Tiêu điểm

Việt Nam đề nghị EU hỗ trợ ASEAN tiếp cận vaccine kịp thời, đầy đủ

(VNF) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị EU hỗ trợ ASEAN tiếp cận vaccine kịp thời và đầy đủ, xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và nâng cao tự cường, tự chủ vaccine tại khu vực.

Việt Nam đề nghị EU hỗ trợ ASEAN tiếp cận vaccine kịp thời, đầy đủ

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Chiều 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU. Đây là hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan.

Tại hội nghị, đại diện EU nhấn mạnh EU luôn coi trọng quan hệ với ASEAN, mong muốn phối hợp với ASEAN tận dụng hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Đại diện EU hoan nghênh việc hai bên vừa kết thúc đàm phán Hiệp định vận tải hàng không toàn diện (CATA), nối liền 37 quốc gia thành viên của hai tổ chức khu vực, góp phần tăng cường kết nối người dân và các nỗ lực phục hồi.

Đại diện EU cũng cho biết đã đóng góp hơn 3 tỷ Euro qua cơ chế COVAX hỗ trợ vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó cung cấp 33 triệu liều vaccine và sẽ tiếp tục cung ứng cho các nước Đông Nam Á.

Thay mặt ASEAN, với tư cách là nước điều phối quan hệ, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore khẳng định EU luôn là đối tác quan trọng của ASEAN và hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác hai bên thời gian qua.

EU là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào ASEAN với tổng số vốn 7,6 tỷ USD và là đối tác thương mại của ASEAN với tổng kim ngạch đạt 258 tỷ USD trong năm 2020.

Các nước ASEAN đánh giá cao EU triển khai chương trình Đội châu Âu (Team Europe) trị giá 800 triệu Euro hỗ trợ ASEAN phòng chống dịch bệnh và chương trình “Sẵn sàng ứng phó đại dịch tại Đông Nam Á” trị giá 20 triệu Euro tại khu vực; đồng thời đề nghị EU tiếp tục ủng hộ các sáng kiến phòng chống Covid-19 của ASEAN cũng như phối hợp bảo đảm tiếp cận, cung ứng, nghiên cứu và phát triển vaccine an toàn, đồng đều và hiệu quả tại khu vực.

Đại diện EU đề nghị thời gian tới hai bên cần tập trung ưu tiên hợp tác thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư, kết nối, chuyển đổi số, kinh tế số, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững, phối hợp sớm khởi động đối thoại về năng lượng.

ASEAN và EU nhất trí phối hợp xem xét khả năng xây dựng Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-EU trong tương lai và sớm ký kết Hiệp định CATA.

Các bên nêu rõ tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, ủng hộ đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình hay gia tăng tranh chấp, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982.

ASEAN và EU khẳng định ủng hộ các nỗ lực nối lại đàm phán hướng tới bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị EU hỗ trợ ASEAN tiếp cận vaccine kịp thời và đầy đủ, xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và nâng cao tự cường, tự chủ vaccine tại khu vực.

Bộ trưởng cũng đề nghị EU là đối tác kinh tế hàng đầu của ASEAN, cần tăng cường phối hợp với ASEAN ổn định kết nối chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi trao đổi thương mại, đầu tư, nghiên cứu khả năng xây dựng FTA ASEAN - EU trên cơ sở các FTA song phương đã có giữa EU với một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Nhấn mạnh các nước ASEAN và EU đều chia sẻ lợi ích và trách nhiệm duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN và của Việt Nam về Biển Đông.

Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau, kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, gia tăng tranh chấp hay gây hại đối với môi trường biển, giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

ASEAN đang tích cực phối hợp sớm hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Bộ trưởng tái khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương. Bộ trưởng nhấn mạnh quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển được qui định trong UNCLOS 1982 phải được tôn trọng.

Xem thêm >> Việt Nam và Mỹ phối hợp chuẩn bị cho chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris

Tin mới lên