Tài chính quốc tế

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

(VNF) - Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trong năm 2020, toàn thế giới dõi theo bầu cử tổng thống Mỹ, Trung Quốc chính thức thông qua luật an ninh Hong Kong, Anh ly hôn EU sau 47 năm gắn bó… là những sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm vừa qua.

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

(Ảnh minh họa)

1. Năm khủng hoảng vì Covid-19

Bùng phát từ cuối năm 2019, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành trong năm 2020.

Tính đến giữa tháng 12, đại dịch đã xuất hiện tại 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, lây mầm bệnh cho gần 77 triệu người và cướp đi mạng sống của khoảng 1,7 triệu người.

Mỹ hiện là ổ dịch lớn nhất thế giới khi ghi nhận tổng cộng 18,2 triệu ca nhiễm và hơn 320.000 nạn nhân tử vong.

Đứng thứ 2 là Ấn Độ với gần 10 triệu ca nhiễm và hơn 145.000 ca tử vong. Brazil ở vị trí thứ 3 với 7,1 triệu ca nhiễm và 185.000 ca tử vong.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 159 người tử vong. Tiếp đến là Italy và Peru (với 112 người) và Slovenia (109 người).

Tính tới giữa tháng 9, toàn cầu ghi nhận gần 77 triệu người nhiễm Covid-19.

Châu Âu khu vực đầu tiên trên thế giới ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 vượt mốc 500.000 trong tổng số hơn 23 triệu ca bệnh.

Tiếp sau châu Âu, Mỹ Latinh và Caribe là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới, với khoảng 480.000 trường hợp tử vong. Bắc Mỹ với Mỹ và Canada ghi nhận 325.000 ca tử vong, trong khi châu Á có 210.100 người không qua khỏi đại dịch.

Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

2. Toàn cầu dõi theo kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 

Cả thế giới đã theo dõi những diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay vì kết quả của nó chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi trong nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng toàn cầu trong tương lai.

Đại dịch Covid-19 thực sự là yếu tố không lường trước của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, và tác động của nó với kết quả bầu cử là không thể phủ nhận.

Thay đổi lớn nhất là trong cách thức bỏ phiếu. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho việc bỏ phiếu qua thư là lựa chọn phù hợp cho 65 triệu người dân Mỹ. Số lượng phiếu bầu qua thư tăng kỉ lục đã khiến cho các nhân lực của các ủy ban bầu cử bị choáng ngợp và tốc độ kiểm phiếu chậm hơn bình thường.

Với tổng số hơn 150 người Mỹ tham gia bỏ phiếu, cuộc bầu cử 2020 cũng là cuộc bầu bầu cử lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cả về tỉ lệ lẫn số lượng cử tri đi bầu.

Hơn 65 triệu người dân Mỹ đã bỏ phiếu qua thư trong kỳ bầu cử tổng thống năm nay.

Thêm vào đó, những vụ kiện nhằm thách thức kết quả bầu cử cũng tốn không ít giấy mực của báo chí.

Kể từ sau ngày tổng tuyển cử (3/11), Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã liên tục tiến hành các hành động pháp lý nhằm thách thức kết quả của cuộc bầu cử.

Thậm chí ngay sau khi đại cử tri của toàn bộ 50 tiểu bang và thủ đô Washington ngày 14/12 hoàn thành việc bỏ phiếu và chính thức xác nhận ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden là người chiến thắng trong kỳ bầu cử năm nay thì ông Trump vẫn tuyên bố nhóm pháp lý của ông sẽ tiếp tục theo đuổi các thách thức pháp lý.

Cụ thể, kết quả bỏ phiếu đại cử tri ngày 14/12 cho thấy ông Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri trong khi ông Trump chỉ giành được 232 phiếu, số phiếu cần thiết để giành chiến thắng là 270 phiếu.

