từ năm 2023

Cuối tháng 5/2019, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 465/BC-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Trung Quốc giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo, giai đoạn 2021-2022, Việt Nam sẽ mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu (sẽ hết hạn vào năm 2020) để tiếp tục nhập khẩu qua các đường dây liên kết 220 kV như hiện nay, điều khoản về giá điện giữ nguyên như hợp đồng mua bán điện hiện nay bao gồm cả công thức điều chỉnh giá điện hàng năm.

Trong giai đoạn 2023-2025, Việt Nam sẽ nâng tổng công suất nhập khẩu tại Lào Cai và Hà Giang lên 2.000 MW, sản lượng khoảng 7-9 tỷ kWh/năm. Để nhập khẩu với mục tiêu này, EVN đã đề xuất chủ trương tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc thông qua các trạm chuyển đổi Back-To-Back 220 kV tại Lào Cai và Hà Giang và bổ sung các công trình lưới điện.

Các công trình lưới điện này gồm: treo dây mạch 2 trên đường dây 220 kV từ trạm Back-To-Back - Hà Giang, tiến độ vận hành năm 2022-2023; xây dựng mới đường dây 220 kV mạch kép từ trạm Back-To-Back (Hà Giang) - Bắc Quang, chiều dài khoảng 55 km, tiến độ vận hành năm 2023-2024; đường dây 220 kV mạch kép Bảo Thắng - trạm Back-To-Back (Lào Cai), chiều dài khoảng 40 km, tiến độ vận hành năm 2022-2023.

Giai đoạn sau năm 2025, EVN sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc về phương án nhập khẩu ở cấp điện áp 500 kV tại Lào Cai và báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đến nay, EVN đã đàm phán với Công ty điện lưới điện phương Nam Trung Quốc (CSG) về các giải pháp liên kết để tăng cường nhập khẩu điện Trung Quốc.

Theo báo cáo của EVN, Việt Nam sẽ mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc lên 3,6 tỷ kWh/năm từ năm 2021với giá điện giữ nguyên như hợp đồng hiện nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam thực hiện liên kết qua các trạm chuyển đổi Back-To-Back tại Lào Cai và Hà Giang để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc lên ~9 tỷ kWh/năm từ năm 2023.

Với phương án này, phía CSG đầu tư 02 trạm Back-to-Back 220 kV, công suất 1.000MW/trạm gần biên giới, phía Việt Nam đầu tư thêm một số công trình lưới điện 220 kV để tăng khả năng tiếp nhận. Giá điện nhập khẩu là 6,86 cent/kWh ứng với tỷ giá 1 USD = 6,5342 Nhân dân Tệ (RMB) và sẽ điều chỉnh theo tỷ giá giữa USD/RMB từng năm.

Với giải pháp tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, EVN cho rằng có thể thực hiện ngay để tăng công suất và sản lượng điện từ năm 2021, giải quyết được một phần tình trạng thiếu điện trong thời gian tới.

Tập đoàn cũng cho hay giá mua điện Trung Quốc cạnh tranh hơn so với khung giá mua điện từ Lào và thấp hơn mức giá trung bình của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay (trên 7 cent/kWh).

Bán điện cho Campuchia: Xem xét nâng công suất bán lên 250 MW

Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 424/BC-BCT ngày 20/5/2019 báo cáo về đề xuất của EVN về việc nâng công suất bán điện và gia hạn hợp đồng mua bán điện với Campuchia.

Trong đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng công suất bán điện cho Campuchia thêm 50 MW (từ 200 MW lên thành 250 MW), đồng thời giao cho EVN làm việc với Tổng công ty Điện lực Campuchia bổ sung thêm điều khoản hợp đồng về việc EVN sẽ giảm công suất bán điện cho Campuchia trong trường hợp Việt Nam xảy ra tình trạng thiếu điện.

Tin mới lên