Ngân hàng

Vietcombank liệu có soán ngôi Vinamilk để trở thành ‘quán quân vốn hóa’?

(VNF) – Giá trị vốn hóa của Vinamilk hiện chỉ nhỉnh hơn khoảng 10% so với Vietcombank.

Vietcombank liệu có soán ngôi Vinamilk để trở thành ‘quán quân vốn hóa’?

Vietcombank sẽ sớm trở thành "quán quân" về giá trị vốn hóa?

Liên tục tăng giá trong vài tháng trở lại đây, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang đứng trước áp lực chốt lời khá lớn, đặc biệt là bộ ba cổ phiếu dẫn sóng gồm VCB của Vietcombank, BID của BIDV và CTG của VietinBank.

Chốt phiên giao dịch hôm nay (1/3), VCB giảm 3,12%, về mức 71.500 đồng/cổ phiếu; BID giảm 3,08%, về mức 37.800 đồng/cổ phiếu; CTG giảm 2,68%, về mức 32.700 đồng/cổ phiếu.

Chỉ trong 3 tháng gần đây, VCB đã tăng tới 48%; trong khi CTG tăng 36%, còn BID cũng tăng 48%. Giá trị vốn hóa theo đó cũng tăng phi mã.

Hiện giá trị vốn hóa của Vietcombank đã lên tới 257.240 tỷ đồng, giữ ngôi á quân về giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán, gấp đôi vốn hóa của BIDV (129.227 tỷ đồng) và VietinBank (121.755 tỷ đồng) cộng lại.

Doanh nghiệp giữ ngôi quán quân vốn hóa đang là Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) với 284.484 tỷ đồng, chỉ hơn 10,6% giá trị vốn hóa của Vietcombank. Đồng nghĩa, Vietcombank có thể vượt Vinamilk về giá trị vốn hóa trong một vài phiên giao dịch, thậm chí chỉ trong một phiên.

Theo tính toán, P/E của Vietcombank và Vinamilk đang khá ngang nhau, với Vietcombank là 28,3 lần, còn Vinamilk là 27,6 lần. Tuy nhiên, nếu xét về P/B, tỷ số này của Vietcombank thấp hơn khá nhiều Vinamilk, 4,7 lần so với 11,9 lần.

Dù vậy, Vietcombank và Vinamilk đang hoạt động trong 2 ngành nghề khác nhau nên so sánh P/E và P/B chỉ mang tính tương đối. Thêm vào đó, chênh lệch vốn hóa giữa Vietcombank và Vinamilk hiện khá nhỏ nên việc "soán ngôi" phụ thuộc chủ yếu vào tâm lý nhà đầu tư.

Theo thông tin mới đây từ hãng tin Nikkei của Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết kế hoạch huy động vốn cổ phần của Vietcombank đã được các cơ quan chức năng phê duyệt. Cổ phiếu sẽ được phát hành thông qua đấu giá công khai hoặc chào bán riêng lẻ cho một số lượng hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài.

Lượng bán là 350 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ Vietcombank.

Ông Thành nói thêm rằng, quỹ GIC của Singapore là một trong những khách hàng tiềm năng. Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Vietcombank với 15% cổ phần nắm giữ, sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều khả năng thông tin này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu khi 8 phiên giao dịch gần đây (không kể phiên hôm nay 1/3), cổ phiếu VCB của Vietcombank đã tăng liên tục, trong đó có một phiên tăng trần ngày 23/2.

Triển vọng tăng giá của VCB có thể được hỗ trợ bởi thông tin chính thức về việc bán cổ phần cho nước ngoài, mục tiêu kinh doanh năm 2018 cũng như đà tăng của VN-Index.

Tin mới lên