Bất động sản

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2019

(VNF) - Năm 2019 thị trường bất động sản có nhiều biến động, diễn biến mới. Cùng VietnamFinance điểm lại 10 sự kiện bất động sản nổi bật diễn ra năm qua.

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2019

Dự án Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” cam kết lợi nhuận là một trong những sự kiện gây chú ý nhất trong năm 2019

Siêu dự án Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” cam kết lợi nhuận

Ngày 25/11, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Empire Group), chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay Đà Nẵng), cho biết công ty sẽ không tiếp tục trả thu nhập cam kết cho khách hàng từ ngày 1/1/2020 do những khó khăn về dòng tiền.

Trước thông báo đơn phương chấm dứt của Empire Group, hàng nghìn chủ sở hữu đã bỏ tiền từ vài tỷ đến vài trăm tỷ để đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng vô cùng "sốc" và hoang mang.

Cocobay Đà Nẵng là một trong những dự án có mức cam kết lợi nhuận cao hàng đầu thị trường condotel, lên tới 12%/năm.

Dù vậy, Empire Group vẫn khẳng định khoản thu nhập cam kết từ khi kí hợp đồng mua bán đến ngày 31/12/2019 mà Empire Group đã chi trả cho chủ sở hữu sẽ không bị thu hồi. Empire Group sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm chi trả cho chủ sở hữu.

Về các phương án hợp tác tiếp theo giữa công ty và các chủ sở hữu, Empire Group đưa ra 3 nhóm giải pháp. Một là giữ lại loại hình condotel như hợp đồng mua bán đã ký kết. Hai là chuyển đổi từ condotel sang căn hộ chung cư. Ba là khách hàng nhận ưu đãi khi mua các sản phẩm bất động sản mới của dự án.

Ngay sau đó, Đà Nẵng đã cho phép chuyển đổi 1.016/1.856 căn hộ khách sạn thành chung cư tại các công trình đang xây dựng thuộc cụm HH3 thành căn hộ chung cư.

Chuyển đổi 554/1.657 căn hộ khách sạn tại công trình chưa xây dựng tại cụm HH1 thành căn hộ chung cư.

Sau vụ "vỡ trận" lợi nhuận Cocobay, trao đổi với báo chí, ông Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhịp cầu Việt Đức, cho biết sở dĩ ông đầu tư 600 tỷ đồng vào dự án Cocobay Đà Nẵng là do ông Nguyễn Đức Thành (Chủ tịch Empire Group) và ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch SHB) đến tận nhà mời gọi.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành đã lập tức phản bác chuyện này. “Không bao giờ có chuyện tôi và ông Hiển đến nhà ông Tân mời đầu tư”.

Theo ông Thành, năm 2017, chính ông Tân đến văn phòng của Empire Group ngỏ ý muốn đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng. Ông Tân khi đó chỉ có 200 tỷ tiền mặt, ông Thành đã giới thiệu ông Tân với Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển để vay 402 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

“Trong 2 năm qua, ông Tân đã nhận của tôi 150 tỷ đồng. Tôi còn nợ ông Tân phần lợi nhuận cam kết của năm nay, gần 50 tỷ đồng nữa. Tôi cam kết vẫn trả tới 31/12/2019”, ông Thành thông tin.

Chính phủ ban hành khung giá đất mới 2020-2024

Chính phủ ban hành nghị định về khung giá đất áp dụng cho giai đoạn 2020-2024, với mức tăng chung 20%. Tuy nhiên, mức giá đất ở mức cao nhất cho các đô thị đặc biệt vẫn giữ nguyên như hiện nay là 162 triệu đồng/m2.

Nghị định cũng quy định 7 vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất. Giá đất ở tại các đô thị đặc biệt, đô thị từ loại 1 đến loại 5 có mức tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2, tối đa là 162 triệu đồng/m2.

Khung giá đất ở tại đô thị (đơn vị tính: nghìn đồng/m2)

Vụ Thủ Thiêm làm nóng công luận

Vào tháng 6, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận thanh tra về quy hoạch, xây dựng, đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP. HCM và các sở, ngành liên quan.

Toàn bộ quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn 221ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng UBND thành phố đã sử dụng quỹ đất chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính khu đô thị này, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.

“Việc UBND thành phố và các sở, ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định” Thanh tra Chính phủ cho biết.

Vụ Thủ Thiêm luôn "nóng" trong các hội nghị tiếp xúc cử tri TP. HCM trong năm qua.

Ngày 7/9/2018, Thanh tra Chính phủ xác định việc TP. HCM thu hồi 4,3ha đất ở phường Bình An là không đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Do việc khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch đối với khu 4,3ha là có cơ sở nên cần sớm được xem xét và có giải pháp phù hợp.

Ngày 3/12, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan cho hay thành phố đang gấp rút chuẩn bị các thủ tục để giao đất đền bù cho người dân tại khu 4,3ha chịu ảnh hưởng bởi dự án Thủ Thiêm. Dự kiến, người dân nhận đất đền bù sau Tết Canh Tý 2020.

