M&A

VietnamFinance bình chọn 10 thương vụ mua bán, sáp nhập tiêu biểu năm 2020

(VNF) - Năm 2020, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến thị trường đầu tư và thương mại quốc tế. Trước diễn biến tiêu cực này, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) Việt Nam năm nay trở nên ảm đạm hơn rất nhiều, giá trị các thương vụ suy giảm hơn 50%... May mắn thay, trong bức tranh màu xám của thị trường M&A nói chung, vẫn có những điểm sáng đáng chú ý.

VietnamFinance bình chọn 10 thương vụ mua bán, sáp nhập tiêu biểu năm 2020

10 thương vụ m&a tiêu biểu năm 2020

Masan Group thâu tóm các 'ông lớn'

Đầu tiên, không thể không nhắc đến hoạt động sáp nhập của Masan và các công ty thành viên với các "ông lớn" như VinCommerce, Starck, Netco, 3F.

Bắt nguồn từ chiến lược mở rộng hệ sinh thái của Masan và tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của Vingroup, thương vụ Masan mua lại VinCommerce, chủ sở hữu của VinMart, VinMart+ đã được kích hoạt từ cuối năm 2019 - đầu năm 2020. Nhiều báo cáo ước tính, giá trị thương vụ này lên đến 5.400 tỷ đồng.

Sau khi về tay Masan, hệ thống VinCommerce đã được tái cấu trúc toàn diện, từ thương hiệu tới bộ máy tổ chức. Kết hợp với mở mới hàng chục điểm bán tiềm năng, Masan cũng đóng cửa không ít những siêu thị và cửa hàng VinMart hoạt động kém hiệu quả ở TP.HCM và các thành phố lớn.

Thêm vào đó, Masan cũng đang rục rịch đổi tên thương hiệu VinMart thành WinMart, tương tự là VinMart+ thành WinMart+, tuy nhiên bộ nhận diện thương hiệu mới vẫn chưa được tiết lộ.

Cũng trong giai đoạn này, Masan HPC, một công ty thành viên thuộc Masan Group đã mua vào 52% cổ phần của Công ty Cổ phần Bột giặt Net (Netco) với giá 48.000 đồng/cổ phần, ước tính khoảng 650 tỷ đồng để sở hữu thương hiệu Bột giặt Net - hãng bột giặt đang nắm khoảng 1,5% thị phần trong nước.

Ít lâu sau đó, Công ty TNHH Vonfram Masan, công ty thành viên của nhóm Masan công bố hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. StarckGroup GmbH (HCS), nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao “midstream”(giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) như bột kim loại vonfram và vonfram các-bua.

Với thương vụ trị giá 41 triệu Euro này, Masan chính thức trở thành nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram “midstream” cho các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo máy và công cụ, khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất.

Và mới đây, tập đoàn thông qua công ty con là Masan MEATLife tiếp tục mua vào 51% cổ phần của Công ty 3F Việt, doanh nghiệp đi đầu về các sản phẩm gia cầm (đơn cử như thị gà mát đóng gói, sản phẩm chế biến từ thịt gà...) để mở rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường thị gia cầm. Giá trị vốn góp của Masan tại 3F lên đến 613 tỷ đồng.

Nhóm quỹ ngoại KKR rót 650 triệu USD vào VinHomes

Trung tuần tháng 6/2020, theo thông từ Vingroup, một nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có Temasek đã chi 15.100 tỷ đồng, tương đương 650 triệu USD để mua vào hơn 200 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 6% cổ phần của VinHomes.

Giao dịch này đã chứng minh sức hấp dẫn của Vinhomes với năng lực triển khai dự án hàng đầu Việt Nam, sở hữu quỹ đất lớn và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, thương mại và công nghiệp.

Được biết, KKR và Temasek đều là những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới và đã có những khoản đầu tư lớn tại Việt Nam.

Trước đó, KKR từng rót hơn 500 triệu USD vào tập đoàn Masan, còn Temasek, quỹ đầu tư trực thuộc chính phủ Singapore cùng từng chi một khoản không nhỏ cho VNG và Scommerce.

Vinamilk chi gần 1.800 tỷ đồng thâu tóm GTNFoods - công ty mẹ của Mộc Châu Milk

Cuối tháng 12/2019, Vinamilk đã hoàn tất mua vào gần 79 triệu cổ phần GTNFoods nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 43% lên 75%, chính thức nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp sữa này. Được biết, giá trị giao dịch ước tính vào khoảng 1.800 tỷ đồng.

