Ngân hàng

Vietinbank bảo lưu quan điểm xin giữ lại 'cổ tức Nhà nước'

(VNF) - Đại diện Ngân hàng Vietinbank, BIDV đều muốn giữ lại lợi nhuận để tăng vốn như Đại hội đồng cổ đông đã thông qua, trong khi Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm thu hồi "cổ tức Nhà nước".

Vietinbank bảo lưu quan điểm xin giữ lại 'cổ tức Nhà nước'

Nếu 2 ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt, ngân sách sẽ có thêm hơn 4.600 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Ngày 30/5, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và Vietinbank biểu quyết, chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước tại hai ngân hàng trên vào ngân sách nhà nước.

Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành - Phụ trách Nghiên cứu HSC bình luận: "Dường như, Bộ Tài chính đã tính toán khoản thu cổ tức tiền mặt từ các ngân hàng này trong dự toán thu ngân sách năm 2016. Với tình hình ngân sách quốc gia đang hạn hẹp, Bộ Tài chính không sẵn sàng bỏ qua một khoản như vậy".

Nhưng Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của Vietinbank trong tháng 4 đã thông qua việc không chia cổ tức năm 2015. Đại hội đồng cổ đông BIDV thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%. Năm 2015, cả hai ngân hàng đều kinh doanh có lãi lần lượt ở mức 7.036 tỷ đồng và 7.360 tỷ đồng (trước thuế). 

Năm 2015, ngân sách Nhà nước đã nhận được khoảng 3.000 tỷ đồng tiền cổ tức từ BIDV và 2.400 tỷ đồng cổ tức từ Vietinbank cho năm tài chính 2014. Hiện tại, NHNN đang nắm giữ cổ phần chi phối hơn 95% vốn tại BIDV và hơn 64% tại Vietinbank, vì vậy ý kiến của NHNN có tính chất quyết định chủ đạo trong các cuộc họp Đại hội cổ đông.

Theo đánh giá của HSC thì việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt có thể sẽ là một động thái tích cực cho giá cổ phiếu của cả 2 ngân hàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự suy giảm vốn chủ sở hữu cũng không hề nhỏ, trong khi hệ số an toàn vốn tối thiếu (CAR) hiện đang thấp. Do đó, nếu khoản tiền trên phải "rút ra" thì tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2016 cũng như kết quả kinh doanh có thể sẽ bị ảnh hưởng, nếu sự sụt giảm này không được bù đắp nhanh chóng.

Thực trạng hệ số CAR hiện đang rất thấp ở BIDV, chỉ 9,01% đối với ngân hàng mẹ và 9,8% đối với hợp nhất. Tại Vietinbank là khoảng 10%, nên Đại hội cổ đông của hai ngân hàng trên kiến nghị chưa chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm nâng cao hệ số CAR lên.

Báo cáo của HSC cũng cho rằng, có vẻ như ý kiến của Bộ Tài chính đã không được đưa ra kịp thời, và công văn vừa rồi là ý kiến chính thức từ phía cơ quan này. Tổng số tiền cổ tức không hề nhỏ. Giả sử BIDV và Vietinbank chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng ở mức 8,5% và 8%, Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ Vietinbank".

Về phần mình, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết đang đề xuất với Bộ Tài chính cho phép việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn như Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.

Khác biệt về quan điểm đối với khoản "cổ tức nhà nước" này hiện vẫn đang gây tranh cãi. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh bội chi ngân sách đang tăng, Bộ Tài chính có quyền đòi hỏi cổ tức thông qua những người đại diện phần vốn của Nhà nước.

Tuy nhiên, các ngân hàng có lý của mình khi muốn giữ lại lợi nhuận để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và để kinh doanh. Về phía NHNN là cơ quan chủ quản ngành ngân hàng, điều tối quan trọng là các ngân hàng phải đủ vốn, đảm bảo hệ số CAR. Nếu ngân hàng không đủ vốn để hoạt động dẫn tới rủi ro thì cuối cùng NHNN cũng phải chịu trách nhiệm.

Đây là một nghịch lý chính sách và việc giải quyết là không hề dễ dàng đối với Chính phủ trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Hiện vẫn chưa rõ "bên Tài chính", "bên Ngân hàng" sẽ đi đến quyết định cuối cùng như thế nào, song như VietnamFinance đã phân tích trong bài "Góc nhìn VNF: Cổ tức BIDV, Vietinbank và sân bay Nội Bài 2", đây là lúc các quyết định chính sách luôn chịu sức ép rất lớn.

Tin mới lên