Diễn đàn VNF

'Việt Nam sẽ hết cơ hội tranh thủ cơ cấu dân số vàng nếu không tăng tốc phát triển nhân lực'

(VNF) - TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết sau đại dịch, tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng đã diễn ra tại nhiều địa phương tại nhiều địa phương.

'Việt Nam sẽ hết cơ hội tranh thủ cơ cấu dân số vàng nếu không tăng tốc phát triển nhân lực'

TS Trương Anh Dũng

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng lao động trực tiếp tham gia sản xuất, có kỹ năng tay nghề cao ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trong khi lực lượng lao động này đang thiếu hụt, số lượng tham gia học nghề lại sụt giảm, nhiều lao động vẫn chưa mặn mà với học nghề, từ đó gây ra rào cản cho quá trình phục hồi, phát triển nền kinh tế.

- Ông đánh giá như thế nào về sự phục hồi của thị trường lao động sau dịch?

TS Trương Anh Dũng: Trải qua 2 năm “bão” dịch, khi bắt tay vào phục hồi kinh tế, nhiều địa phương thiếu hụt trầm trọng lao động. Đơn cử như ngành du lịch, có tới 80% lao động bỏ việc, nghỉ việc. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn phải vay mượn lao động để tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất vẫn là thiếu hụt kỹ năng lao động, điều này tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất.

Vừa rồi, tôi cùng có dịp làm việc với nhiều địa phương. Tại đây, nhiều bí thư, chủ tịch đặt vấn đề với chúng tôi, làm sao để có thể cung ứng được hàng loạt kỹ năng nghề trong thời gian tới? Làm sao để doanh nghiệp khi đầu tư vào địa phương có thể yên tâm phát triển bởi họ có lực lượng lao động dồi dào sẵn sàng cung ứng… Vấn đề này xuất phát từ thực tế của địa phương nhưng đây cũng là xu thế tất yếu.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, có khoảng 1,2 triệu người thiếu việc làm. Điều này dường như mâu thuẫn với tình trạng thiếu lao động?

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nhân lực có kỹ năng nghề, nhân lực đã qua đào tạo chứ không phải là nhân lực phổ thông chưa qua đào tạo. Và chúng ta đang thiếu trầm trọng nhân lực có kỹ năng nghề. Vấn đề này, nếu không được giải quyết trong thời gian tới thì Việt Nam có thể bỏ lỡ mất chuyến tàu phục hồi và phát triển kinh tế.

- Như vậy, kỹ năng nghề mới là chìa khoá chứ không phải số lượng?

Đúng vậy, đây sẽ là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ XXI. Ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam” năm 2021 (4/10/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư kêu gọi “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng”. Chủ tịch nước khẳng định: “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, đồng thời cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

Ở phạm vị toàn cầu, báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, trong 5 năm tới, trên 80% doanh nghiệp gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; tỷ lệ tự động hóa lên tới 50%, và một tỷ lệ tương ứng người lao động cần được đào tạo lại, bổ sung những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc.

Báo cáo trên kêu gọi các chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19, bởi 79% doanh nghiệp hiện nay không có khả năng ngân sách cho nhiệm vụ này.

Trong khi đó, việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5% - 2%. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã coi kỹ năng là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ XXI bởi nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

- Vậy theo ông, Việt Nam có những lợi thế nào để không ngừng gia tăng đơn vị tiền tệ mới này?

Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng “điểm nghẽn” lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%, chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140, còn ở khoảng cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN.

Tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên nhưng lại làm những vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua, đã tăng từ 12% lên 25%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của chúng ta vẫn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hai thập kỷ rưỡi qua.

Chúng ta sẽ hết cơ hội, hay nói cách khác là “hết giờ” để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

- Thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ có những giải pháp như thế nào để hỗ trợ vấn đề này?

Để tăng cường đào tạo nguồn lao động cho phát triển kinh tế, cần thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, Tổng cục cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho người lao động bị thất nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường đào tạo nghề cho lao động gắn với chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động... Đây vừa là giải pháp mang lại hiệu quả tức thì, nhưng đồng thời có tác động lâu dài, bền vững đến thị trường và yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Điều này thể hiện rõ nét qua những chỉ đạo của Tổng cục và nỗ lực triển khai của các trường trong dạy học trực tuyến, đặc biệt qua hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc và kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2021 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng trực tuyến… đánh dấu những nỗ lực bước đầu, tạo nền tảng thay đổi về nhận thức trong quá trình chuyển đổi số của giáo dục nghề nghiệp.

- Về phần mình, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần làm gì để phát huy vai trò của mình trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế?

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nhanh chóng thích ứng để thay đổi phương thức trong đào tạo mở, linh hoạt, chú trọng tham gia đào tạo thường xuyên lực lượng lao động; có kế hoạch điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo dựa theo chuẩn đầu ra, bên cạnh kỹ năng cốt lõi cần chú trọng trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho người học.

Đặc biệt, cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo từ xác định nhu cầu từ doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo, quá trình triển khai đào tạo, đánh giá, tuyển dụng…

Tin mới lên