Tiêu điểm

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2020

(VNF) – 2020 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của ngành Công Thương, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và hội nhập. Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng ghi nhận những sự kiện là điểm nóng, gây tranh cãi trong dư luận xã hội.

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2020

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2020

1. Năm của những hiệp định quan trọng: EVFTA, RCEP, UKVFTA

Dấu ấn nổi bật nhất của ngành Công Thương năm 2020 là việc kí kết và thông qua một loạt hiệp định thương mại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, gồm: thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kí kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Ngoài ra, Việt Nam cũng đã kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh (UKVFTA), ngay trước lúc EVFTA hết hiệu lực với nước này bởi Brexit.

Những hiệp định này được đánh giá là thành tựu nổi bật của ngành Công Thương năm 2020, mở ra cơ hội xuất khẩu to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời làm gia tăng mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nước ta.

2. Xuất nhập khẩu đạt thặng dư kỷ lục

Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 254,93 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,05 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,65% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,88 tỷ USD, tăng 7,1%, chiếm 71,35%.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%.

Về nhập khẩu, tính chung 11 tháng năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 234,78 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, tính chung 11 tháng năm 2020, Việt Nam xuất siêu kỷ lục 20,16 tỷ USD  (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD). Đây có thể nói là kết quả phi thường của Việt Nam trong năm 2020, nhất là đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới.

3. Dấu mốc mới về cắt giảm điều kiện kinh doanh

Sau khi hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh giai đoạn 2017 – 2018, Bộ Công Thương tiếp tục đề ra nhiệm vụ của công việc này trong giai đoạn 2019 – 2020 bằng Quyết định 3720/QĐ-BCT ngày 11/10/ 2018.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong đó tập trung vào cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực như: an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất, điện lực, ô tô, kinh doanh khí, khoáng sản.

Số lượng điều kiện đã cắt giảm, đơn giản hóa tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP là 205 điều kiện kinh doanh, vượt chỉ tiêu so với số lượng dự kiến tại Quyết định số 3720/QĐ-BCT (202 điều kiện).

4. Cuộc chiến phòng vệ thương mại

Chỉ trong 9 tháng năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra 32 vụ việc phòng vệ thương mại, trung bình 8 ngày 1 vụ việc, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.

Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất...

Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Úc. Gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra phòng vệ thương mại với 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%).

Theo Bộ Công Thương, dù đối diện liên tiếp với các biện pháp phòng vệ thương mại, song công tác kháng kiện của Việt Nam vẫn thu được kết quả tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 43%.

Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ, mặc dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada...

5. Xuất hiện dự thảo Nghị định quy định các xác định sản phẩm “Made in Vietnam”

Sau khi vụ Asanzo xảy ra (6/2019), Bộ Công Thương đã lên ý tưởng về một Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Dự thảo thông tư này sau đó đã được lấy ý kiến rộng rãi và trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trong dư luận.

Tuy nhiên, dường như việc ban hành một thông tư là không khả thi nên tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Nếu được thông qua, nghị định này sẽ tạo hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc thể hiện nội dung xuất xứ, loại trừ các thủ đoạn gian lận trên thị trường.

6. Khung giá mới cho điện mặt trời

Kể từ khi Quyết định 11/2017 của Thủ tướng hết hạn (30/6/2019), giới đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam “đỏ mắt” ngóng chờ một quyết định mới về giá bán điện. Sau nhiều lần Bộ Công Thương đệ trình các phương án, cuối cùng, ngày 6/4/2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 13 quy định khung giá mới cho dự án điện mặt trời.

So với giá mua điện áp dụng trước 30/6/2019 (mức chung là 9,35 UScent/kWh, tức 2.086 đồng/kWh), giá mua dự án điện mặt trời giảm đáng kể.

7. Trình Thủ tướng Quy hoạch điện 8

Năm 2020, Bộ Công Thương đã hoàn thành Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Quy hoạch điện 8). Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng vào cuối tháng 12/2020.