GTNFoods lúc đó đang là công ty mẹ của Mộc Châu Milk, sở hữu 51% vốn thông qua công ty con là Vilico. Sau khi gián tiếp trực thuộc Vinamilk, Mộc Châu Milk đã có những thay đổi rất tích cực, từ tình hình kinh doanh cho đến sức khỏe của doanh nghiệp.

Sau khi lên sàn UPCoM từ giữa tháng 12 với mã chứng khoán MCM, sắp tới, Mộc Châu Milk sẽ phát hành thêm 43 triệu cổ phiếu, trong đó 3,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:5, giá 20.000 đồng/cổ phiếu và 39 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Vinamilk và GTNFoods với giá 30.000 đồng/cổ phiếu.

Mục đích của đợt phát hành này là để tăng vốn điều lệ từ 668 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Động thái tăng vốn diễn ra trong bối cảnh tình kinh doanh 3 quý đầu năm 2020 của Mộc Châu Milk tăng trưởng mạnh mẽ, lợi nhuận tăng 70% so với cùng giai đoạn năm trước, vượt hơn 30% chỉ tiêu kế hoạch cả năm và đạt trên 220 tỷ đồng.

Pharmacity gọi vốn hơn 735 tỷ đồng từ nhà đầu tư "bí ẩn"

Hồi tháng 2/2020, chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity thông báo đã hoàn tất gọi vốn với 735 tỷ đồng, tương đương 32 triệu USD cho lần gọi vốn đầu tiên của vòng series C.

Đây là mức gọi vốn lớn nhất mà chuỗi bán lẻ này nhận được từ trước đến nay.

Theo Pharmacity nguồn vốn này hỗ trợ mục tiêu phát triển mạnh hơn cho Pharmacity trong thời gian tới, hướng tới kế hoạch IPO vào năm 2023.

“Việc mở rộng mạng lưới cũng như mảng kinh doanh dự kiến giúp đưa doanh thu của Pharmacity trong năm nay lên mức hơn 3.000 tỷ đồng, theo kế hoạch được công ty đề ra tương đương mức tăng dự kiến 230% so với năm 2019”, thông báo cho biết.

Trong năm 2020, Pharmacity đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng dự kiến lên 700.

“Việc niêm yết sẽ được thực hiện ngay sau khi chúng tôi hoàn thành mục tiêu 1.000 cửa hàng vào năm 2021”, ông Chris Blank, Giám đốc điều hành Pharmacity chia sẻ trên báo giới.

FWD mua lại VCLI của Vietcombank

Ngày 9/4, tập đoàn FWD (FWD) thông báo đã chính thức mua lại Công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank Cardif (VCLI), pháp nhân liên doanh giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và BNP Paribas Cardif.

Đây là thương vụ tốn nhiều giấy mực của giới chuyên môn, bởi ngoài FWD còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác. Bên cạnh đó, mặc dù chi tiết giá trị thương vụ không được công bố, tuy nhiên theo báo chí nước ngoài, con số có thể lên đến 1 tỷ USD, giá trị lớn nhất trong lịch sử ngành phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam.

Để thực hiện thương vụ mua lại VCLI, cuối tháng 3/2020, FWD đã tăng vốn điều lệ từ 3.675 tỷ đồng lên hơn 13.937 tỉ đồng , trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam tính theo vốn điều lệ.

Tổng số tiền mà FWD đã đầu tư vào Việt Nam là hơn 10.000 tỷ đồng, bao gồm cả thương vụ mua lại và đầu tư vào nhân sự, công nghệ, tạo ra những sản phẩm ưu việt hơn, nâng cao dịch vụ hậu mãi chăm sóc khách hàng, mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối và hợp tác với những đối tác lớn để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm.

Ngân hàng Aozora, Nhật Bản chi hơn 3.100 tỷ đồng mua cổ phần OCB

Cuối tháng 6/2020, sau khi được Ngân hàng nhà nước chấp thuận, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã phát hành thành công 86,68 triệu cổ phần cho ngân hàng Aozora tới từ Nhật Bản, qua đó Aozora chính thức trở thành cổ đông nước ngoài sở hữu 15% vốn. Giá trị ước tính là hơn 3.100 tỷ đồng.

