Tài chính quốc tế

Việt Nam đứng thứ 2 châu Á Thái Bình Dương về tỷ lệ hối lộ dịch vụ công

(VNF) - Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ hối lộ dịch vụ công cao nhất với 70% những người tham gia khảo sát cho biết họ đã thực hiện việc đút lót. Việt Nam là quốc gia tiếp theo, với tỷ lệ 65%, theo sau là Thái Lan, Pakistan, Campuchia và Myanmar.

Việt Nam đứng thứ 2 châu Á Thái Bình Dương về tỷ lệ hối lộ dịch vụ công

Ảnh minh họa

Theo khảo sát gần đây bởi tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), cứ 4 người tại châu Á thì có khoảng hơn 1 người phải trả các khoản hối lộ để nhận được các dịch vụ công cộng cơ bản như giáo dục, chăm sóc sức khỏe.

Khảo sát được thực hiện trên 21.861 người tại 16 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á – Thái Bình Dương, ước tính cho thấy, khoảng 900 triệu người đã trả các khoản hối lộ trong năm ngoái để nhận được các dịch vụ công cộng cơ bản.

Ấn Độ là quốc gia tệ nhất, với gần 70% những người tham gia khảo sát cho biết họ đã thực hiện việc hối lộ. Tham nhũng tràn lan là một trong những yếu tố thúc đẩy Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đột ngột "khai tử" tờ 500 và 1.000 rupee ra khỏi hệ thống tài chính nước này.

Việt Nam là xếp thứ 2 châu Á – Thái Bình Dương, với tỷ lệ 65% người tham gia khảo sát cho biết phải trả các khoản hối lộ để nhận được dịch vụ công. Theo sau là Thái Lan, Pakistan, Campuchia và Myanmar.

Theo bản đồ do Transparency International cung cấp, Việt Nam có tỷ lệ tham nhũng là 65%.

Một điều đáng ngạc nhiên là chỉ 26% người Trung Quốc tham gia khảo sát cho biết họ từng phải hối lộ. Tuy nhiên, 73% số người này nhận xét tình trạng tham nhũng đã tăng mạnh trong năm qua, mức cao nhất trong số các quốc gia có mặt trong khảo sát.

Khảo sát cũng cho thấy, cảnh sát là lực lượng bị xem là nhận hối lộ nhiều nhất, với tỷ lệ gần 2 trong 5 người trả lời khảo sát cho biết các nhân viên cảnh sát là đối tượng đa phần hoặc toàn bộ đều nhận hối lộ.

Kết quả này cũng phù hợp với việc gần 1/3 số người tham gia khảo sát cho biết việc hối lộ có liên quan tới cảnh sát nhằm "nhận được hỗ trợ hoặc tránh các khoản phạt".

Tỷ lệ những người cho rằng tham nhũng đã tăng trong năm qua tại các quốc gia.

Theo báo cáo, chỉ có 1 trong số 5 người được hỏi cho rằng mức độ tham nhũng đã giảm, trong khi một nửa số người trả lời chính phủ đã không làm tốt công tác chống tham nhũng. 38% những người nghèo nhất được hỏi nói rằng họ đã phải trả tiền tham nhũng. Tỷ lệ này cao hơn so với ở các nhóm người có thu nhập cao hơn.

"Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đạt được sự phát triển bền vững và công bằng. Điều này chỉ có thể có được bằng cách đảm bảo rằng việc các dịch vụ công phải thúc đẩy lợi ích chung. Tham nhũng làm xói mòn nỗ lực phát triển, bóp méo quá trình dân chủ và cổ vũ cho những lợi ích cá nhân thay vì lợi ích cộng đồng... Các chính phủ cần tiến hành các cam kết chống tham nhũng, bằng biện pháp chính sách và thực tiễn hành động tại quốc gia", khảo sát trên cho biết.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International viết tắt là TI) là một tổ chức phi chính phủ độc lập hoạt động trong lĩnh vực chống tham nhũng. Tổ chức này được luật sư Peter Eigen, một cựu giám đốc ngân hàng thế giới cho Đông Phi, và những người cùng ý tưởng thành lập. Trụ sở của TI đặt ở thủ đô Berlin, Đức. Ngoài Đức, TI còn có chi nhánh tại hơn 100 quốc gia khác.

Tin mới lên