Có tới 75% thành viên đảng Cộng hòa cho biết họ tin cuộc bầu cử vẫn chưa kết thúc. Chỉ 18% những người bỏ phiếu cho Tổng thống Trump năm nay coi ứng cử viên Biden là người chiến thắng hợp pháp.

Theo lịch trình, sau khi các bang hoàn tất bỏ phiếu đại cử tri, giấy chứng nhận và các thủ tục khác sẽ được gửi bằng thư bảo đảm cho quốc hội Mỹ.

Ngày 6/1/2021, lưỡng viện sẽ tổ chức một cuộc họp chung, do Phó Tổng thống Mike Pence, Chủ tịch Thượng viện, chủ trì, để xem xét kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.

Nếu các nghị sĩ quốc hội không phản đối bằng văn bản đối với chứng nhận phiếu đại cử tri, Chủ tịch Thượng viện sẽ chính thức xác nhận việc lựa chọn tổng thống đắc cử, người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

3. Nga đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới

Tổng thống Vladimir Putin ngày 11/8 tuyên bố Nga là nước đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vaccine ngừa Covid-19.

Vaccine mới có tên chính thức trên thị trường quốc tế là Sputnik-V, lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957. Vaccine này được nghiên cứu bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamalei thuộc Bộ Y tế Nga.

Vaccine Sputnik-V được công bố là có hiệu quả lên tới 95% trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Nga, Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya và Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) ngày 24/11 ra thông báo cho biết vaccine Sputnik-V có hiệu quả lên tới 95% trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.

Hơn 40 nước đã đăng ký mua vaccine ngừa Covid-19 của Nga, theo tiết lộ của Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov ngày 30/9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính phủ bắt đầu tiêm chủng vaccine Sputnik-V ngừa virus SARS-CoV-2 trên quy mô lớn vào giữa tháng 12. Theo ông Putin, số lượng vaccine Sputnik-V được sản xuất tại nước này sẽ tăng lên 2 triệu liều vào thời điểm cuối năm 2020.

Cho tới nay, ngoài Nga, việc nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 cũng có nhiều tiến triển tại các nước Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc… Nhiều nước đã lên kế hoạch tiêm chủng quy mô lớn nhằm đối phó với đại dịch vẫn đang hoành hành.

4. Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, khiến Trung Quốc phải áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt, các lệnh giới nghiêm và kiểm dịch trên toàn quốc, nhiều cơ sở sản xuất bị đóng cửa. Điều này giúp Trung Quốc khống chế và kiểm soát dịch bệnh tương đối nhanh nhưng cũng khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tác động của dịch Covid-19 khiến các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc phải ngưng hoạt động và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dòng chảy thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã phơi bày sự lệ thuộc của Mỹ và nhiều quốc gia khác vào nguồn cung ứng dược liệu thuốc từ Trung Quốc. Khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa thì thị trường dược phẩm của nhiều nước cũng rơi vào tình trạng đóng băng.

Tác động của dịch Covid-19 khiến các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc phải ngưng hoạt động và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Không chỉ vậy, các chuỗi cung ứng như thực phẩm, thiết bị y tế, thiết bị điện tử... của Mỹ và nhiều nước khác cũng đều phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hàng loạt các doanh nghiệp Mỹ trong năm qua đã lên kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, tìm kiếm các nhà cung cấp mới ngoài Trung Quốc.

Hồi tháng 3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng kêu gọi các doanh nghiệp nước này di dời dây chuyền sản xuất của những ngành có giá trị cao từ Trung Quốc về lại Nhật Bản. Với các sản phẩm còn lại, Nhật Bản sẽ phân bổ nguồn cung về các quốc gia ở Đông Nam Á.

Đến tháng 4, chính phủ Nhật Bản cho biết đã chi 248,6 tỷ yen (2,33 tỷ USD) để trợ cấp cho các doanh nghiệp đưa nhà máy từ Trung Quốc trở về nước.

