Thị trường

VietnamFinance bình chọn những sự kiện doanh nghiệp nổi bật năm 2021

(VNF) - VinFast tái cấu trúc để IPO tại Mỹ, Hòa Phát lọt top đầu thế giới về thép, Vietnam Airlines được cấp phép bay thẳng Mỹ, Tân Hoàng Minh dự chi tỷ USD mua đất Thủ Thiêm… là những sự kiện doanh nghiệp tiêu biểu nhất trong năm 2021.

VietnamFinance bình chọn những sự kiện doanh nghiệp nổi bật năm 2021

VinFast tái cấu trúc để IPO tại Mỹ là một trong những sự kiện doanh nghiệp nổi bật nhất năm 2021

VinFast tái cấu trúc để IPO tại Mỹ

HĐQT Vingoup đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (51,52%) trong Công ty Sản xuất và kinh doanh VinFast, trụ sở tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, Việt Nam (VinFast Việt Nam) cho Công ty VinFast Trading and Investment Pte.Ltd - công ty con của Vingroup có trụ sở chính tại Singapore (VinFast Singapore).

Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Tập đoàn Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% cổ phần của VinFast Singapore, theo đó gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Tập đoàn Vingroup vẫn duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.

Việc tái cấu trúc này nằm trong quá trình chuẩn bị cho VinFast IPO tại Mỹ, là nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu của công ty.

Ngày 16/11/2021, VinFast chính thức đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh Mỹ, đặt tại khu vực Playa Vista của thành phố Los Angeles, bang California với rất nhiều các công ty công nghệ hoạt động. Công ty cũng đã ra mắt thành công hai mẫu ô tô điện VF e35 và VF e36 tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021, nhận được sự quan tâm của hàng triệu người tiêu dùng toàn cầu.

Hiện VinFast đang làm việc với các nhà tư vấn là các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới để chuẩn bị cho kế hoạch IPO vào nửa sau năm 2022. Nếu niêm yết thành công, VinFast sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa cổ phiếu giao dịch tại sàn chứng khoán lớn nhất thế giới.

Hòa Phát lọt top đầu thế giới về thép

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long đứng thứ 15 trong danh sách Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới với mức vốn hóa 11 tỷ USD, theo Reuters.

Con số này được ghi nhận ở thời điểm ngày 6/10 khi cổ phiếu HPG có mức giá 56.000 đồng/cp, với tổng số 4,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức vốn hóa của HPG đạt 247.000 tỷ đồng, tương đương 11 tỷ USD.

Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Tập đoàn Hòa Phát hiện có vốn điều lệ 44.729 tỷ đồng, lớn thứ 4 trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử sản lượng bán hàng của Hoà Phát đã vượt 8 triệu tấn, tăng 33% cùng kỳ năm trước. Sản lượng xuất khẩu của Hoà Phát vượt 1 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Điều này được phản ánh tại kết quả kinh doanh của Hoà Phát với kỳ vọng gần 150.000 tỷ doanh thu và 35.000 tỷ lợi nhuận sau thuế năm 2021, gấp 2,7 lần thực hiện 2020.

Vietnam Airlines được cấp phép bay thẳng Mỹ

Ngày 16/11, Vietnam Airlines đã chính thức nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng thương mại không điểm dừng giữa Việt Nam và Mỹ. Với sự kiện này, Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ.

Ngày 28/11, chuyến bay mang số hiệu VN98 của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đã khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20 giờ 57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco lúc 19 giờ 42 ngày 28/11 giờ địa phương, tức 10 giờ 42 sáng ngày 29/11 giờ Việt Nam, trở thành chuyến bay lịch sử đánh dấu sự kiện đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ chính thức được khai mở.

Chuyến bay VN98 đã mở ra giai đoạn khai thác mới của Vietnam Airlines trên đường bay Mỹ. Cụ thể, từ ngày 28/11, Vietnam Airlines khai thác thường lệ 2 chuyến/tuần giữa TP. HCM và San Francisco. Hãng dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.

Vietnam Airlines đang tiếp tục nghiên cứu để mở thêm đường bay mới đến Mỹ như giữa Los Angeles và Hà Nội hoặc TP HCM. Các chuyến bay giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng đội tàu bay thân rộng hiện đại nhất của Vietnam Airlines là Boeing 787 và Airbus A350.

Thế giới di động mở hàng loạt ngành mới

Từ sau khi nới lỏng giãn cách, Thế giới Di động (MWG) liên tục tung các ngành hàng mới: từ TopZone đánh trực tiếp vào thị trường Apple; BlueSport chuyên bán xe đạp, đồ thể thao; BlueJi bán trang sức, chuỗi Fashion chuyên thời trang đến AVA Kids. Không chỉ bán tất cả trong một, Thế giới Di động còn bắt tay với F88 cho vay tiền mặt tại chỗ với lãi 7,5%/tháng.

Được biết, những kế hoạch này chỉ vừa được manh gia trong tháng 10 – giai đoạn cả nước nói chung và Thế giới Di động nói riêng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhằm "gồng gánh" tăng trưởng mảng điện thoại và điện máy trong giai đoạn đã, đang bão hoà.

Động thái này được đánh giá là phù hợp với xu hướng mới, tức bán lẻ không chỉ còn là bán lẻ, mà bán cả dịch vụ tài chính, trải nghiệm…

Tính đến hết tháng 11/2021, Thế giới Di động có doanh thu đạt 110.530 tỷ, hoàn thành 88% kế hoạch và lợi nhuận 4.395 tỷ, hoàn thành 93% kế hoạch.

