Tài chính

Việt Nam đang 'nhập siêu' nội dung số nhưng thất thu thuế!

Bức tranh ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam đang “méo mó”, cần khung pháp lý tạo sân chơi bình đẳng và phát triển bền vững.

Việt Nam đang 'nhập siêu' nội dung số nhưng thất thu thuế!

Việt Nam đang 'nhập siêu' nội dung số nhưng thất thu thuế. (Ảnh minh họa)

Dịch vụ nội dung số đang thay đổi cách chúng ta tạo ra và sử dụng nội dung. Ở châu Á, ngành này tuy còn non trẻ nhưng tương lai sẽ tăng trưởng rất mạnh mẽ. Xuất phát từ nhu cầu lớn về nội dung địa phương của người dùng châu Á sẽ thúc đẩy đầu tư vào việc sản xuất nội dung địa phương chất lượng cao, tạo ra nhiều cơ hội cho cả hệ sinh thái.

Nhiều chuyên gia nhận định, sự khác biệt trong cách thức vận hành và tác động đến nền kinh tế của nội dung số so với các hình thức giải trí truyền thống đang đặt ra bài toán về quản lý cho các cơ quan chức năng tương tự như chuyện quản lý xe taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Việc cần thiết hiện nay là xác định chính sách sẽ giúp cho việc quản lý, vận hành được hiệu quả nhất, đồng thời vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia?

Tuy nhiên phải nhìn nhận vấn đề là sức ảnh hưởng của nội dung số tại Việt Nam chưa hoàn toàn được hiểu rõ cũng như đánh giá cụ thể, qua đó có các hoạch định chính sách nhằm quản lý cũng như tạo cơ hội phát triển cho ngành này.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số, Nguyên Tổng Giám đốc VTC nhận định, hiện Việt Nam đang có một bức tranh “méo mó” về nội dung số hay nói cách khác sân chơi nội dung số đang bất bình đẳng.

Theo ông Cường, một thành phần công dân số trên các nền tảng mạng xã hội hiện có đầy đủ các công cụ để tự sản xuất nội dung và họ kinh doanh trên nội dung tự sản xuất nhờ tầm ảnh hưởng đối với số lượng khách hàng trên phạm vi mạng xã hội. Những đối tượng này không tuân thủ chính sách thuế, chính sách cộng đồng như thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật… Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn gặp khó khi chưa làm chủ được công nghệ để quản lý được nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó là một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ nội dung số xuyên biên giới không thực hiện nghĩa vụ thuế nào cho Việt Nam dù doanh thu quảng cáo chiếm tới 70% tổng doanh thu quảng cáo, đồng thời buông lỏng sự quản lý từ thuần phong mỹ tục đến bản quyền… cơ quan quản lý Việt Nam cũng thiếu các công cụ để kiểm soát.

Trong khi đó, nhóm các doanh nghiệp lĩnh vực nội dung số cả trong nước và quốc tế, những đối tượng tuân thủ đầy đủ chính sách thuế, chính sách cộng đồng của Việt Nam, tôn trọng bản quyền, sáng tạo… thì đang phải chịu sự quản lý chặt chẽ và khá gắt gao từ việc cấp phép, kiểm duyệt nội dung, quảng cáo…

Bức tranh nội dung số còn “méo mó” ở điểm Việt Nam đang phải “nhập siêu” nội dung số khi có quá thiếu và quá yếu các chương trình thuần Việt có chất lượng, hấp dẫn người xem. Điều này gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định tỷ lệ chương trình trong nước trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng internet không thấp hơn 30%.

Ông Lê Văn Khương, đại diện Viettel TV cho rằng doanh nghiệp cần chi phí để duy trì phát triển nội dung, trong đó thị trường và nhu cầu người dùng mới quyết định được thành phần nội dung của nền tảng.

"Nếu chúng tôi thực hiện đúng quy định 30% nội dung chương trình là trong nước nhưng lại không hay, không hấp dẫn thì khách hàng không đến với chúng tôi. Chúng tôi không thể thu phí để duy trì doanh nghiệp chứ chưa nói đến phát triển", ông Khương cho hay.

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, hiện doanh thu về nội dung số của Việt Nam chỉ đạt 1/4 đến 1/3 so với các nước trong khu vực. Đáng lẽ khả năng có thể đạt 4 tỷ USD, Việt Nam hiện mới đạt khoảng 1 tỷ USD.

“Điều này chứng tỏ chúng ta đang có vấn đề ở đâu đó, có thể là về chính sách. Để khắc phục việc này, Bộ TT&TT trong năm 2019 sẽ tìm chiến lược phát triển ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam ít nhất cũng ngang bằng tỷ lệ với các nước trong khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tin mới lên