Bất động sản

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện kinh tế - xã hội TP. HCM 2021

(VNF) - Đại dịch Covid-19 lần thứ tư đã gây tổn thất 273.000 tỷ đồng cho hoạt động kinh tế TP. HCM. Đời sống kinh tế, xã hội của doanh nghiệp và người dân đều bị xáo trộn. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật về TP. HCM dưới góc nhìn của VietnamFinance.

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện kinh tế - xã hội TP. HCM 2021

Phiên đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức vào ngày 10/12 đã tạo cú sốc cho toàn bộ thị trường bất động sản ở Việt Nam với mức giá đạt đỉnh kỷ lục 2,45 tỷ đồng/m2.

Bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, kinh tế thiệt hại hơn 273.000 tỷ

TP. HCM giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31/5, đánh dấu giai đoạn  đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Liên tiếp qua nhiều đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 hoặc 16 và các biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn Thành phố, đến hết ngày 30/9/2021, TP. HCM mở cửa kinh tế trở lại, bước đầu đi vào giai đoạn bình thường mới.

Sau gần 5 tháng ưu tiên phòng chống dịch, kinh tế xã hội TP. HCM đã chịu tác động khá lớn (Ảnh minh họa)

Sau gần 5 tháng ưu tiên phòng chống dịch, kinh tế xã hội TP. HCM đã chịu tác động khá lớn. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) năm 2021 của TP. HCM giảm 6,7% so với cùng kỳ (năm 2020 TP. HCM tăng 1,39%), không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 6%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 13,7%; công nghiệp, xây dựng giảm 13%; dịch vụ giảm 5,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 15,8%...

Theo chủ tịch hội đồng nhân dân TP. HCM, năm 2021 kinh tế xã hội của thành phố ước tính thiệt hại kinh tế lên đến 273.000 tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD.

Đợt này, TP. HCM ghi nhận hơn 17.263 ca tử vong vì Covid-19. TPHCM là địa phương có số ca tử vong cao nhất, chiếm 74% trong 23.270 ca tử vong do Covid-19 trên cả nước (tính đến tháng 11/2021).

Quốc hội đồng ý tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. HCM từ 18% lên 21%

Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP. HCM trong năm sau sẽ tăng lên 21% thay vì 18% như giai đoạn 2016-2021, tương ứng gần 6.000 tỷ đồng.

Với quy mô kinh tế chiếm gần 23% GDP cả nước, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau đại dịch sẽ tùy thuộc rất lớn vào sự phục hồi của kinh tế TP. HCM. Do vậy, với sự tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. HCM lên 21% sẽ giúp Thành phố trong bối cảnh khó khăn hiện nay có thêm nguồn lực để chi tiêu, hỗ trợ người dân và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Điều này không chỉ mang lại tác động đối với Thành phố, mà còn lan tỏa tích cực đến nhiều địa phương khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như đóng góp vào sự phục hồi chung của cả nước.

Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước tại TP. HCM ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm.

Đấu giá đất Thủ Thiêm lập kỷ lục doanh thu, Thủ tướng chỉ đạo khẩn

Phiên đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức vào ngày 10/12 đã tạo cú sốc cho toàn bộ thị trường bất động sản ở Việt Nam và khu vực, với mức giá đạt đỉnh kỷ lục 2,45 tỷ đồng/m2.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Trong đó, đáng chú ý nhất là lô 3-12 có giá khởi điểm 2.942 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá với mức giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá ban đầu sau 70 lượt đấu. 4 lô đất đã được đấu thành công, số tiền ngân sách TP. HCM thu về là 37.350 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, Ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Qui hoạch TP. Thủ Đức thành đô thị loại I

Ngày 16/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM đến năm 2040, với mục tiêu TP. Thủ Đức trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TP. HCM và quốc gia.

Theo phê duyệt, TP. Thủ Đức là đô thị loại, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía đông của TP. HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo. Là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển.

Thủ Đức cũng là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TPHCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía đông của vùng TP. HCM.

Dự kiến đến năm 2030, dân số toàn TP Thủ Đức đạt khoảng 1.500.000 người; năm 2040 đạt khoảng 2.200.000 người, hướng đến 3.000.000 người sau năm 2040.

