Tiêu điểm

Việt Nam lên tiếng trước việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP

(VNF) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Chiều 23/9, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“CPTPP là một Hiệp định Thương mại tự do mở với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế thành viên.

Việc Hiệp định CPTPP được các nền kinh tế khác quan tâm và mong muốn trở thành thành viên cho thấy vai trò ngày càng tăng của Hiệp định trong thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, thương mại khu vực và quốc tế”.

Bà Hằng cho hay, theo các quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập cần đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định cũng như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới.

“Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia Hiệp định này”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 16/9, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã gửi đơn xin gia nhập CPTPP tới Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Demien O'Connor.

Bộ trưởng hai nước đã điện đàm để trao đổi về những công việc tiếp theo liên quan đến việc Trung Quốc chính thức xin gia nhập hiệp định này.

Cho tới nay, Malaysia và Singpaore là hai nước của CPTPP đã chính thức lên tiếng ủng hộ động thái này của Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một số nước thành viên thận trọng với việc Trung Quốc gia nhập CPTPP.

Nhật Bản, nước giữ vai trò chủ tịch CPTPP năm nay và có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, cho biết nước này sẽ tham vấn các nước và phân tích cẩn thận để xem Trung Quốc có sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu tham gia CPTPP hay không.

Bên cạnh đó, Australia cũng có thể là trở ngại lớn khi quan hệ giữa nước này và Trung Quốc đang ở mức thấp vì căng thẳng ngoại giao, chính trị, thương mại.

Hiệp định CPTPP được hình thành vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.

Đối với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

CPTPP đứng thứ ba trong số các hiệp định thương mại tự do lớn nhất sau RCEP (trị giá 26.000 tỷ USD) và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (trị giá 21.100 tỷ USD).

Việc Trung Quốc tham gia sẽ đưa CPTPP trở thành hiệp định thương mại tự do có giá trị nhất từng được ký kết. Hiện 11 nước thành viên CPTTP có tổng giá trị kinh tế trị giá khoảng 13.500 tỷ USD, tương đương khoảng 13% GDP toàn cầu.

Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, tổng GDP của các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Xem thêm >> Mỹ cam kết hỗ trợ 1,1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho cuộc chiến chống dịch toàn cầu

Tin mới lên