M&A

Vietcombank bán xong 2,3 triệu cổ phiếu HVN, ước lãi hơn 70 tỷ đồng

(VNF) - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE:VCB) vừa thông báo đã hoàn tất bán ra hơn 2,3 triệu cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Vietcombank bán xong 2,3 triệu cổ phiếu HVN, ước lãi hơn 70 tỷ đồng

Vietcombank đang sở hữu 14,8 triệu cổ phiếu, tương đương 1,04% vốn tại HVN.

Giao dịch thực hiện từ 12/3 đến 18/3/2019. Khối lượng Vietcombank bán ra đúng bằng số mà ngân hàng này đã mua vào trong đợt Vietnam Airlines bán ưu đãi cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 6/2018.

Thời điểm Vietcombank bán ra, cổ phiếu HVN tăng mạnh, từ vùng giá 40.800 đồng/cổ phiếu (mở cửa phiên giao dịch ngày 12/3) lên 43.300 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/3). Đây là vùng giá cao nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.

Tạm tính theo vùng giá trên, Vietcombank ghi nhận số lãi khoảng 70 tỷ đồng cho 2,3 triệu cổ phiếu HVN vừa bán ra.

Sau giao dịch này, Vietcombank còn sở hữu 14,8 triệu cổ phiếu, tương đương 1,04% vốn tại HVN. Cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines hiện là Bộ Giao thông Vận tải sở hữu 86,2% vốn, tiếp đến là ANA Holdings Inc. chiếm 8,77% vốn.

Vietnam Airlines cũng đã nộp hồ sơ chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE vào cuối năm 2018. Dự kiến trong tháng 4, hơn 1,4 tỷ cổ phiếu sẽ niêm yết HoSE. Vốn hóa thị trường của HVN khoảng 59.852 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD.

Theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC),  các thủ tục chuyển sàn của Vietnam Airlines đã gần như hoàn tất và không gặp vấn đề vướng mắc gì.

BVSC cho rằng Vietnam Airlines có thể nhận được sự quan tâm nhiều hơn của khối ngoại khi chuyển sàn HoSE, tuy nhiên, tỷ lệ free float của Vietnam Airlines khá thấp (6,22%) và gặp nhiều trở ngại trong việc xét vào các bộ chỉ số.

Cụ thể, đối với Market Vectors Vietnam ETF, tỷ lệ free float (tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng) tối thiểu là 10%, do đó Vietnam Airlines không đủ điều kiện.

"Chỉ khi tiến hành thoái vốn Nhà nước xuống dưới 82,4% thì mới có khả năng được xét vào, tuy nhiên nếu trong trường hợp Nhà nước thoái vốn cho đối tác chiến lược, tỷ lệ free float của Vietnam Airlines cũng sẽ không được cải thiện", BVSC phân tích.

Dự kiến phải đến năm 2020, Nhà nước mới tiến hành thoái vốn tại Vietnam Airlines.

Đối với các quỹ vận hành theo chỉ số VN30, Vietnam Airlines cũng không đủ điều kiện free float trên 10%. Mặc dù VN30 có điều kiện loại trừ: đối với các cổ phiếu có tỷ lệ free float dưới 10% nhưng đảm bảo điều kiện về giá trị vốn hóa nhân với tỷ lệ free float (GTVH-f) lớn hơn trung vị của tập hợp 90% GTVH-f của rổ cổ phiếu vẫn được tham gia vào VN30.

"Tuy nhiên, nếu xét tham chiếu theo giá trị vốn hóa hiện tại, Vietnam Airlines cũng không đạt điều kiện này", BVSC cho hay.

Đối với FTSE Vietnam Index ETF, đây là chỉ số duy nhất Vietnam Airlines đủ điều kiện free float. Với quy định về thời gian niêm yết tối thiểu là 3 tháng, thời gian sớm nhất Vietnam Airlines được xét vào sẽ là kỳ tháng 9/2019.

Tin mới lên