Tài chính

Vietjet kỳ vọng lợi nhuận tăng 30%, cân nhắc niêm yết tại Singapore, Hong Kong, Tokyo

(VNF) - Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2017 tăng 30% so với năm ngoái, đồng thời cân nhắc việc niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore, Hong Kong hoặc Tokyo.

Vietjet kỳ vọng lợi nhuận tăng 30%, cân nhắc niêm yết tại Singapore, Hong Kong, Tokyo

Vietjet kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2017 tăng 30% so với năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Kỳ vọng lợi nhuận ròng 2017 tăng 30% 

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2017 tăng 30% so với năm ngoái, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg. Thông tin này được tiết lộ vào thời điểm hãng hàng không này đang chuẩn bị lên Sàn Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào tháng 2 tới đây. 

Bà Thảo cũng cho hay, tổng cộng có 23 nhà đầu tư nước ngoài mua 66,5 triệu cổ phiếu, chiếm 14% cổ phần của Vietjet trong đợt bán cổ phiếu trước khi lên sàn tháng 1 vừa qua. Bà Thảo cũng tiết lộ rằng thương hiệu Vietjet được định giá 1,2 triệu USD.

"Thị trường đang mở rộng nhanh chóng do nhu cầu di chuyển tăng mạnh của khu vực dân số trẻ trong viễn cảnh nền kinh tế đang trên đà phát triển. Chúng tôi đã cố gắng đưa ra mức giá tốt đến với các nhà đầu tư. Vì chúng tôi coi những nhà đầu tư chất lượng là ưu tiên hàng đầu", CEO Vietjet nói.

Vietjet đang kỳ vọng số lượng hành khách trong năm 2017 sẽ tăng 30%. Trong năm 2016, Vietjet đã đạt con số 15 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ.

Đồng thời, Vietjet cũng kỳ vọng trong năm 2017, lợi nhuận sẽ tăng trưởng 30% từ mức 101,8 triệu USD (tương đương 2,3 nghìn tỷ đồng) trong năm 2016. 

Vietjet kỳ vọng trong năm 2017, lợi nhuận sẽ tăng trưởng 30% từ mức 101,8 triệu USD (tương đương 2,3 nghìn tỷ đồng) trong năm 2016

Dự báo của Vietjet được đưa ra trong bối cảnh cố phiếu của các hãng hàng không khác trong khu vực đã giảm mạnh trong năm vừa qua. 17 hãng hàng không thuộc chỉ số Bloomberg Airlines Index tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu hồi phục lại sau khi suy giảm 21% trong năm 2016. Đợt sụt giảm năm 2016 là đợt sụt giảm đầu tiên trong chu kỳ 3 năm và tồi tệ nhất kể từ năm 2011. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân của sự suy giảm có thể đến từ đợt tăng giá dầu mạnh nhất kể từ thời điểm 2009, khiến cho chi phí vận hành máy bay tăng theo. 

Trước đó, vào giữa tháng 12/2016, Bộ Giao thông vận tải cũng đồng ý để 1 cổ đông của Vietjet chuyển nhượng 6.566.000 cổ phần, tương đương 2,626% vốn điều lệ cho 3 nhà đầu tư nước ngoài là Wareham Group Limited (British Virgin Island), Dragon Capital Markets Limited (Cayman Island) và DC Developing Markets Strategies Public Company (Ireland). 

Mức giá chuyển nhượng không được các bên tiết lộ nhưng dao động trong khoảng từ 65,66 tỷ đồng đến 788 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng này đã hoàn tất và được Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội chấp thuận vào ngày 22/12/2016.

Tính tổng cộng, lượng cổ phần chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 24,358% vốn điều lệ và hãng bay này đã có 26 nhà đầu tư nước ngoài trong danh mục cổ đông.

Cũng theo bà Thảo, công ty đã có những cuộc đàm phán với các hãng hàng không khác trong khu vực và các ngân hàng với mục tiêu thu hút thêm nguồn lực cho các dự án đầu tư chiến lược khác. Vietjet dự kiến trong năm tới có thể hợp tác với các hãng hàng không Mỹ để triển khai các chuyến bay liên doanh tới Bắc Mỹ. 

Theo đuổi kế hoạch niêm yết tại nước ngoài

Theo hãng tin Reuters, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết Vietjet có thể cân nhắc việc niêm yết trên sàn Singapore, Hong Kong hoặc Tokyo.

"Vietjet hy vọng sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết thành công trên thị trường vốn quốc tế", CEO Vietjet nói.

Vietjet đã lên kế hoạch niêm yết nước ngoài từ đầu năm 2016, nhưng kế hoạch này tạm đóng băng. Bà Thảo hiện vẫn chưa đưa ra lộ trình cụ thể cho kế hoạch niêm yết này.

Quỹ đầu tư GIC thuộc Chính phủ Singapore và Morgan Stanley là 2 trong số 26 nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia mua tổng cộng 24% cổ phần của Vietjet trong đợt chào bán gần đây, bà Thảo cho biết. Cổ phiếu của Vietjet sẽ bắt đầu được giao dịch trên thị trường Việt Nam trong tháng 2.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết Vietjet có thể cân nhắc việc niêm yết trên sàn Singapore, Hong Kong hoặc Tokyo

Các nhà đầu tư đang tìm cách tiếp cận với hãng hàng không vốn được kỳ vọng là sẽ nắm nhiều thị phần nội địa nhất năm nay, giữa bối cảnh ngành hàng không Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo CEO Vietjet, hãng hàng không này hiện đang mở rộng các đường bay quốc tế và hoàn toàn có đủ nguồn lực tài chính để mở rộng đội bay, bao gồm các kế hoạch đặt mua máy bay từ Airbus và Boeing.

Vietjet hiện đang hoạt động ở 60 đường bay trong và ngoài nước và kỳ vọng sẽ nâng đội bay lên 200 chiếc vào năm 2023. Hãng này đã đặt mua 100 máy bay Boeing 737 MAX 200 với tổng trị giá 11,3 tỷ USD hồi tháng 5 năm ngoái. Cùng với đó, hãng cũng ký hợp đồng 2,4 tỷ USD đặt mua 20 máy bay Airbus A321. Bà Thảo cũng cho hay Vietjet đã vay khoảng 5 nghìn tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9/2016.

Tin mới lên