4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ lên quận

Cuối tháng 10/2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành 4 quyết định phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.

Hiện tại, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã, tuy nhiên, trước khi phê duyệt đề án xây dựng bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025, từ cuối năm 2018 Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương thực hiện đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020.

Đánh giá về sự kiện này, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng đây có thể xem là một tin đáng mừng cho thị trường bất động sản của các huyện, bởi động thái đầu tư xây dựng chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa tốc độ đô thị hóa của các huyện, phát triển hạ tầng – kĩ thuật và tác động tích cực lên giá nhà đất.

Tuy vậy, bà Hằng cũng lưu ý quá trình đầu tư xây dựng các huyện này lên quận không diễn ra trong ngày một ngày hai mà sẽ kéo dài từ nay đến 2025.  Vì vậy, giá bất động sản những khu vực này có thể tăng lên nhưng sẽ theo lộ trình.

Vụ Địa ốc Alibaba lừa đảo bán hàng tại nhiều dự án “ma”

Trong bối cảnh các cơn sốt bất động sản đang bùng nổ hiện nay, hiện tượng dùng dự án "ma" lừa người mua khá phổ biến chứ không chỉ riêng Alibaba. Tuy nhiên, trường hợp Alibaba gây chấn động vì có tổ chức quy mô lớn.

Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba) và ông Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba) để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Nguyễn Thái Lực, em trai Nguyễn Thái Luyện, cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội danh "rửa tiền".

Công an TP. HCM xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh lập ra Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba với quy mô hơn 2.600 nhân viên. Anh em Luyện đã tổ chức thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp - lên đến 600ha, rồi giao cho các cá nhân đứng tên, vẽ ra 40 dự án "ma".

Cụ thể, anh em Luyện lập 29 dự án ở Đồng Nai, 9 dự án ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 2 dự án ở Bình Thuận. Lãnh đạo các tỉnh này khẳng định chưa ban hành bất cứ quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chủ trương đầu tư, giao đất hay cho thuê đất để Công ty Alibaba làm dự án nhưng các đối tượng vẫn lên mạng quảng cáo sai sự thật để bán đất nền.

Đến nay, Công an TP. HCM xác định anh em Nguyễn Văn Luyện đã ký hợp đồng bán đất cho hơn 6.700 người, thu về 2.650 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án này, tòa tuyên phạt Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (24 tuổi, quê Tiền Giang), nhân viên địa ốc Alibaba mức án 4 năm 6 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản.

Tạm dừng quy hoạch Phú Quốc, Bắc Vân Phong thành đặc khu

Vào đầu tháng 8, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.

Đến giữa tháng 8, Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với ý kiến đề nghị tạm dừng quy hoạch “đặc khu” của UBND tỉnh Kiên Giang… vì lập quy hoạch tại thời điểm này chưa đủ căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo ý kiến đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 739/TTg-CN ngày 8/6/2018, quy hoạch đảo Phú Quốc, theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhằm định hướng phát triển không gian đảo Phú Quốc trong giai đoạn tới, tạo tiền đề cho Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Sau Phú Quốc, vào cuối tháng 12, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét dừng chủ trương lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong.

Công bố kết luận thanh tra Tập đoàn Lã Vọng

Tháng 11/2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận dài 30 trang về các dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội.

Kết luận chỉ ra một loạt điểm sai phạm trong 9 dự án của Lã Vọng: Dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng (quận Long Biên), dự án BT cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng - hồ Tư Đình, dự án xây dựng hạ tầng và kỹ thuật tại khu đô thị phía tây nam đường 70 (quận Nam Từ Liêm), dự án chung cư tại Xa La (quận Hà Đông), dự án khu đô thị đông nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy)…

Kết luận cho thấy Lã Vọng sở hữu nhiều lô đất đẹp, giá trị cao thông qua các hợp đồng BT, cổ phần hóa, thậm chí là chuyển đổi sai mục đích sử dụng. Nhiều dự án BT được chỉ ra với những điểm bất hợp lý.

Điển hình như sau khi thực hiện dự án cống nối hồ Vục - hồ Đầu Bằng - hồ Tư Đình, Lã Vọng được Hà Nội đối ứng bằng một dự án khác là xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở tại khu đô thị chức năng tây nam đường 70 (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm). Theo đó, doanh nghiệp này nhận được 14,5ha đất thanh toán.

Đáng chú ý, để đổi lấy số đất này, Lã Vọng chỉ cần bỏ ra khoảng 400 tỷ đồng (so với dự toán ban đầu là 610 tỷ đồng) để xây dựng công trình cho Hà Nội. Thanh tra Chính phủ kiến nghị doanh nghiệp này phải nộp thêm 125 tỷ đồng vào ngân sách.

