Thị trường

Viettel Post muốn xã hội hóa hoạt động giao nhận hàng hóa bằng xe tải trong năm 2020

(VNF) - Cùng với đề xuất xây dựng hạ tầng bưu chính dùng chung giữa các doanh nghiệp chuyển phát, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel dự kiến sẽ xã hội hóa hoạt động giao nhận hàng hóa bằng xe tải trong năm 2020.

Viettel Post muốn xã hội hóa hoạt động giao nhận hàng hóa bằng xe tải trong năm 2020

Viettel Post dự kiến sẽ xã hội hóa hoạt động giao nhận hàng hóa bằng xe tải.

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân bởi nó là chi phí đầu vào của mọi hoạt động sản xuất. Đây được coi là một ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong những năm vừa qua.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics của Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới. 

Dự báo, đến hết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt mức 300 tỷ USD, hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 67,7 triệu TEU, do vậy, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam là rất lớn. Trong tương lai không xa, dịch vụ cung cấp logistics sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, có thể đóng góp tới 15% GDP của cả nước.

Với một doanh nghiệp logistics như Viettel Post, để hoạt động logistics năm 2020 có thể khởi sắc và thật sự cất cánh, Viettel Post đã đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng logistics dùng chung cho cả nền kinh tế.

Cơ sở hạ tầng dùng chung sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực về phương tiện chuyên chở, về con người, về các hạ tầng logistics kho bãi… từ đó chi phí logistics của cả nền kinh tế sẽ được giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn thương mại điện tử bùng nổ tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics là hết sức quan trọng. Để đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng, giao hàng, Viettel Post đã đưa vào hoạt động hệ thống băng chuyền chia chọn tự động có công suất 36.000 bưu phẩm/giờ.

Bên cạnh đó trong năm 2019, Viettel Post cũng đã ra mắt ứng dụng gọi xe và giao hàng trực tuyến MyGo để giải quyết bài toán giao hàng tức thì, giao hàng nội tỉnh. MyGo không chỉ giúp Viettel Post giao hàng của chính mình một cách hiệu quả hơn, mà nó còn kỳ vọng trở thành đối tác của các công ty chuyển phát khác trong giao hàng chặng cuối.

Trong năm 2020 tới, doanh nghiệp này cũng dự kiến sẽ đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động giao nhận hàng hóa bằng xe tải để nâng cao hiệu suất hoạt động của phương tiện vận chuyển hàng hóa phổ biến này.

Bên cạnh việc kết nối và vận chuyển, kho bãi cũng là một thành tố rất quan trọng trong hoạt động logistics tại doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp có mạng lưới rộng khắp cả nước như Viettel Post, việc tối ưu hệ thống kho bãi cũng là một thách thức cần được giải trong năm 2020.

Hiện tại, hệ thống kho của Viettel Post nằm rải rác ở tất cả các tỉnh thành, hệ thống kho tỉnh, kho huyện hiện nay chỉ mới được khai thác để phục vụ hàng hóa của Bưu chính Viettel.

Theo đại diện của Vietttel Post, trong năm 2020, đơn vị này sẽ áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý kho, đồng thời xã hội hóa hoạt động cho thuê kho để tối ưu công suất.

Tin mới lên