Tài chính

Vietnam Airlines liệu có ‘cất cánh’ trên sàn HOSE?

(VNF) – Vietnam Airlines liệu có thể "cất cánh" trên sàn HOSE khi bên cạnh những lợi thế lớn, Vietnam Airlines còn có nhiều vấn đề nội tại, lại gặp phải trở lực không nhỏ từ Vietjet Air?

Vietnam Airlines liệu có ‘cất cánh’ trên sàn HOSE?

Trên "đường băng mới" HOSE, liệu Vietnam Airlines có cất cánh?

Vietnam Airlines tiến gần sàn HOSE

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang tiến gần hơn với mục tiêu niêm yết trên sàn HOSE khi vào giữa tháng 10 vừa qua, trong buổi lễ công bố chuyển đổi từ mô hình Công ty TNHH MTV sang mô hình Công ty Cổ phần, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đã chỉ đạo: "Tổng công ty Hàng không Việt Nam cần hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu và tiếp đó là hoàn tất các thủ tục tại Sở giao dịch để mã chứng khoán Vietnam Airlines sớm có mặt trên thị trường chứng khoán."

Hồi cuối tháng 4/2016, trả lời phỏng vấn của Hãng tin Bloomberg, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, cổ phiếu của Vietnam Airlines có thể sẽ được giao dịch trên sàn HOSE vào cuối năm nay.

Vietnam Airlines niêm yết sàn HOSE

Vietnam Airlines sẽ sớm niêm yết trên sàn HOSE

Trước đó, vào ngày 14/11/2014, Vietnam Airlines đã tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM. Tiếp đến ngày 1/7/2016, hãng hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc. chính thức trở thành cổ đông lớn của Vietnam Airlines với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 8,77%.

Hiện Nhà nước đang là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu 86,16%, cổ đông lớn thứ hai không ai khác chính là ANA Holdings Inc. Ngoài ra, hai ngân hàng Việt là Techcombank và Vietcombank cũng là cổ đông lớn của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 2,08% và 1,83%. Còn lại 1,16% là các cổ đông khác.

Có gì hấp dẫn ở Vietnam Airlines?

Điểm hấp dẫn nhất ở Vietnam Airlines có thể nhận ra ngay là vị thế của hãng hàng không này. Thành lập từ năm 1993, suốt một thời gian dài, Vietnam Airlines hoạt động trên vị thế độc quyền trong ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Cũng bởi lợi thế quá lớn trong quá khứ này mà đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines vẫn là hãng hàng không sở hữu mạng bay nội địa lớn nhất, lực lượng tàu bay hùng hậu nhất Việt Nam.

Theo tạp chí Heritage tháng 9/2016 xuất bản bởi Vietnam Airlines, hãng hàng không này hiện có 82 máy bay, trong đó chủ yếu là máy bay Airbus A321-200 với số lượng 56 chiếc. Trong khi đó, tính đến tháng 10/2016, đối thủ lớn nhất của Vietnam Airilines là Vietjet Air hiện có 40 máy bay, trong đó có 33 chiếc là máy bay Airbus A320-214, còn lại 7 chiếc là máy bay Airbus A321-211.

Cũng bởi thừa hưởng lợi thế độc quyền trong quá khứ nên đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines vẫn là hãng hàng không có thị phần lớn nhất Việt Nam. Theo tiết lộ của ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không tại cuộc họp giao ban quý I/2016 của Bộ Giao thông Vận tải, Vietnam Airlines hiện đang nắm giữ gần 50% thị phần hàng không Việt Nam.

Vietnam Airlines sở hữu nhiều lợi thế lớn

Vietnam Airlines sở hữu nhiều lợi thế lớn thừa hưởng từ thời còn độc quyền

Một lợi thế khác của Vietnam Airlines là tổng công ty này hiện đang chiếm lĩnh phân khúc giá cao và trung bình. Rào cản gia nhập phân khúc này nhìn chung lớn hơn khá nhiều phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng phân khúc này trung thành hơn, chi phí đầu tư vào phân khúc này lớn hơn… Vì thế mà việc chiếm lĩnh phân khúc này bền vững hơn chiếm lĩnh phân khúc giá rẻ, hơn nữa lại đem lại tỷ lệ lãi cao hơn phân khúc giá rẻ.

