Nhân vật

VietnamFinance bình chọn 10 câu chuyện doanh nhân nổi bật 2021

(VNF) - Vua thép Trần Đình Long thăng hoa cùng Tập đoàn Hòa Phát, tỷ phú Phạm Nhật Vượng được vinh danh “Anh hùng từ thiện châu Á”, CEO Phương Thảo tài trợ 4.800 tỷ đồng cho một trường Đại học ở Anh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa… là những câu chuyện doanh nhân ấn tượng nhất năm 2021.

VietnamFinance bình chọn 10 câu chuyện doanh nhân nổi bật 2021

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ vị trí số 1, tiếp tục mở rộng đầu tư

Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng tiếp tục góp mặt trong danh sách 15 gương mặt từ thiện lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố. Theo Forbes, vị tỷ phú số 1 Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Kể từ năm ngoái, tỷ phú giàu nhất Việt Nam đã quyên góp hơn 320 triệu USD (tương đương 7.360 tỷ đồng) để hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Các khoản đóng góp của Vingroup cho quỹ vắc xin quốc gia đã giúp mua 4 triệu liều vắc xin Covid-19 và 33 triệu bộ xét nghiệm. Doanh nghiệp này cũng tặng hàng triệu liều thuốc kháng vi rút Remdesivir và Monupiravir cho các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, nhóm bất động sản, ô tô và công nghệ đã đóng góp riêng 45 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng) cho Quỹ Thiện Tâm do ông Vượng thành lập năm 2006. Quỹ Thiện Tâm có 30 chương trình giúp đỡ những người khó khăn, từ học bổng đến cứu trợ thiên tai, trong đó đã hỗ trợ cho hàng nghìn trẻ em mồ côi cha mẹ trong trận đại dịch.

Được biết, Vingroup cũng không thu lợi nhuận từ việc sản xuất máy thở và doanh nghiệp đã tặng vài nghìn chiếc cho Nga và Ukraine.

Trong khi đó, theo con số được Tập đoàn Vingroup công bố, trong năm 2021 Tập đoàn đã tài trợ gần 9.400 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19, bao gồm chi phí sản xuất máy thở và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.

Vua thép Trần Đình Long thăng hoa cùng Tập đoàn Hòa Phát

Năm 2021, tuy ngành thép chỉ thăng hoa nửa năm nhưng cũng đủ để ông chủ Hòa Phát vươn lên vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng của Việt Nam với tài sản 3 tỷ USD, tăng 800 triệu USD so với đầu năm.

Nhờ kết quả kinh doanh tăng đột biến, cổ phiếu của Hòa Phát trở thành tâm điểm chú ý. Mã này tăng từ ngưỡng 31.000 đồng lên hơn 55.000 đồng vào đầu tháng 6, tiếp tục tiến gần 60.000 đồng khi công bố kết quả kinh doanh quý II. Kết quả này giúp tài sản của ông Long có thời điểm tiến gần ngưỡng 4 tỷ USD.

Sau khi dự án Hoà Phát Dung Quất giai đoạn 1 đi vào vận hành ổn định, năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử sản lượng bán hàng của Hoà Phát đã vượt 8 triệu tấn, tăng 33% cùng kỳ năm trước.

Mặc dù thị trường thép xây dựng trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid và thời gian giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam, tuy nhiên năm nay cũng là năm đầu tiên sản lượng xuất khẩu của Hoà Phát vượt 1 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Điều này được phản ánh tại kết quả kinh doanh của Hoà Phát với kỳ vọng gần 150.000 tỷ doanh thu và 35.000 tỷ lợi nhuận sau thuế năm 2021, gấp 2,7 lần thực hiện 2020.

Ngoài thép, năm 2021 ông Trần Đình Long tập trung mở rộng mảng bất động sản và sản phẩm điện máy. Bên cạnh việc mở rộng khu công nghiệp tại Phố Nối (Hưng Yên), Hoà Phát đẩy mạnh các dự án nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng. Ông Long đã ký hợp tác đầu tư với Cần Thơ, Nha Trang để rót vốn vào thị trường bất động sản đầy tiềm năng tại đây.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tài trợ khủng cho trường Đại học ở Anh

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã quyết định tài trợ 155 triệu bảng Anh (hơn 4.800 tỷ đồng) cho Linacre College, một trường Đại học thuộc Viện đại học Oxford (Anh). Và  trường này công khai ý định đổi tên thành “Thao College” như một sự ghi nhận, tri ân đối với nữ tỷ phú của Việt Nam.

Thông báo này được phía Linacre College đưa ra sau khi Tập đoàn Sovico và Viện Đại học Oxford ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh vào ngày 31/10.

