Tiêu điểm

Việt Nam sẽ có 10 công ty công nghệ tỷ USD vào năm 2030?

(VNF) - Theo Dự thảo chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có ít nhất 5 công ty công nghệ giá trị trên 1 tỷ USD (hay còn gọi là kỳ lân- unicorn) và tăng gấp đôi vào năm 2030.

Việt Nam sẽ có 10 công ty công nghệ tỷ USD vào năm 2030?

Việt Nam sẽ có ít nhất 5 công ty công nghệ giá trị trên 1 tỷ USD và tăng gấp đôi vào năm 2030

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Dự thảo chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến năm 2030.

Theo dự thảo này, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có ít nhất 5 công ty công nghệ giá trị trên 1 tỷ USD (hay còn gọi là kỳ lân - unicorn) và tăng gấp đôi vào năm 2030. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng một trong các công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và tăng lên 40% trong năm 2030.

Cũng theo dự thảo, tổng đầu tư xã hội cho R&D đạt ít nhất 1,5% GDP đến năm 2025 và tăng lên 2% GDP vào năm 2030.

Cùng với đó là mục tiêu 11 năm nữa, Việt Nam nằm trong nhóm 30 nước dẫn đầu về số sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với nền kinh tế Việt Nam, CMCN 4.0 có thể đem lại lợi ích rất đáng kể. Đến năm 2030, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp, tương đương với mức tăng thêm từ 7-16% GDP (so với kịch bản không tham gia CMCN 4.0).

CMCN 4.0 cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc việc làm của nền kinh tế nhưng sẽ làm tăng ròng từ 1,3 - 3,1 triệu việc làm. Đến năm 2030, năng suất lao động tính bằng GDP/lao động sẽ tăng thêm từ 315 - 640 USD.

Để thực hiện thành công chiến lược, dự thảo đưa ra 2 phương án xây dựng bộ máy chuyên trách. Thứ nhất là kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi tên thành "Ban chỉ đạo quốc gia về Tăng trưởng và CMCN 4.0". Thứ 2 là lập Ủy ban quốc gia về CMCN 4.0.

Việt Nam đã có nhiều yếu tố cần thiết để tham gia CMCN 4.0. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là về thể chế và chính sách để có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp này.

Việt Nam được đánh giá có mức độ sẵn sàng tham gia CMCN 4.0 khá thấp. Theo báo cáo sẵn sàng cho sản xuất tương lai năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam được xếp vào nhóm non trẻ (Nascent), ở vị trí 53 về động lực sản xuất và vị trí 48 về cấu trúc sản xuất.

Về thể chế kinh tế phục vụ việc tham gia CMCN 4.0, chất lượng thể chế của Việt Nam được đánh giá chưa cao. Việt Nam hiện đang xếp vị trí 94/140 nền kinh tế về chỉ số thể chế trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF (năm 2018).

Về nguồn nhân lực, Việt Nam còn thiếu các kỹ sư công nghệ, nhất là ở kỹ sư có trình độ cao và năng lực quản lý, trình độ, kỹ năng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các công ty công nghệ hiện nay và trong tương lai.

Trong khi đó, các cơ sở đào tạo chậm thay đổi, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường cả về số lượng và chất lượng. Ở cấp phổ thông, nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là về công nghệ thông tin và tiếng Anh, chưa được đào tạo đúng mức.

Tin mới lên