Thêm vào đó, Vietnam Airlines cũng sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ bay, cơ sở dịch vụ mặt đất khá hoàn chỉnh. Điều này khiến Vietnam Airlines không bị phụ thuộc vào các đối tác cung ứng, đồng thời, một số lĩnh vực cũng đem lại lợi nhuận khá lớn cho các công ty thuộc hệ thống của Vietnam Airlines. Tất nhiên, đây cũng là một di sản lớn mà Vietnam Airlines được thừa hưởng từ vị thế độc quyền trong quá khứ.

Tiềm lực tài chính cũng là thế mạnh không thể không kể đến của Vietnam Airlines. Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2016, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines lên đến 13.734 tỷ đồng.

Vấn đề nội tại và trở lực từ Vietjet Air

Một trong những vấn đề nội tại lớn của Vietnam Airlines được dư luận đề cập đến ngay từ khi tổng công ty này tiến hành IPO, đó là vấn đề nợ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2016, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines ở mức 78.841 tỷ đồng, gấp 5,7 lần vốn chủ sở hữu. Nếu chỉ tính riêng nợ vay và thuê tài chính thì con số nợ của Vietnam Airlines cũng lên đến 60.361 tỷ đồng, gấp 4,4 lần vốn chủ sở hữu.

Bản thân Vietnam Airlines cũng nhận thấy chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này ở mức cao hơn mặt bằng chung của ngành hàng không, nên hãng đã đặt mục tiêu đến năm 2018, có thể giảm chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu xuống cỡ 3,1 lần.

Một vấn đề nữa khiến Vietnam Airlines trở nên kém hấp dẫn hơn khi lên sàn HOSE là vốn Nhà nước hiện vẫn chiếm đa số (86,16%) và khó lòng giảm xuống dưới 50% trong thời gian ngắn, thậm chí sẽ mất thời gian rất dài bởi rào cản từ vấn đề kiểm soát và chủ động trong an ninh hàng không.

Ngoài vấn đề nợ và tỷ lệ sở hữu nhà nước, Vietnam Airlines hiện cũng đang phải hỗ trợ Jetstar Pacific Airlines khá nhiều thông qua một chiến lược gọi là "thương hiệu kép". Mặc dù Jetstar đã chính thức có lãi vào năm 2015 sau 25 năm hoạt động, tuy nhiên, để Jetstar có thể cạnh tranh được với Vietjet Air ở phân khúc giá rẻ, Vietnam Airlines sẽ còn phải hỗ trợ hãng hàng không này trong thời gian dài, do đó mà tiêu tốn không ít nguồn lực.

Vietjet Air là trở lực không nhỏ của Vietnam Airlines

Vietjet Air là trở lực không nhỏ trong hành trình cất cánh trên sàn HOSE của Vietnam Airlines

Đó là một vài vấn đề nội tại. Nhưng ngay cả khi nhắc đến vấn đề nội tại của Vietnam Airlines, "bóng dáng" của Vietjet Air vẫn hiện ra. Vài năm trở lại đây, Vietjet Air đã trở thành đối thủ cực kỳ khó chịu của Vietnam Airlines khi khiến hãng hàng không lớn nhất Việt Nam mất đi vị thế chi phối thị trường, chiếm luôn phân khúc hàng không giá rẻ và ngày càng bành trướng thị phần.

Nhưng có vẻ như vậy vẫn chưa đủ. Vietjet Air còn cạnh tranh với Vietnam Airlines ngay cả trong chuyện niêm yết trên sàn HOSE.

Theo tiết lộ của ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Vietjet Air vào ngày 13/10, Vietjet Air đang chuẩn bị IPO trên sàn HOSE trong vòng 3 tháng cuối năm. Như vậy, thời điểm IPO của Vietjet Air và Vietnam Airlines không chênh nhau là mấy.

Điều này đặt nhà đầu tư vào trạng thái có 2 sự lựa chọn. Một bên là hãng hàng không lớn nhất, có truyền thống, có tiềm lực tài chính, có lợi thế vượt trội về cơ sở hạ tầng nhưng cổ đông chi phối vẫn là Nhà nước. Một bên là hãng hàng không đang tăng trưởng rất nhanh, năng động, chiếm trọn phân khúc giá rẻ và đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với Vietnam Airlines.

Với những lợi thế hiện có, cùng với cả những vấn đề nội tại và trở lực từ đối thủ khó chịu Vietjet Air, liệu rằng trên "đường băng mới" HOSE, Vietnam Airlines có thể cất cánh?

Tin mới lên