Cơ quan thanh tra cũng phát hiện Lã Vọng được giao 27,5ha đất tại khu đô thị Quốc Oai không thông qua đấu thầu. Điều này vi phạm quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Lã Vọng cũng tham gia vào dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp 20,9 km quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với tổng số vốn 8.800 tỷ đồng, theo hình thức BT. Đổi lại, doanh nghiệp đề xuất được thanh toán 43 ô đất, diện tích 454,67 ha. Sau đó được cấp 41 ô với diện tích 441,26 ha. Đây cũng là một trong những dự án Lã Vọng được Hà Nội chỉ định thầu.

Lã Vọng còn tự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng công trình sai phép trên đất, trong khi không thực hiện xây dựng dự án như quy hoạch. Các cơ quan chức năng của Hà Nội đã làm ngơ, không xử lý dứt điểm sai phạm.

Thanh tra Bộ Xây dựng “vòi tiền” ở Vĩnh Phúc

Vụ đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố vì “vòi tiền” ở Vĩnh Phúc vào hồi tháng 6 đã gây chấn động dư luận.

Theo cơ quan điều tra, ngày 12/6, tại trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang ông Hải Anh nhận 90 triệu đồng của ông Đỗ Ngọc Yên (35 tuổi, Phó giám đốc Công ty Đức Trung). Khi bị bắt, Đặng Hải Anh khai rằng ông Yên đưa tiền nhằm không bị giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà Công ty Đức Trung đã thi công.

Cùng ngày, trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Thị Kim Anh cũng bị bắt quả tang nhận 68 triệu đồng của ông Trần Hanh (48 tuổi, kế toán UBND xã Tân Tiến) để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình do UBND xã Tân Tiến là chủ đầu tư; nhận 91,5 triệu đồng của ông Đỗ Mạnh Cường (40 tuổi, công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang).

Khám nơi làm việc của Đoàn thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường, nhà chức trách thu nhiều hồ sơ của các đơn vị thi công công trình trên địa bàn và hơn 335 triệu đồng trong tủ do bà Kim Anh quản lý...

Ngày 18/6, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 3 cán bộ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, gồm bà Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1975, Phó trưởng Phòng phòng chống tham nhũng) là Trưởng đoàn cùng 2 thành viên đoàn thanh tra là ông Đặng Hải Anh và Nguyễn Thùy Linh về tội “Nhận hối lộ”.

Doanh nghiệp địa ốc huy động vốn khủng từ trái phiếu

Năm 2019, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục xem trái phiếu như một kênh huy động vốn hữu hiệu, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Theo báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 11/2019 được Công ty Chứng khoán SSI công bố, các doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 71.312 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng 2019, chiếm 34,5% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.

Theo SSI, các lô trái phiếu lớn của doanh nghiệp bất động sản có thể kể đến như: 1.500 tỷ đồng trái phiếu 5 năm của Công ty Cổ phần Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng, 1.135 tỷ đồng trái phiếu 18 tháng của Công ty Cổ phần Veracity - chủ đầu tư dự án Summit Building (Hà Nội); 570 tỷ đồng trái phiếu 2 năm của Vinametric - chủ khách sạn Saigon Prince Hotel; 500 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền của Tập đoàn Hà Đô; 500 tỷ đồng trái phiếu 3 năm của Hưng Thịnh Land...

Việc ngân hàng siết tín dụng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đưa ra giải pháp phát hành trái phiếu để bổ sung vốn. Có những doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất trái phiếu cao gấp đôi ngân hàng, thậm chí lên đến 14% và cao hơn nữa là 20%.

Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp “đói” vốn tìm mọi cách hút tiền để thực hiện dự án, trong đó cách làm dễ thấy nhất là phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn còn khoảng trống pháp lý trong quy định về huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, dẫn tới thị trường xuất hiện nhiều rủi ro.

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp không đại chúng, cách thức tiếp cận thông tin về những doanh nghiệp này của nhà đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, bản thân nhà đầu tư cần ý thức việc “tự bảo vệ”, tìm hiểu thật kỹ mức độ minh bạch của doanh nghiệp mình muốn đầu tư.

Nóng chuyện sổ hồng chung cư Mường Thanh

Vào giữa tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ra quyết định thu hồi sổ hồng tại loạt dự án chung cư và thương mại CT6A, CT6B Bemes (Kiến Hưng Hà Đông), khu nhà ở Xa La (Phúc La, Hà Đông), toà nhà CT5 (Tân Triều, Thanh Trì). Trong đó, Khu nhà ở Xa La có nhiều căn bị thu hồi sổ hồng nhất (301 căn hộ).

Sở này nêu rõ lý do: trong quá trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ và cấp sổ có sai sót, không đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, Hà Nội bất ngờ thông báo dừng thu hồi sổ hồng chung cư Mường Thanh. Vụ việc này đã khiến cư dân hoang mang và cho rằng không thể bỏ qua trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi để chủ đầu tư sai phạm rất nhiều ở dự án này.

Được biết đây đều là những dự án do Công ty Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên và Công ty cổ phần Sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes thuộc Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Hai doanh nghiệp này đều liên quan đến ông Lê Thanh Thản (69 tuổi) - người đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội khởi tố về tội Lừa dối khách hàng vào ngày 10/7/2019.

Tin mới lên