OCB cũng chính thức tăng vốn điều lệ từ 8.767 tỷ đồng lên 10.959 tỷ đồng vào tháng 10.

Hai ngân hàng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, Aozora cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số.

Đồng thời liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Sumitomo Life rót thêm 4.000 tỷ đồng vào Bảo Việt

Tập đoàn Bảo Việt đã hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ hơn 41 triệu cổ phần, xấp xỉ 6% vốn cho Công ty bảo hiểm nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life), cổ đông chiến lược tới từ Nhật Bản.

Với mức giá mua vào là 96.817 đồng/cổ phần, cao hơn thị giá khoảng 30%, Sumitomo Life đã móc hầu bao hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương 170 triệu USD để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Bảo Việt lên hơn 22% vốn.

Về Sumitomo Life, đây là công ty bảo hiểm nhân thọ có lịch sử trên 100 năm với tổng tài sản lên đến 340 tỷ USD, 40.000 nhân viên làm việc tại 1.500 cơ sở trải khắp Nhật Bản.

Trước đó vào năm 2012, Sumitomo Life đã đầu tư lần đầu tiên vào Bảo Việt với trị giá gần 7.100 tỷ đồng, xấp xỉ 340 triệu USD.

Tập đoàn Thái Lan mua Thipha Cables và Dovina với giá 240 triệu USD

Đầu tháng 4/2020, Stark Corporation (Thái Lan) phát đi thông báo cho biết đã mua thành công 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và Công ty Cổ phần Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina).

Theo đó, tập đoàn đến từ Thái Lan đã chi 240 triệu USD cho hai thương vụ thâu tóm kể trên.

Được biết, Thipha Cables có xuất phát điểm là một cơ sở nhỏ do vị doanh nhân Võ Tấn Thịnh thành lập năm 1987 tại TP.HCM. Sau gần 3 thập niên phát triển, Thipha Cables đã trở thành nhà sản xuất dây và cáp điện lớn thứ hai ở Việt Nam.

Doanh nghiệp còn xuất khẩu sản phẩm ra một số nước ở Đông Nam Á.

Cuối năm 2009, các cổ đông của Thipha Cables thành lập Dovina để nhập khẩu và xử lý đồng và nhôm cho sản xuất dây và cáp điện. Dovina bán đồng và nhôm đã chế biến cho Thipha Cables, các doanh nghiệp khác ở Việt Nam và nước ngoài.

BIDV bán 15% vốn cho ngân hàng Hàn Quốc với giá hơn 20.000 tỷ đồng

Cuối năm 2019, Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã hoàn tất việc phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược là ngân hàng KEB Hana Bank, tới từ Hàn Quốc với số lượng hơn 600 triệu cổ phần, tổng giá trị của thương vụ này là hơn 20.000 tỷ đồng.

Đây là giao dịch M&A với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

Sau đợt bán vốn này, BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất tại Việt Nam và bước đầu giải được cơn khát vốn trước ngưỡng cửa Basel 2.

Indo Trần chi hơn 40 triệu USD thâu tóm Sotrans  

Tính đến cuối tháng 8/2020, Công ty Cổ phần giao nhận và vận chuyển Indo Trần đã mua vào 54 triệu cổ phiếu STG của Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam (Sotrans), nhằm nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên hơn 96,75%.

Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh, thỏa thuận hoặc mua từ công ty có sở hữu cổ phiếu STG. Trong đó, Indo Trần có nhận chuyển quyền sở hữu cổ phiếu STG qua Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam từ Công ty TNHH MTV Gelex Logistics, đơn vị thành viên của Tổng công ty Cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex).

Indo Trần đầu tư vào Sotrans từ khoảng tháng 9/2015 và sau đó liên tiếp tăng cổ phần nắm giữ lên gần 18% cuối năm 2016.

Tuy nhiên sau đó Gelex, đơn vị sở hữu gần 25% vốn của Sotrans lúc bấy giờ đã gửi đề nghị chào mua công khai thêm 22,3 triệu cổ phiếu STG và chính thức trở thành công ty mẹ nắm giữ 51% vốn điều lệ của Sotrans từ tháng 3/2017.

Trong giai đoạn này, cả Indo Trần và Gelex (sau này là chuyển quyền sở hữu cho công ty con Gelex Logistics) đều tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Sotrans.

Tạm tính theo thị giá lúc bấy giờ, thương vụ này có giá trị hơn 40 triệu USD.

Tin mới lên