Quy hoạch điện 8 là quy hoạch hạ tầng phát triển điện lực quốc gia, là quy hoạch có tính hệ thống rất cao, có sự gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch ngành khác như: than, dầu khí, sử dụng tài nguyên, môi trường, năng lượng tái tạo, giao thông, kinh tế xã hội, không gian đô thị…; có tính quyết định tới sự phát triển của ngành điện trong nhiều năm tới.

8. Lũ lụt nghiêm trọng, vấn đề thủy điện làm nóng dư luận và Quốc hội

Năm 2020 chứng kiến nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng diễn ra tại các tỉnh miền Trung, kéo theo đó là những tai nạn thương tâm, gây thương vong rất lớn.

Nguyên nhân của tình trạng lũ lụt này là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất trong dư luận thời gian qua, thậm chí là chủ đề nóng trên nghị trường Quốc hội.

Thủy điện và nhất là thủy điện nhỏ tại các tỉnh miền Trung bị xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lũ chồng lũ”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các nhà khoa học đã bác bỏ nguyên nhân này.

Trên thực tế, từ 2012-2019, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định trong Quy hoạch điện 8 sẽ quy định rất rõ rằng: bất kỳ dự án thủy điện ở quy mô nào, dù sử dụng chỉ 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ.

9. Dừng xuất khẩu gạo gây phản ứng gay gắt

Ngày 24/3, lệnh dừng xuất khẩu gạo được ban ra. Ngay lập tức, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh gạo phản ứng gay gắt. Trong cùng ngày hôm đó, Bộ Công Thương đã phải “xin” Thủ tướng cho xuất khẩu trở lại.

Tuy nhiên, ngày 25/3, Thủ tướng lệnh dừng kí hợp đồng xuất khẩu gạo mới, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt để xem xét.

Những ngày sau đó, việc xuất khẩu gạo đã trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng chuyên nghiệp, giới chuyên gia kinh tế và người dân.

Mọi việc chỉ “dịu” đi khi ngày 10/4, Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4. Thế nhưng, rắc rối ập đến khi Tổng cục Hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu vào 0h ngày 12/4 mà không hề thông báo với các doanh nghiệp. Chỉ trong vòng 3 giờ, hạn ngạch 400.000 tấn đã được đăng kí đủ. Các doanh nghiệp không kịp đăng kí đã phản ứng hết sức gay gắt. Những ngày sau đó là cuộc “đấu khẩu” giữa các cơ quan, tổ chức về việc này. Sự việc nghiêm trọng đến mức Thủ tướng lệnh Thanh tra Chính phủ vào cuộc để làm rõ.

Sau nhiều thảo luận, tới ngày 1/5, việc xuất khẩu gạo mới trở lại bình thường.

10. Vụ án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng liên quan nhiều cựu lãnh đạo và lãnh đạo Bộ Công Thương

Tháng 7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP. HCM.

Đây vốn là khu đất được UBND TP. HCM giao cho Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) quản lý, sử dụng. Sabeco sau đó đã kết hợp với một số doanh nghiệp thành lập nên Sabeco Pearl để triển khai đầu tư dự án khu thương mại văn phòng cao cấp tại khu đất này. Trong đó, Sabeco góp 26% vốn.

Tuy nhiên, từ năm 2016, Bộ Công Thương có chủ trương để Sabeco thoái vốn đầu tư tại Sabeco Pearl. Giữa năm 2016, HĐQT Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho các cổ đông còn lại, thu về khoản tiền gần 200 tỷ đồng. Các cổ đông còn lại sau đó cũng lần lượt bán cổ phần của mình dẫn đến khu “đất vàng” Hai Bà Trưng rơi vào tay một số cá nhân. Ước tính, hành vi trên của các bị can đã gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng của nhà nước.

Vụ thoái vốn này cũng liên lụy tới 1 Thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Công Thương là ông Cao Quốc Hưng.

Tin mới lên