Ngày 15/12, chi cục Thuế TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 chi cục thuế của Thủ Đức, quận 9 và quận 2.  Đây là chi cục thuế có quy mô và địa bàn lớn nhất cả nước với 39.000 doanh nghiệp, 35.000 hộ kinh doanh và cũng là chi cục thuế có số thu lớn nhất cả nước, trực thuộc Cục Thuế TP. HCM. Ước tính, TP. Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) TP. HCM và chiếm khoảng 7% GDP của cả nước.

Doanh nghiệp ngành du lịch đóng cửa hàng hàng loạt

Tổng thu từ khách du lịch của TP. HCM, 11 tháng năm 2021 đạt 42.677 tỷ đồng giảm 44% so với 11 tháng 2020.

Từ tháng 4.2021, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động. Từ ngày 1.1.2020 đến ngày 25.9.2021 có tổng cộng 190 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Hướng dẫn viên cộng tác hoặc tự do đã phải chuyển nghề bán hàng trực tuyến, mở quán kinh doanh ăn uống, môi giới bảo hiểm hoặc về quê…

Nhiều cơ sở lưu trú cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, hoặc tạm ngưng hoạt động. Các đơn vị vận tải khách du lịch buộc phải bán bớt phương tiện vận chuyển để trả nợ ngân hàng, chi phí bảo dưỡng, kiểm định, lương tài xế,…

Theo nguyên tắc “an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”, TP. HCM đang nỗ lực mở cửa lại du lịch thông qua các hoạt động trực tuyến, đề nghị chính phủ cho mở đường bay đón khách nước ngoài, tổ chức các tour nội địa đưa du khách đến các vùng miền trong nước.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các hoạt động du lịch lên nền tảng trực tuyến nhằm tạo hiệu ứng, tính tương tác cao.

Đứt gãy mạng lưới phân phối, nghề shipper lên ngôi

TP HCM có 234 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, trên 100 siêu thị và trung tâm thương mại, gần 3.000 cửa hàng tiện lợi và hàng chục nghìn tiệm tạp hóa… để phục vụ cho hơn 10 triệu dân.

Trong giai đoạn gần 5 tháng đóng cửa chống dịch, các kênh phân phối chợ, tiệm tạp hóa, cửa hàng… hầu hết tạm ngưng. Tiểu thương thất nghiệp, TP. HCM lên kế hoạch hỗ trợ tiểu thương các chợ truyền thống với tổng chi phí hơn 55 tỷ đồng.

Chợ truyền thống TP. HCM ế ấm vì Covid-19

Kênh phân phối gián đoạn, dẫn đến tình trạng hàng hóa từ các tỉnh về TP. HCM bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, hàng thiết yếu nên người dân gặp khó khăn tìm nơi mua hàng, giá cả tăng. Trong khi đó hàng hóa các tỉnh thì ùn ứ không tiêu thụ kịp.

Vào giữa tháng 8/2021, theo Chỉ thị 11 của UBND TP. HCM về tăng cường giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, việc "đi chợ hộ" gặp nhiều vướng mắc. Mỗi hộ gia đình được đi chợ 1 tuần/lần, theo nhiều cách, từ mô hình đăng ký qua các tổ hỗ trợ ở khu phố, cho đến đăng qua mạng rồi theo combo của siêu thị... dẫn đến các siêu thị bị quá tải về đơn hàng, thời gian giao hàng chậm, người dân không mua được hàng.

Do Covid-19, nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, đã kéo theo việc ra đời của nhiều ứng dụng đặt hàng online và các hình thức giao nhận hàng hóa. Vai trò của đội ngũ shipper bởi thế ngày càng quan trọng.

Với 33 doanh nghiệp hoạt động trong ngành, TP. HCM có hơn 200.000 shipper. Nhưng trong những ngày giãn cách vì Covid-19, do các yêu cầu về tiêm Vắc xin, xét nghiệm, do lo sợ lây nhiễm… chỉ một phần shipper hoạt động.

Nhu cầu đặt hàng của người dân tại TP.HCM trong những ngày giãn cách tăng khoảng 200 - 500% so với thời điểm trước. Trong khi đó, số tài xế có tên trong danh sách được hoạt động khá hạn chế so với số lượng mà các hãng đã đăng ký. Cầu tăng vọt, cung hạn chế khiến giá cước giao hàng vẫn tăng ngất ngưởng và có nhiều thời điểm người dân tìm "đỏ mắt" cũng không đặt được shipper.

Duyệt đầu tư nhiều dự án lớn về hạ tầng

TP. HCM đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng: Nút giao thông An Phú, TP.Thủ Đức, triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025 với tổng mức đầu tư 3.926 tỷ đồng.

Xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông TP. Thủ Đức

Ngày 12/5/2021, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030 với tổng mức đầu tư dự kiến 137,638 tỷ đồng được phê duyệt

Trong đó có hàng chục công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2021: công trình xây dựng 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm; xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội; cầu Long Kiểng; xây dựng mới cầu Hang Ngoài tại quận Gò Vấp; cầu Vàm Sát 2 tại huyện Cần Giờ….

Các dự án trọng điểm, cấp bách lập, trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021: Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; Vành đai 2: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22, dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 …

Các tuyến đường trục chính, xuyên tâm: dự án xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc – Nam; xây dựng hoàn chỉnh mặt cắt ngang Vành đai 2 …

Ngày 26/5/2021, UBND TP. HCM vừa có quyết định giao Sở GTVT Tp.HCM chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng, mở rộng QL50, đoạn qua huyện Bình Chánh, tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng được ưu tiên triển khai giai đoạn 2021 – 2024.

Khởi công xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài,  dự kiến hơn 13.600 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5.100 tỷ đồng.

Hàng loạt lãnh đạo TP. HCM bị bắt

Ban Bí thư đã khai trừ Đảng đối với 3 người, nguyên là lãnh đạo TP. HCM.

Đó là ông Nguyễn Thành Tài, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM (từ năm 2008 đến năm 2011). Ngày 2/12, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP. HCM đã tuyên án 8 năm tù đối với ông Nguyễn Thành Tài (sinh năm 1952).

Ông Nguyễn Thành Tài ra tòa ở TP. HCM.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chịu trách nhiệm trực tiếp ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án trái pháp luật; tạo điều kiện để một số cá nhân chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Ngày 18/12, Tòa án Nhân dân TP. HCM tuyên án ông Trần Vĩnh Tuyến 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí trong vụ liên quan đến Tổng Công ty Nông Nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri), gây thất thoát hơn 672 tỷ đồng.

Ông chí Trần Trọng Tuấn, trong thời gian giữ chức vụ Thành ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, Chủ tịch Hội đồng thẩm định của TPHCM, chịu trách nhiệm trực tiếp thẩm định, ký tờ trình và tham mưu cho đồng chí Trần Vĩnh Tuyến.

Ông Trần Trọng Tuấn bị tuyên án 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Doanh nghiệp đuối sức, khát vốn

Ngay khi TP. HCM bước vào giai đoạn bình thường mới vào tháng 10/2021, thống kê cho thấy tính từ đầu 2021 có 25.895 trường hợp, chiếm gần 27% số doanh nghiệp rút lui trên cả nước.

Trải qua gần nửa năm chống chọi với dịch bệnh, tạm ngưng sản xuất, kinh doanh, đa số doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng kiệt quệ. Bởi vậy, khi tái khởi động, tài chính trở thành vấn đề nan giải nhất, đặc biệt là khi chi phí sản xuất đang tăng chóng mặt, từ nguyên liệu đầu vào, xăng dầu, cước phí vận chuyển… đều đang “đạt đỉnh”.

Cụ thể hơn, nguồn tiền của các doanh nghiệp đã cạn. Phần lớn nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh trong thời gian giãn cách xã hội. Do đó, hiện nay, doanh nghiệp đang phải gồng gánh để có thể duy trì một phần sản xuất trong điều kiện khó khăn.

Do vậy các doanh nghiệp, Hiệp Hội đều mong mỏi được ưu tiên được tiếp cận vốn vay dài hạn nhiều hơn vốn ngắn hạn như tỷ lệ hiện nay.

Nhiệm vụ khó khăn của chính quyền: đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,7% lên 6- 6,5%

Hội đồng Nhân dân TP. HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về dự toán thu ngân sách nhà nước; thu, chi ngân sách thành phố năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 386.500 tỷ đồng, tăng 5,94% so với dự toán năm 2021 và tăng 4,34% so ước thực hiện năm 2021.

Năm 2022, chỉ tiêu giao thu nội địa là 259.568 tỷ đồng, thu từ dầu thô là 10.500 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 116.500 tỷ đồng.

Năm 2022, thành phố đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6%-6,5%, tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%...

Việc đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,7% lên 6- 6,5% sau một năm là nhiệm vụ rất khó khăn năm 2022 này.

Tin mới lên