Theo đó, trường đại học này sẽ nhận được một khoản tài trợ từ thiện với tổng trị giá 155 triệu bảng Anh. Theo kế hoạch, số tiền này sẽ được dùng để thành lập một trung tâm đào tạo sau đại học mới cho sinh viên của trường và cấp học bổng tiếp cận sau đại học.

Được biết, mức tài trợ cho Linacre College của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là số tiền cao nhất mà một cá nhân đóng góp cho Đại học Oxford đến thời điểm này.

Ông Trương Gia Bình muốn mở trường nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, sẽ mở trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha mẹ vì Covid-19 trong vòng 20 năm.

Các em nhỏ được nhận nuôi sẽ được đào tạo theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng.

Trường học này sẽ được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình kỳ vọng ngôi trường cho trẻ mồ côi sẽ giúp các em hoà đồng với các bạn bè, phát triển mọi khả năng và trở thành những người tài để quay lại phục vụ quê hương đất nước.

Địa điểm xây trường dự kiến là tại khu đô thị FPT City Đà Nẵng. Tại đây, FPT đã có trường FPT School (đào tạo từ lớp 1 đến 12) và cả đại học FPT.

Chủ tịch FPT cam kết có thể dành ra khoảng 80 tỷ đồng mỗi năm, liên tục trong 20 năm tới để nuôi dưỡng một cách tốt nhất cho các em nhỏ. Nếu mô hình được nhiều người chia sẻ, dự kiến có thể nuôi dưỡng 2.000 em, hoặc thậm chí 5.000 em nhỏ.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không IPP Air Cargo 

Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa.

Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Dự kiến trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.

Ông Hạnh Nguyễn cũng cho biết, IPP Air Cargo có kế hoạch ký biên bản ghi nhớ mua 10 máy bay B10 B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD với Tập đoàn Boeing, Hoa Kỳ. Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Bộ GTVT đã có công văn kiến nghị Thủ tướng chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị bắt

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vimedimex, bị bắt về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Kết quả điều tra xác định, tháng 8/2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu, Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau đó, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh và công ty thẩm định giá được cho là dùng nhiều thủ đoạn thông đồng để hạ mức giá thẩm định một số thửa đất còn hơn 17 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng 60-70 triệu đồng/m2.

Theo điều tra, sau khi hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá, bị can Nguyễn Thị Loan đã đưa 3 công ty tham gia đấu giá. Sau đó, bà này chi phối công ty cấp dưới rồi trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2.

Một tháng sau khi trúng đấu giá và được bàn giao đất, bà Loan đã bán lại các thửa đất với giá hơn 110 triệu đồng/m2. Cơ quan điều tra xác định trong vụ án, 6 công ty tham gia thì có 2 đơn vị không đủ điều kiện, một công ty không tham gia. Còn lại 3 công ty dưới quyền bà Loan đã dìm giá, thông đồng và dựng lên 41 công ty khác để tham gia vào các phiên đấu giá.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết muốn mua một đội bóng ngoại hạng Anh

Ngày 1/12, trao đổi với báo giới về kế hoạch phát triển hãng hàng không Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết cho biết việc mua một đội bóng ngoại hạng Anh là một phần trong kế hoạch này.

“Tôi mong muốn Bamboo sẽ là thương hiệu quốc tế, toàn cầu để khi người ta nhắc đến Bamboo Airways sẽ biết ngay là hãng hàng không của Việt Nam”, ông Quyết nhấn mạnh.

Vị tỷ phú này cũng tiết lộ, quá trình xem xét, tiếp xúc đặt vấn đề với mục tiêu sở hữu đa số cổ phần của một câu lạc bộ thuộc đấu trường cao nhất nước Anh qua vài kênh liên lạc đã được tập đoàn này xúc tiến những bước đầu tiên.

Với FLC, doanh nghiệp này cũng từng đã "rót" tiền vào bóng đá khi đầu tư vào đội bóng Thanh Hóa vào tháng 6/2015 với tên gọi là FLC Thanh Hóa. Tuy nhiên đến cuối năm 2018, FLC đã dừng tài trợ cho bóng đá Thanh Hóa với lý do theo ông Quyết là: "Chúng tôi thấy chưa có duyên gắn bó thêm, không phải vì nguồn kinh phí tài trợ mà vì rất phức tạp, bóng đá rất phức tạp".

Tỷ phú Trần Bá Dương bước chân vào mảng bán lẻ

Công ty THACO của tỷ phú Trần Bá Dương đã mua toàn bộ vốn Emart Việt Nam và chính thức trở thành chủ sở hữu chuỗi siêu thị này từ ngày 27/9/2021.