Mở thêm loạt ngành mới, năm 2022, Thế giới Di động đặt mục tiêu doanh thu tăng 12%, đạt 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận tăng hơn 33% lên 6.350 tỷ đồng so với năm 2011. Hiện vốn hóa thị trường của Thế giới Di động đạt 94.800 tỷ đồng, gấp gần 15 lần mục tiêu lợi nhuận của năm 2022.

Masan thành công trong thương vụ bán vốn tại CrownX

Năm 2021, Masan nhận được tới 2,3 tỷ USD vốn đầu tư. Cụ thể hồi tháng 4, SK Group mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce (đã đổi tên thành WinCommerce) với 410 triệu USD tiền mặt. Tiếp đó, nhóm đầu tư Alibaba và Baring Private Equity Asia chi 400 triệu USD cho 5,5% cổ phần phát hành mới của The CrownX - công ty thành viên của Masan.

Tháng 11, tập đoàn này công bố hai thương vụ hợp tác: De Heus Việt Nam chi 600-700 triệu USD, tiếp quản mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi; SK Group mua lại 4,9% cổ phần The CrownX với giá 340 triệu USD. Tháng 12, nhóm "đại gia" TPG, Abu Dhabi (ADIA) và SeaTown Holdings rót thêm 350 triệu USD vào The CrownX. Tổng giá trị các giao dịch trên xấp xỉ tổng số vốn đầu tư Masan nhận được trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020.

Đặc biệt, Masan rất thành công trong thương vụ bán vốn tại CrownX. Là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của tập đoàn tại Masan Consumer Holdings và WinCommerce (WCM), The CrownX là chương đầu tiên trong chiến lược Point of Life.

Vượt qua thách thức đại dịch, hai công ty thành viên đều có kết quả kinh doanh tích cực. Quý III, WinCommerce đạt lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông dương (137 tỷ đồng. Trong khi Masan Consumer Holdings tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong chín tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 14,3%, 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những bước cải thiện lợi nhuận giúp The CrownX tăng giá trị. Theo đó tháng 5, khi Alibaba và Baring rót vốn, công ty được định giá 7,3 tỷ USD. Đến thương vụ của TPG, ADIA và SeaTown tháng 12, thành viên này có giá 8,2 tỷ USD, tương đương tăng 12%. Masan đặt mục tiêu IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế trong 2-3 năm tới.

Tân Hoàng Minh dự chi tỷ USD mua đất Thủ Thiêm

Ngày 10/12, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản thuộc Sở Tư pháp TP HCM tiến hành đấu giá lô đất mang ký hiệu 3-12, thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (trước là phường An Khánh, quận 2).

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Bất động sản Tân Hoàng Minh tham gia đấu giá với mức giá ban đầu là 9.000 tỷ đồng. Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn này là người trực tiếp tham gia cuộc đấu giá và liên tục đưa ra các mức giá vượt xa đối thủ.

Cuối cùng, công ty của ông Đỗ Anh Dũng đã chính thức trở thành chủ nhân của lô đất vàng hơn 10.000 m2 tại Thủ Thiêm với mức giá tương đương 1,1 tỷ USD, gấp 8 lần giá khởi điểm. Mức giá bình quân Tân Hoàng Minh đưa ra lên tới hơn 2,4 tỷ đồng/m2.

Sau cuộc đấu giá, ông Đỗ Anh Dũng khẳng định Tân Hoàng Minh sẽ xây dựng một dự án hỗn hợp nhà ở và thương mại với tham vọng tạo ra một công trình kiệt tác tại TP.HCM trên khu đất tại Thủ Thiêm vừa mua thành công.

Kết quả đấu giá đất lên tới 2,43 tỷ đồng/m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm khiến nơi này trở thành một trong những khu vực có giá đất đắt nhất thế giới. Giá đất này cao gấp đôi nhiều khu vực trung tâm quận 1, thậm chí cao hơn các khu đô thị sầm uất trên thế giới như: New York, Hong Kong, Thượng Hải...

3 nhà mạng nhận giấy phép Mobile Money

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone và VinaPhone triển khai thí điểm Mobile Money.

Khác biệt lớn nhất của Mobile Money so với ví điện tử là khách hàng có thể thanh toán dịch vụ, hàng hóa có giá trị nhỏ mà không cần phải có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, tài khoản Mobile Money cũng có thể dùng thông qua USSD trên các dòng điện thoại "cục gạch" (feature phone) không có kết nối internet.

Những ưu điểm này được các nhà mạng kỳ vọng sẽ là phương thức thanh toán dễ sử dụng ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nơi chi nhánh ngân hàng, internet chưa phát triển mạnh.

Để triển khai thành công, theo các chuyên gia, Mobile Money cần được triển khai ở các mạng lưới, đơn vị chấp nhận thanh toán, giúp người dùng chi trả các dịch vụ điện nước, truyền hình và những dịch vụ thiết yếu khác. Bên cạnh đó, nhà mạng vẫn phải nỗ lực lớn để cạnh tranh với các ví điện tử đã có mặt từ lâu trên thị trường.

VPBank bán 49% cổ phần FE Credit

Ngày 28/10, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.

Như vậy, sau 6 tháng kể từ khi VPBank và SMBCCF ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 4/2021, hai bên đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để SMBCCF chính thức nắm giữ 49% vốn điều lệ tại FE Credit. Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng sẽ được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.

Việc thoái bớt một nửa vốn điều lệ tại FE Credit sẽ tạo điều kiện cho VPBank củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác. Trong khi đó, khoản đầu tư của SMBCCF sẽ cho phép công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Nhật Bản này mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực, bằng cách chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.

Tin mới lên