Tài chính

Vietnam Airlines lỗ thêm 3.530 tỷ đồng trong quý III, lỗ lũy kế cán mốc 930 triệu USD

(VNF) - Tính đến cuối quý III, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên tới 21.200 tỷ đồng, tương ứng hơn 930 triệu USD.

Vietnam Airlines lỗ thêm 3.530 tỷ đồng trong quý III, lỗ lũy kế cán mốc 930 triệu USD

Vietnam Airlines lỗ thêm 3.530 tỷ đồng trong quý III, lỗ lũy kế cán mốc 930 triệu USD

Mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 4.735 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu thấp nhất theo quý của Vietnam Airlines kể từ khi niêm yết trên sàn.

Nguyên nhân là do quý III cả nước thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, các chuyến bay gần như không có. Mặt khác, Vietnam Airlines tiếp tục tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, cho nên đã lỗ gộp hơn 3.011 tỷ đồng trong quý, bi đát hơn mức lỗ 2.220 tỷ đồng cùng kỳ.

Khấu trừ các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều đã phình to hơn quý III/2020, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hơn 3.530 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 3.017 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, hãng hàng không quốc gia ghi nhận 18.732 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 42,2% so với cùng giai đoạn năm trước; lỗ sau thuế ở mức 12.153 tỷ đồng, cao hơn đáng kể khoản lỗ 8.279 tỷ đồng cùng kỳ.

Như vậy, tính đến cuối quý III, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên tới 21.200 tỷ đồng. Mặc dù trong quý, doanh nghiệp đã hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên 22.144 tỷ đồng, song lỗ lũy kế vẫn "ăn mòn" vốn chủ sở hữu xuống còn vẻn vẹn 1.475 tỷ đồng.

Đây vẫn là nguy cơ lớn đối với cổ phiếu HVN, nếu Vietnam Airlines chưa thể cải thiện tình hình kinh doanh, tiếp tục thua lỗ trong quý IV và có lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu tại báo cáo kiểm toán năm 2021, thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Hồi tháng 9 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ xem xét và cho phép hãng hàng không quốc gia này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn trong giai đoạn ngắn, trong trường hợp bị âm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, đến nay chưa có thêm thông tin nào liên quan đến kiến nghị của Vietnam Airlines.

Nhờ đợt tăng vốn gần đây nên tình hình thanh khoản của Vietnam Airlines đã cải thiện hơn đáng kể. Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại thời điểm cuối quý III đạt gần 8.300 tỷ đồng trong khi cuối quý II chỉ có 1.600 tỷ đồng.

Kết thúc quý III, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 67.075 tỷ đồng, tăng 7,2% so với hồi đầu năm. Tổng nợ vay là 36.547 tỷ đồng, trong đó 14.290 tỷ đồng là vay ngắn hạn.

Trên thị trường, đóng cửa phiên 26/11, cổ phiếu HVN tăng nhẹ 50 đồng lên 23.850 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch đạt 3,7 triệu đơn vị.

Tin mới lên