5. Nhiều nước bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Trong năm 2020, các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông đã vấp phải loạt chỉ trích từ nhiều nước, gay gắt nhất là từ phía Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/7 đã ra tuyên bố chính thức về lập trường của Mỹ ở Biển Đông. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompe nêu rõ: “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng. Thế giới không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng họ".

Malaysia ngày 29/7 cũng đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc (LHQ) bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về "quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán" liên quan đến các khu vực hàng hải ở Biển Đông, được bao quanh bởi cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".

Tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan và USS Nimitz Carrier trong một chiến dịch trên biển Đông ngày 6/7.

Tiếp đó, trong công hàm số 20/026 gửi lên LHQ ngày 23/7, Australia nhấn mạnh nước này nhận thấy "không có cơ sở pháp lý" cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm cả những yêu sách liên quan tới các công trình đảo nhân tạo trên các bãi cạn nhỏ hoặc bãi đá ngầm.

Tới ngày 16/9, 3 nước châu Âu gồm Pháp, Đức và Anh đã gửi công hàm lên LHQ, bác bỏ nỗ lực của Trung Quốc nhằm độc chiếm hầu hết Biển Đông qua các tuyên bố phi pháp về đường cơ sở thẳng và vùng nội thủy giữa các nhóm đảo, đá mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.

Công hàm cũng nhấn mạnh, các yêu sách chủ quyền dựa trên cái mà Trung Quốc gọi là "quyền lịch sử" ở Biển Đông trái với luật pháp quốc tế cũng như các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đồng thời đã bị bác bỏ trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế.

6. EU siết chặt ‘hộ chiếu vàng’

Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) ngày 24/8 công bố loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là "mua bán hộ chiếu châu Âu" của Cộng hòa Síp từ năm 2017 đến năm 2019.

Al Jazeera cho biết để nhận "hộ chiếu vàng" của Síp theo chương trình CIP, các cá nhân cần có khoản đầu tư tối thiểu 2 triệu euro (khoảng 2,2 triệu USD) vào bất động sản hoặc vào một công ty có trụ sở tại Síp.

Theo Al Jareeza, trong khoảng thời gian từ 2017-2019, có hơn 1.400 cá nhân đã bỏ ra số tiền lớn để mua thứ gọi là “hộ chiếu vàng” này. Được biết, chương trình này đã giúp Síp thu về khoảng 7 tỷ euro, tương đương 7,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều tra của Al Jazeera cho thấy chương trình đầu tư nhận quốc tịch của Síp có sơ hở đối với rửa tiền và tham nhũng.

Trong số hơn 1.400 cá nhân mua hộ chiếu vàng của Síp có khoảng 30 cá nhân đang bị khởi tố và 40 nhân vật giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ một số quốc gia.

Từ năm 2008 tới năm 2018, EU đã đón hơn 6.000 công dân và gần 100.000 cư dân mới thông qua chương trình “hộ chiếu vàng”.

Hiện, ngoài Síp, một số quốc gia khác trong khu vực như Malta, Bulgaria, Luxembourg hay Slovakia,… cũng có chương trình này.

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, từ năm 2008 tới năm 2018, EU đã đón hơn 6.000 công dân và gần 100.000 cư dân mới thông qua chương trình “hộ chiếu vàng”. Ước tính, cơ chế nói trên đã đem lại cho EU đến 25 tỷ euro đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 10 năm.

Ngày 20/10, giới chức EU khẳng định đã khởi động tiến trình pháp lý nhắm vào chương trình “hộ chiếu vàng” gây tranh cãi của Síp. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, sẽ khởi kiện Síp lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vì đã vi phạm nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU, gây ra những mối nguy hại cho khối này.

Tổ chức Minh bạch quốc tế đã bày tỏ hoan nghênh và kêu gọi cải cách để loại bỏ hoàn toàn các chương trình “hộ chiếu vàng” trên toàn châu Âu. Cao ủy phụ trách tư pháp của EU, ông Didier Reynders, cũng khẳng định trao quyền công dân là đặc quyền của các quốc gia thành viên, song các quyền và điều kiện của quốc tịch châu Âu không nên bị lợi dụng bởi các kế hoạch đầu tư mạo hiểm của từng quốc gia.