Tập đoàn Emart Hàn Quốc đã bán toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cho Thaco sau nhiều nỗ lực mở rộng kinh doanh ra thị trường Đông Nam Á thất bại. Siêu thị mang thương hiệu Emart vẫn sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam theo mô hình nhượng quyền và Tập đoàn Hàn Quốc sẽ thu phí nhượng quyền từ Thaco. Với thương vụ này, Emart kỳ vọng Thaco sẽ có thể mở rộng quy mô chuỗi Emart lên 10 siêu thị tại Đông Nam Á trong 4 năm tới.

Trong khuôn khổ hợp tác, Thaco sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Còn Emart Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Thaco sẽ đưa vào hoạt động thêm 2 cửa hàng tại TP. HCM và sẽ mở rộng hệ thống với 10 cửa hàng hoạt động vào năm 2025.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2021, ông Trần Bá Dương, chủ tịch Thaco, cho biết đại siêu thị Emart mà Thaco hướng đến sẽ tích hợp showroom, đi kèm với đó là khu ẩm thực, trung tâm hội nghị, tiệc cưới,... Dự kiến doanh thu năm 2021 của hệ thống siêu thị Emart đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2020.

CEO Nguyễn Thành Trung lọt top 10 người ảnh hưởng nhất về tiền điện tử

Mới đây, Coindesk - trang tin tức chuyên về tiền điện tử, đã công bố danh sách những người có tầm ảnh hưởng nhiều nhất đến lĩnh vực tiền điện tử trong năm 2021, trong đó có tên nhà đồng sáng lập game Axie Infinity Nguyễn Thành Trung.

Theo CoinDesk, CEO này là người "làm cho tiền điện tử trở nên thú vị hơn và thúc đẩy trào lưu chơi game play to earn. Axie Infinity là nền tảng cơ bản đưa toàn bộ trò chơi blockchain trở thành tâm điểm như hiện nay”. Ngoài ra, Thành Trung cũng là một kỹ sư 9x có năng khiếu, luôn theo đuổi những điều tốt nhất, đồng thời là một quản lý tài năng.

Thành Trung và nhóm của mình đã tạo ra nền tảng blockchain mang tên Ronin được đánh giá là bước ngoặt cho thị trường game NFT. Nhờ Ronin, Axie Infinity đã đáp ứng được số người tham gia tăng từ 38.000 vào tháng 4 lên 252.000 vào tháng 5/2021. Hiện tại, game này thu hút gần 3 triệu người dùng hàng ngày. Khối lượng giao dịch trên Ronin cũng cao gấp 4 lần khối lượng giao dịch của Ethereum.

Ở giai đoạn khởi nghiệp với Axie Infinity năm 2018, Thành Trung thu hút được nhiều nhân sự giỏi, trong đó có hai cộng sự từ nước ngoài là Zirlin và Larsen đến Việt Nam làm việc. Đến nay, đội ngũ của Sky Mavis, công ty sở hữu Axie Infinity có 87 người trên khắp thế giới, trong đó có 60 người làm việc tại Việt Nam. Trong năm nay, Sky Mavis cũng có hai lần gọi vốn thành công với số tiền 7.5 triệu USD trong vòng Series A và 152 triệu USD vòng Series B.

Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh đều gia tăng tài sản thêm 1 tỷ USD trong năm 2021

Nếu xét về mức độ tăng tài sản, hai tỷ phú trên là đứng đầu trong các tỷ phú Việt Nam. Tài sản của ông Hồ Hùng Anh, chủ yếu liên quan đến TCB, tăng hơn 60% so với đầu năm; từ 1,6 tỷ USD lên 2,6 tỷ USD. Còn ông Nguyễn Đăng Quang, chủ yếu liên quan đến MSN, tăng hơn 80%; từ 1,2 tỷ USD lên 2,2 tỷ USD.

Cổ phiếu MSN của Masan tính tới cuối phiên 23/12 gấp đôi so với đầu năm. Những mảng kinh doanh quan trọng của Masan không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch, thậm chí bán lẻ còn tăng trưởng nhờ nhu cầu hàng thiết yếu trong giai đoạn giãn cách.

Nửa tháng gần đây, nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư tăng tỷ trọng cổ phiếu MSN do dự phóng hoạt động của các mảng kinh doanh cốt lõi như hàng tiêu dùng, bán lẻ, vật liệu công nghệ cao tiếp tục khả quan.

Cổ phiếu TCB của Techcombank cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu đà tăng từ cuối tháng 1 và kéo dài cho đến giữa năm. Nếu tính chung cho cả năm 2021, thị giá của nhóm này tăng trên 30%.

Tin mới lên