7. Trung Quốc chính thức thông qua luật an ninh Hong Kong

Quốc hội Trung Quốc ngày 30/6 đã nhất trí thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong. Luật có hiệu lực vào ngày 1/7, đúng vào lễ kỷ niệm 23 năm ngày Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc.

Theo luật này, chính quyền đại lục sẽ lập ra một cơ quan an ninh tại Hong Kong để phân tích, đánh giá tình hình an ninh, thu thập thông tin và xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia.

Ngoài ra, luật cũng cho phép Hong Kong sẽ lập một ủy ban mới để bảo vệ an ninh đặc khu, ủy ban này chịu sự giám sát và chỉ đạo của cơ quan do chính quyền trung ương lập ra.

Luật sẽ áp dụng mức phạt tối đa là án tù chung thân với các hành vi vi phạm, trái với các thông tin được tiết lộ trước đó là tối đa 10 năm.

Quốc hội Trung Quốc ngày 30/6 đã nhất trí thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định rằng Luật an ninh quốc gia về Hong Kong được xây dựng để "duy trì vững chắc chính sách 'một nước, hai chế độ' cũng như sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của Hong Kong".

Tuy nhiên, luật này đã vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và nhiều nước đồng minh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 29/6 cho biết Mỹ sẽ chấm dứt hoạt động xuất khẩu quốc phòng có kiểm soát đối với Hong Kong và thực hiện các bước nhằm áp đặt những hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các công nghệ quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng sang vùng lãnh thổ này.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cùng ngày cũng thông báo bắt đầu thu hồi trạng thái đặc biệt của Hong Kong. Theo đó, các quy định của Bộ Thương mại Mỹ vốn dành ưu đãi cho Hong Kong so với Trung Quốc đại lục, gồm các ngoại lệ về giấy phép xuất khẩu, cũng sẽ bị ngưng lại.

27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/7 đồng ý loạt biện pháp trừng phạt nhằm thể hiện "quan ngại sâu sắc" với luật an ninh Hong Kong của Trung Quốc. Các biện pháp này bao gồm hạn chế thương mại và xem xét lại các thỏa thuận thị thực với đặc khu hành chính Hong Kong.

Canada, Australia, New Zealand, Đức cũng đã đồng loạt hủy bỏ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong.

8. Mỹ rút khỏi WHO

Trong năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát sinh nhiều bất hòa liên quan tới cách xử lý đại dịch Covid-19. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích WHO "che giấu thông tin" và "quản lý yếu kém" trong công tác đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Theo ông chủ Nhà Trắng, WHO phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Ông Trump cáo buộc WHO nhận tiền tài trợ lớn từ Mỹ nhưng "thiên vị Trung Quốc". Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng “nếu WHO làm công việc của mình, đưa các chuyên gia y tế tới Trung Quốc đánh giá tình hình thực tế và chỉ ra sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, dịch bệnh sẽ được kiểm soát ngay từ đầu với tổn thất rất nhỏ về sinh mạng”.

Theo Tổng thống Trump, Mỹ đã đóng góp cho WHO 450 triệu USD mỗi năm, một khoản tài trợ lớn hơn bất kỳ quốc gia nào, tuy nhiên Mỹ đã “không được đối xử đúng mực”, do đó chính quyền của ông đã đưa ra các kế hoạch cắt giảm khoản hỗ trợ tài chính này.

Đỉnh điểm, chính quyền ông Trump ngày 7/7 đã gửi thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres về việc Mỹ rút khỏi WHO.

9. Thủ tướng Nhật Abe Shinzo từ chức

Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản Shinzo Abe ngày 16/9 đã chính thức từ chức vì không muốn tình trạng sức khỏe của mình ảnh hưởng đến công việc của chính phủ.

Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, cánh tay phải lâu năm của Thủ tướng Abe, đã được chọn làm lãnh đạo mới của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đang cầm quyền và đã được bầu làm thủ tướng trong trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 16/9.

Ông Yoshihide Suga cũng khẳng định sẽ theo đuổi các chính sách chưa hoàn thiện dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo đồng thời cho biết ưu tiên hàng đầu hiện tại sẽ là chống Covid-19 ở Nhật Bản và xoay chuyển tình hình nền kinh tế bị tác động mạnh bởi đại dịch.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

Ông Suga là người ủng hộ trung thành của Thủ tướng Abe kể từ nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông Abe từ năm 2006 đến năm 2007. Nhiệm kỳ của ông Abe đột ngột kết thúc vì lý do sức khỏe và ông Suga tiếp tục trở lại hỗ trợ ông Abe khi ông trở lại là thủ tướng năm 2012.

Phát biểu tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị thủ tướng tối 16/9, ông Suga cam kết tiếp tục các chính sách kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm Abe Shinzo. Đây là sự kết hợp của các chính sách kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu nhằm vực dậy nền kinh tế bị đình trệ của Nhật Bản.

Về đối ngoại và an ninh, Thủ tướng Suga cho biết ông sẽ thực hiện các chính sách để tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời hy vọng thiết lập quan hệ ổn định với Trung Quốc và Nga.

10. Anh ly hôn EU sau 47 năm gắn bó

Đúng 23h ngày 31/1 (giờ London), Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), kết thúc 47 năm là thành viên của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sự kiện Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, đánh dấu lần đầu tiên một nước thành viên EU rời khỏi khối này.

Trong bài phát biểu được phát sóng một giờ trước khi sự kiện Brexit diễn ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng thời điểm Anh rời EU đánh dấu sự “đổi mới và thay đổi thật sự của đất nước”, đồng thời cam kết kiến tạo một quốc gia bình đẳng hơn cho công dân trên khắp nước Anh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thì tuyên bố rằng những thách thức mà EU đang đối mặt và những cơ hội mà khối này có thể nắm giữ sẽ không thay đổi vì Brexit.

Đúng 23h ngày 31/1, Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã chính thức rời Liên minh châu Âu. 

“Chúng tôi muốn có mối quan hệ tốt nhất có thể với Anh. Nhưng mối quan hệ này sẽ không bao giờ tốt đẹp như khi Anh còn là thành viên của EU”, bà Leyen viết trên trang Twitter ngày 31/1.

Theo thỏa thuận, công dân Anh vẫn được làm việc và giao dịch tự do với các quốc gia EU cho đến ngày 31/12/2020. Ngược lại, người EU cũng có quyền tương tự tại nước Anh, dù quốc gia này sẽ mất quyền đại diện và quyền biểu quyết trong các tổ chức của khối, bao gồm cả việc không có thành viên người Anh tại Nghị viện châu Âu.

Thỏa thuận ''ly hôn'' đã giải quyết vấn đề nợ của London, quyền của người EU tại nước này, tình trạng biên giới của khu vực Bắc Ireland và giai đoạn chuyển tiếp.

Nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ cho mình 11 tháng để đàm phán một thỏa thuận quan hệ đối tác mới với EU, bao gồm tất cả mọi lĩnh vực từ thương mại đến hợp tác an ninh và tình báo, tiêu chuẩn hàng không dân dụng, tiếp cận vùng biển quốc tế để đánh cá...

Hiện EU và Anh đã nhất trí tiếp tục đàm phán cho đến khi hai bên có thể đạt được thỏa thuận, cho dù thời hạn chót đã trôi qua ngày 13/12 vừa qua. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết việc ký kết thỏa thuận thương mại mới với Anh vẫn có thể xảy ra và hai bên vẫn đang đàm phán giải quyết những bất đồng dai dẳng.

Xem thêm >> Ông Putin gửi điện mừng ông Biden đắc cử, tuyên bố sẵn sàng hợp tác

Tin mới lên